Tổ chức thi trên máy tính: 3 yếu tố quan trọng

GD&TĐ - Từ kinh nghiệm của ĐHQG Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Trưởng ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, để tổ chức thi trên máy tính, chúng ta cần lưu tâm đến 3 phương diện.

Ứng dụng công nghệ trong thi cử và kiểm định chất lượng là yêu cầu tất yếu trong đổi mới GD. Ảnh: Quý Trung
Ứng dụng công nghệ trong thi cử và kiểm định chất lượng là yêu cầu tất yếu trong đổi mới GD. Ảnh: Quý Trung

Đó là: Cơ sở vật chất, kỹ thuật phải đảm bảo như ĐHQG Hà Nội đã tổ chức trong các đợt thi đánh giá năng lực; xây dựng quy chế, chế tài tổ chức thi chặt chẽ; tập huấn cán bộ tại các trung tâm khảo thí. Cùng với đó, vẫn cần nhiều đợt thi thử tại các địa phương để có thêm kinh nghiệm cho bộ phận tổ chức thi và cả thí sinh. 

Nghiên cứu, phát triển nhiều thập kỷ

GS Nguyễn Đình Đức thể hiện sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao những điều chỉnh của phương án thi sau năm 2020 mà Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ. Phương án được đề xuất trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm đã tích lũy được qua mấy năm đổi mới thi THPT, bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh là gọn nhẹ, giảm áp lực và giảm tốn kém cho thí sinh (và cho cả các trường đại học), có thể đánh giá là phù hợp, khả thi và thực tiễn.

Cùng với đó, nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12, phù hợp với thực tế. Phương thức thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính một số đợt trong năm giúp giảm áp lực thi cử cũng như tạo điều kiện cho thí sinh có thêm cơ hội ôn tập, củng cố kiến thức và cải thiện kết quả từng bước tốt hơn trong các kỳ thi ở các đợt khác nhau trên máy tính.

Nói sâu thêm về việc tổ chức thi trên máy tính, GS Nguyễn Đình Đức cho biết: Tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập của các nước trên thế giới như: SAT, ACT... cũng như từ kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính trong những năm 2014, 2015, 2016 ở ĐHQG Hà Nội. Nhưng có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương có điều kiện chuẩn bị tốt về máy móc, đường truyền mạng, đội ngũ cán bộ tại các trung tâm khảo thí được đào tạo, bồi dưỡng bài bản.

“Những năm gần đây số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT khoảng 900.000 thí sinh/năm, tính trung bình mỗi tỉnh thành khoảng 140.000 thí sinh/năm, như vậy mỗi tháng mỗi địa phương phải tổ chức cho khoảng hơn 11.000 thí sinh dự thi. Từ con số này chúng ta có thể hình dung được khối lượng cơ sở vật chất và nhân lực khá lớn phục vụ cho việc thi hoàn toàn trên máy tính và do vậy sẽ rất gấp và khó khăn (về cơ sở vật chất) nếu tổ chức ngay và đồng loạt. Tôi tin là con số ước tính này sẽ rất hữu ích với các bộ phận hữu quan liên quan đến công tác chuẩn bị cho các kỳ thi này” – GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Thi đánh giá năng lực tại ĐHQGHN. Ảnh Internet
 Thi đánh giá năng lực tại ĐHQGHN.                Ảnh Internet

Không có giải pháp nào là tuyệt đối

Khẳng định thi trên máy tính ưu việt hơn thi trên giấy, nhưng theo GS Nguyễn Đình Đức, không có giải pháp nào là tuyệt đối. Với hình thức thi trên máy tính, mấu chốt chống gian lận, tiêu cực là giám sát người cầm “chìa khóa” của máy chủ, vì có thể thay đổi kết quả thi, thậm chí can thiệp hàng loạt kết quả của nhiều người. Đây là vấn đề quan trọng cần có giải pháp. Trong một kỳ thi, để tránh gian lận, chúng ta cần giám sát chặt chẽ quá trình thi cử, và công tác chấm thi và tất cả các yếu tố cũng như con người tham gia vào các hoạt động này.

