Tổ chức thi trên máy tính: Kinh nghiệm quý từ thực tiễn

Thí sinh thi trên máy tính trong kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội.
Thí sinh thi trên máy tính trong kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội.

ĐHQGHN chuẩn bị đổi mới thi cử như thế nào?

Với tầm nhìn mang tầm chiến lược, ngay từ năm 1995, ĐHQG Hà Nội đã thành lập Trung tâm đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục.

Việc chuẩn bị cho đổi mới thi cử vào ĐHQGHN đã được lãnh đạo ĐHQGHN qua các thời kỳ có tầm nhìn xa trông rộng và chuẩn bị từ nhiều năm trước. Ngay từ 2005, ĐHQGHN đã triển khai Đề tài Nhà nước nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng các bộ đề thi trắc nghiệm đánh giá năng lực IQ, EQ và các năng lực khác của người học và tiên phong đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ về đo lường đánh giá trong giáo dục lần đầu tiên ở Việt Nam. 

Năm 2010, ĐHQGHN bắt tay vào xây dựng các bộ đề thi chuẩn hóa đánh giá năng lực, và từ 2012 đã bắt tay vào triển khai đánh giá thí điểm cho sinh viên năm nhất và học sinh THPT năm cuối. 

Năm 2013 và 2014, bộ đề thi đánh giá năng lực được sử dụng để tuyển sinh viên vào học các hệ tài năng, chất lượng cao, chương trình tiên tiến của ĐHQGHN và đến năm 2015, 2016, trong khi các thí sinh trên cả nước vẫn thi tốt nghiệp THPT là các bài thi viết và các trường đại học dựa trên kết quả thi THPT này để xét tuyển vào đại học, thì ĐHQGHN đã áp dụng toàn diện 2 năm liên kỳ thi đánh giá năng lực độc lập, nhiều đợt trong năm để tuyển sinh vào đại học trong toàn ĐHQGHN và rất thành công. 

Ví dụ năm 2015, chỉ tiêu là 4988, tổng 2 đợt thi đánh giá năng lực (ĐGNL) có 54.200 thí sinh dự thi theo ĐGNL và có 27.638 hồ sơ đăng ký xét tuyển theo kết quả thi ĐGNL. Bức tranh tương tự  thành công với 2016. 

Tuy nhiên, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã đổi mới phương thức thi THPT, các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH) bắt đầu được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. 

Thực chất công nghệ triển khai các bài thi trắc nghiệm này, từ công tác ra đề đến tổ chức thi, được chuyển giao và kế thừa từ kinh nghiệm tổ chức các bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN. 
Nếu trong bối cảnh đó lại áp dụng một bài thi ĐGNL riêng của ĐHQGHN thì sẽ vất vả cho thí sinh. Chính vì vậy, ĐHQGHN quyết định không triển khai (song song) các bài thi ĐGNL nữa mà sử dụng luôn kết quả thi THPT để xét tuyển vào đại học. 

Và với chỉ tiêu tuyển sinh khoảng gần 10.000, mỗi năm từ 2017 đến 2019 chúng tôi hằng năm đều có khoảng 120.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, với tỷ lệ chọi trung bình 1/12. Chính vì vậy, chúng tôi đã tuyển sinh rất tốt, thí sinh có chất lượng và thực tế đó đã cho thấy quyết định dừng bài thi ĐGNL là phù hợp, giảm tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh và cho cả ĐHQGHN.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. 

Vì sao tôi ủng hộ phương án thi THPT Bộ GD&ĐT đề xuất?

ĐHQGHN đã tổ chức thi ĐGNL ở Hà Nội và 6 địa điểm ngoài Hà Nội là Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Nguyên. 

Từng địa điểm chúng tôi phải chuẩn bị kỹ máy tính, đường truyền, các phương tiện giám sát, các phương án bảo quản đề thi (máy chủ) và với sự tham gia của nhiều cán bộ, giảng viên các trường đại học thành viên của ĐHQGHN và được sự ủng hộ nhiệt tình và tối đa của các địa phương và các cơ sở giáo dục đại học nơi chúng tôi mượn điểm thi. 

Những thuận lợi khác là chúng tôi có đội ngũ cán bộ ra đề thì nhiều kinh nghiệm, đã được lựa chọn, tập huấn và chuẩn bị trước một số năm. Qua những lần thi thử và thi thí điểm, chúng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm, bài học thực tiễn để xây dựng một Quy chế thi đánh giá năng lực bài bản, khoa học và chặt chẽ.

Ngân hàng đề thi đã được chuẩn bị và tích lũy dần từ những năm trước,  chu đáo, đề được mã hóa và ghép các câu hỏi vào bộ đề một cách ngẫu nhiên, khách quan, mỗi thí sinh một mã đề riêng. Điểm quan trọng là thí sinh vào phòng thi được chụp ảnh, lưu hình; sau khi làm bài xong máy chấm tự động và trả kết quả tại chỗ. 

