Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 31, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu lại chủ trương, quan điểm của Trung ương và Quốc hội là có lộ trình thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK”, nhưng cho rằng với điều kiện thực tế đất nước, trước mắt nên có một bộ SGK dùng chung; đến khi nào điều kiện đất nước phát triển bảo đảm các điều kiện cần thiết thì sẽ thực hiện chủ trương nêu trên.
Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Lộ trình thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK theo tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới Chương trình SGK GDPT của Quốc hội sẽ ra sao?
Đưa vấn đề này hỏi một số chuyên gia giáo dục thì được câu trả lời: Có vẻ dư luận đang “hiểu nhầm”; bởi ý kiến mới đây của Thường vụ Quốc hội là “trước mắt chỉ thống nhất một bộ SGK” chứ không phải là “chúng ta chủ trương một chương trình và một bộ SGK”. Như vậy, việc này không mâu thuẫn với tinh thần Nghị quyết 88 mà chỉ thể hiện sự dè dặt về lộ trình thực hiện “một số SGK cho mỗi môn học”.
Giải thích tại sao có sự dè dặt, thận trọng này từ phía Quốc hội, GS Lê Phương Nga (Trường ĐHSP Hà Nội), trả lời trên Đài Tiếng nói Việt Nam mới đây đưa ý kiến chủ quan: Do khó kiểm soát chất lượng sách; phân tán lực lượng biên soạn; có thể có tiêu cực – cạnh tranh không lành mạnh trong xuất bản và lựa chọn SGK; người dùng sách sẽ hoang mang vì chưa đủ năng lực và bản lĩnh để lựa chọn và sử dụng sách...
Những lo lắng, thận trọng là cần thiết; nhưng việc hình dung trước như vậy chỉ là để chúng ta có một lộ trình chắc chắn mà phòng ngừa, khắc phục, chuẩn bị đồng bộ để thực hiện chứ không phải để sợ rồi không làm. Nghị quyết 88 cũng đã có những gợi ý quan trọng để giải quyết vấn đề này.
Là tác giả SGK tiếng Việt năm 2000, GS Lê Phương Nga cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có những việc làm, bắt đầu từ truyền thông, làm cho mọi người hiểu rõ nhiều SGK cho một chương trình là thế nào, có lợi ích gì, cách dùng nhiều SGK khác gì với dùng một SGK, đã có những quy định, biện pháp gì để phòng ngừa những tiêu cực có thể xảy ra khi có nhiều SGK, đã có những việc làm gì để chuẩn bị cho việc nhiều SGK được thực thi an toàn và có hiệu quả… Từ đó, thuyết phục, tạo niềm tin của mỗi người dân, từ người dùng sách, người viết sách và cả các đại biểu Quốc hội.
Trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện việc này. Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT được ban hành cuối năm 2017 đã quy định rõ tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Các bản mẫu SGK (do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện và do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn) đều được các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn học thẩm định công bằng theo các tiêu chuẩn, quy trình quy định tại Thông tư số 33. Trên cơ sở ý kiến của các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, quyết định việc phê duyệt, cho phép sử dụng các SGK.
Có thể nói, để đổi mới căn bản, toàn diện GDPT, chủ trương một chương trình nhiều SGK là tất yếu. Đây được xem là cách làm có tính đột phá của Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, SGK GDPT. Chủ trương này góp phần giúp giáo dục Việt Nam hội nhập với thế giới.
Tuy nhiên, có một điều cần nhấn mạnh là, thực hiện chương trình mới, SGK không còn là “pháp lệnh”. Căn cứ quan trọng nhất cho việc dạy học ở phổ thông là chương trình GDPT được Bộ GD&ĐT ban hành theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018. Do đó, đội ngũ “thi công” – các thầy cô giáo – cần hiểu rất rõ về chương trình; đó cũng là điều quan trọng nhất giúp triển khai thành công chương trình mới.