“Trong vụ việc gian lận thi cử của Kỳ thi THPT quốc gia 2018, sai phạm chủ yếu ở khâu xử lý kết quả bài thi. Do đó, theo kinh nghiệm từ ĐHQG, ngay sau khi thí sinh làm xong bài thi đánh giá năng lực thì máy tính chấm điểm luôn; các em biết điểm thi ngay tại chỗ. Thí sinh sau khi làm xong, có ngay kết quả thi, ký xác nhận vào kết quả đó và không có thay đổi nữa. Điều này khiến thí sinh an tâm và gia đình tin tưởng về tính khách quan minh bạch kết quả của kỳ thi. Bộ GD&ĐT có thể tham khảo giải pháp này” – GS Nguyễn Đình Đức cho hay.

Trả lời câu hỏi: ĐHQG có tin tưởng và sử dụng kết quả để xét tuyển nếu sử dụng phương án thi mới, GS Nguyễn Đình Đức cho biết: “Khi không thực hiện thi đánh giá năng lực mà sử dụng kết quả thi chung, ĐHQG Hà Nội có chuẩn bị một phương án thi khác bổ sung. Tuy nhiên, suy đi tính lại, mỗi năm ĐHQG Hà Nội nhận được hơn 120 nghìn hồ sơ dự tuyển, nhưng chỉ lấy gần 10 nghìn chỉ tiêu.

Với tỉ lệ chọi khoảng 1/10 như vậy, chúng tôi hoàn toàn có thể chọn được học sinh chất lượng và không cần thiết một bài thi chọn lọc bổ sung nữa. Cùng với đó, ĐHQG thực sự tin tưởng vào kết quả thi chung này vì qua nhiều năm tổ chức, Bộ GD&ĐT đã có kinh nghiệm tổ chức thi THPT quốc gia, đặc biệt đề thi ngày càng được chuẩn hóa và hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để làm căn cứ để xét tuyển vào đại học”.

4 khâu mấu chốt để có một kỳ thi tốt

GS Nguyễn Đình Đức nhiều lần phát biểu và khẳng định, để có một kỳ thi tốt, có 4 khâu mấu chốt, đó là, đề thi; phương án tổ chức thi (bao gồm cả việc coi thi, giám sát); công tác chấm thi và cuối cùng là xét tuyển. Hiện nay, phương án công bố của Bộ GD&ĐT đã đề cập đến phương án tổ chức thi và một phần liên quan đến đề thi.

Nhấn mạnh đề thi rất quan trọng, theo GS Nguyễn Đình Đức, để các trường đại học có cơ sở lấy kết quả Kỳ thi THPT xét tuyển đại học, đề thi phải đánh giá được năng lực và kỹ năng của thí sinh có đáp ứng để học ở bậc đại học hay không. Các trường đại học phải yên tâm với chất lượng của các đề thi này. Do đó, trước mắt những năm đầu, bộ đề thi có thể bao hàm kiến thức trong chương trình lớp 12 cho thí sinh khỏi sốc. Nhưng sau đó, bộ đề thi cần bao trùm toàn bộ kiến thức và các kỹ năng, được chuẩn bị kỹ và chuẩn hóa kỹ (như chất lượng các bộ đề SAT và ACT của Hoa Kỳ), từ đó mới có thể đánh giá chính xác năng lực học sinh cũng như chất lượng tốt nghiệp bậc giáo dục phổ thông, đồng thời, các trường đại học có thể tin tưởng sử dụng kết quả để xét tuyển.

Với các bài thi SAT, ACT của Hoa Kỳ, học sinh đều có các bộ tài liệu hướng dẫn ôn tập, giúp lượng hóa kiến thức. Đây vừa là căn cứ để thí sinh ôn tập, cũng là cơ sở để các trường đại học đưa ra điểm sàn của kỳ thi SAT, ACT để xét tuyển phù với với khung kiến thức, kỹ năng trong bộ đề này và yêu cầu đào tạo của nhà trường.

Như vậy, kiến thức và đề thi SAT và ACT không còn là “ngáo ộp” nữa và thí sinh dựa vào năng lực của mình được kiểm tra trong bộ sách hướng dẫn này cũng có thể tự ước lượng điểm thi SAT và ACT cho mình.

“Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT có thể tham khảo và xây dựng các bộ cẩm nang ôn tập thi THPT quốc gia của Việt Nam tương tự như vậy. Khi bộ tài liệu này được công khai, xã hội cũng được tham gia giám sát, các trường đại học có thể dựa trên nội dung, căn cứ tin tưởng vào chất lượng của kỳ thi để xét tuyển vào đại học” – GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.