Kết quả thi được in ra và thí sinh cùng giám thị ký xác nhận ngay tại phòng thi. Rất khách quan, minh bạch. Đồng thời các thí sinh có thể đăng ký thi nhiều lần để cải thiện điểm và được sử dụng lần thi có kết quả cao nhất để dự tuyển, giảm áp lực cho thí sinh, chính vì vậy, được dư luận, thí sinh và phụ huynh rất đồng tình, ủng hộ.

Khó khăn của chúng tôi là cơ sở vật chất (CSVC), chúng tôi phải mượn các phòng thi của các trung tâm khảo thi của các trường đại học ở các địa phương. Và huy động nhiều cán bộ giảng viên của các trường đại học thành viên được cử đi coi thi ở các địa phương nên cũng khá vất vả.  

Hơn nữa, là những cuộc thi đầu tiên bằng máy tính trên phạm vi lớn nên chúng tôi khá căng thẳng và vất vả, tuy nhiên, từ thực tiễn chúng tôi đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích. 

Vì những năm đó chỉ có ĐHQGHN thi tuyển sinh vào đại học bằng kết quả bài thi ĐGNL nên chúng tôi cũng chưa có điều kiện tổ chức thi rộng trên toàn quốc, điều này cũng làm hạn chế số lượng thí sinh dự thi và số lượng thí sinh đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào ĐHQGHN trên phạm vi toàn quốc.

Trên cơ sở bài thi chuẩn hóa ĐGNL trên máy tính, chúng ta có thể tổ chức nhiều đợt trong năm, thuận lợi cho thí sinh, đồng thời tạo cơ hội cho cả Việt kiều và người nước ngoài muốn học tại các trường đại học ở Việt Nam cũng có thể tham gia làm bài thi này để đăng ký xét tuyển đại học nhiều lần trong năm.

Một điểm lưu ý của phương thức xét tuyển theo ĐGNL là trong quá trình học tập có những sinh viên ở các trường khác chuyển đến học tại ĐHQGHN, quy chế quy định sinh viên phải có điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm trúng tuyển vào ngành đó cùng năm tuyển sinh, trong khi các bạn cùng khóa được tuyển theo ĐGNL,còn các bạn ở trường khác muốn chuyển về ĐHQGHN chỉ có kết quả kỳ thi THPT do Bộ tổ chức, cũng gây ra những khó khăn nhất định. 

Và đây chính là lý do tôi rất ủng hộ phương án thi THPT mà Bộ GD&ĐT mới đề xuất: Bộ phải cầm chịch, đứng ra tổ chức kỳ thi trên toàn quốc và với ngân hàng đề chung, chúng ta sẽ có điểm đầu vào trên một mặt bằng chung để so sánh thuận lợi cho việc chuyển ngành, chuyển trường của sinh viên sau này.

Làm sao để thi trên máy tính an toàn và hiệu quả?

Để một kỳ thi thành công phải an toàn và thành công trong cả 4 khâu: Đề thi, tổ chức thi, chấm thi và xét tuyển. Việc thi trên máy tính suy cho cùng, liên quan đến cả 4 khâu nói trên. Ví dụ khâu xét tuyển chúng ta xét tuyển theo điểm bài thi chung, hay theo cả kết quả tổ hợp các câu hỏi theo từng nhóm các môn, từ đó cũng ảnh hưởng đến việc thi trên máy tính. 

Để thi trên máy tính an toàn và hiệu quả, chúng ta phải có đầy đủ 3 yếu tố: CSVC thiết bị, phòng máy, đường truyền; Quy chế thi khoa học, khách quan và lường tránh hết những rủi ro và những khâu phải kiểm soát sát sao, không để xảy ra tiêu cực. Đội ngũ cán bộ khảo thi được tập huấn chuyên nghiệp và bài bản .

Đúng là nếu thí điểm ở quy mô nhỏ sẽ thuận lợi và nhẹ nhàng hơn. Khi triển khai trên toàn quốc phải đầu tư CSVC và cả con người sẽ có quy mô lớn hơn và tốn kém hơn. 

Để thấy được khối lượng công việc nếu triển khai trên toàn quốc, chúng ta có thể hình dung những năm gần đây có khoảng 950 nghìn thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT/năm. Như vậy tính trung bình mỗi tỉnh thành “gánh” khoảng 15.000 thí sinh/năm. 

Ở những thành phố lớn con số đó lớn hơn. Nếu mỗi tỉnh có 1 điểm thi ở Trung tâm khảo thí, thì trung bình mỗi tháng trung tâm phải tổ chức thi cho khoảng 1300 thí sinh, chưa kể thí sinh đăng ký thi lại để cải thiện điểm. Đây là con số không nhỏ, nhưng không phải là không khả thi.

Và ở những nơi xa xôi hoặc chưa đủ máy tính, chúng ta có thể cho thí sinh làm bài thi trên giấy. Chính vì vậy, tôi cho rằng phương án tổ chức song song 2 hình thức thi trên giấy và trên máy tính như Bộ GD&ĐT đã đề xuất là rất thực tế, khả thi và phù hợp.

Thực chất áp lực của kỳ thi nằm ở chỗ kết quả thi được sử dụng để xét tuyển vào đại học. 

Về lo ngại tiêu cực, nếu thi trên giấy, tiêu cực xảy ra có tính cá biệt với từng cá thể, còn thi trên máy, nếu không kiểm soát chặt, không có quy chế để kiểm soát chặt chẽ, 1 người  hoặc một nhóm người nắm giữ những khâu then chốt của quá trình này có thể can thiệp từ máy tính vào kết quả thi cho hàng loạt người. 

Tôi cho rằng trong tương lai xa hơn nữa, để giảm áp lực và quá tải, chúng ta có thể giảm số lượng thí sinh dự thi 1 cách khoa học, và cũng theo thông lệ quốc tế, là kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ do các Sở GD&ĐT các địa phương tổ chức, thí sinh trường nào thi tốt nghiệp THPT ở trường đó. 

Còn để dự thi vào đại học, thí sinh phải đến các trung tâm khảo thí để làm bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực để có kết quả đăng ký xét tuyển vào đại học.

 

Chính vì vậy, ĐHQGHN đã tổ chức chấm thi và công bố kết quả bài thi ngay sau khi thí sinh nộp bài trong phòng thi. Đảm bảo rất khách quan, công bằng, minh bạch. Và để làm được điều đó, chúng ta có thể phải chấp nhận không có bài luận trong đề thi trắc nghiệm. Vì nếu có bài luận, thì phải có phần chấm tay và chúng ta lại có thêm một khâu để lo lắng.

Văn là người. Bài luận là có thể là thước đo rất quan trọng để xem xét đánh giá thí sinh. Nhưng để đảm bảo khách quan và chấm bài trả kết quả ngay, có thể chọn phương án ra đề trắc nghiệm thay thế. 

Chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm vì khoa học giáo dục cũng như kinh nghiệm các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ cho thấy các bài thi trắc nghiệm (không có luận) hoàn toàn có thể đủ đánh giá được năng lực của thí sinh dự tuyển vào học ở bậc đại học. Các bài luận, các bài thi chuyên biệt sẽ được áp dụng thêm, ở vòng 2 khi xét chọn sinh viên tài năng, tuyển chọn nhân tài để cấp học bổng và chọn vào học các ngành đặc thù. 

Nội dung và chất lượng đề thi là yếu tố quan trọng

Nội dung và chất lượng đề thi là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá thí sinh có đủ năng lực để học bậc đại học ở ngành này hay ngành khác, ở trường này hay trường khác (vì ngay cả cùng một ngành nhưng các trường khác nhau, chương trình và nội hàm kiến thức kỹ năng trang bị cho sinh viên có thể ở những mặt bằng khác nhau). Chính vì vậy, chúng ta phải chọn những cán bộ có kinh nghiệm, hiểu yêu cầu và nội dung kiến thức ở bậc đại học cũng như ở bậc THPT tham gia công tác ra đề. 

Mặt khác, nội dung và chất lượng đề cũng chính là thước đo để các trường đại học căn cứ vào đó an tâm xét tuyển vào đại học. Kinh nghiệm như Hoa Kỳ cần có bộ tài liệu chuẩn để hệ thống hóa kiến thức và hướng dẫn làm các bài thi này. Khi đó, chất lượng nội dung đề thi phải nằm trong tài liệu này, được công bố minh bạch. Thí sinh học hết , nắm vững hết sẽ có thể được điểm tối đa, cũng là căn cứ cho thí sinh soi xét lại chính mình có đủ kiến thức và năng lực để theo học đại học không và nếu thi sẽ đạt mức điểm nào.

Những năm qua, việc ra đề thi của Bộ GD&ĐT đã được điều chỉnh hằng năm và tôi tin là chúng ta đã đào tạo được đội ngũ ra đề chuyên nghiệp và đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị nhằm ngày càng nâng cao chất lượng  và số lượng ngân hàng các câu hỏi cho đề thi.

Để thí sinh cả nước, nhất là vùng khó khăn “thành thục” làm bài thi trên máy tính, phải công bố các mẫu bài thi, và có hệ thống để thí sinh thi thử online trên máy tính cá nhân (tại nhà, ở trường, bất cứ chỗ nào có máy tính và Internet) với đầy đủ các hướng dẫn chi tiết cho thí sinh, như ĐHQGHN đã từng làm.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