Mục tiêu chung của đổi mới thi, xét tốt nghiệp THPT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản GD-ĐT là thực hiện đúng Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học; bảo đảm trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình và xã hội.
Nhìn lại lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh từ năm 2015 trở lại đây, dù kỳ thi quan trọng nhất dành cho thí sinh sau kết thúc lớp 12 có những điều chỉnh phù hợp mỗi năm, nhưng cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu này.
Năm 2015 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng xét tuyển ĐH - CĐ. Kỳ thi khắc phục nhiều bất cập, gây tốn kém, bức xúc của xã hội của các kỳ thi trước: Từ thi 4 đợt thành chỉ 1 đợt trong năm; thí sinh có thể thi ngay tại địa phương hay địa phương lân cận mà không phải dồn về thành phố lớn; kết quả thi trung thực, khách quan được hầu hết các cơ sở giáo dục đại học sử dụng để xét tuyển ĐH - CĐ…
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho Kỳ thi THPT quốc gia. Trong các năm 2020, 2021, 2022, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được tổ chức thành công, đạt mục tiêu kép: Vừa bảo đảm nghiêm túc, khách quan; vừa an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Tinh thần giữ ổn định kỳ thi này đến 2024 cũng được Bộ GD&ĐT khẳng định.
Đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo luôn là khâu vô cùng quan trọng, tác động tích cực trở lại đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Thời điểm này, khi Chương trình GDPT 2018 đang được triển khai được nửa học kỳ II ở lớp 10, các nhà trường, thầy cô, người học đều trông đợi phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để định hướng tốt hơn trong dạy học.
Năm 2025 - năm đầu tiên lứa học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 (3 năm THPT) thi tốt nghiệp - nên phương án thi chắc chắn phải thay đổi. Nhiều ý kiến chia sẻ mong muốn phương án thi mới sẽ vừa mang tính kế thừa ưu điểm của kỳ thi hiện nay và điều chỉnh để phù hợp với những thay đổi của chương trình mới, đặc biệt là việc học sinh có môn học bắt buộc và môn học lựa chọn, tính hướng nghiệp trong giai đoạn THPT...
Đặc biệt, với xu hướng ngày càng nhiều các kỳ thi, học sinh, giáo viên cũng mong đợi kết quả thi chất lượng để trường đại học tin tưởng sử dụng trong tuyển sinh, giảm bớt áp lực với người học. Đổi mới thi sau 2025 cũng cần phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018 với các mốc: 2025 - học sinh thi tốt nghiệp THPT có 3 năm học chương trình mới; 2027 - học sinh học chương trình mới được 6 năm và 2032 - học sinh học trọn 12 năm theo chương trình mới.
Bộ GD&ĐT đang tổ chức tham khảo ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý, thầy cô giáo, nhà trường và toàn xã hội để hoàn thiện phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. Kỳ thi bảo đảm đúng định hướng xuyên suốt, thống nhất về đánh giá kết quả giáo dục của Chương trình GDPT 2018; cung cấp thông tin chính xác, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Kết quả thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục. Các bên liên quan tham khảo, sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác nhau phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT. Công tác chuẩn bị về mọi mặt cũng sẽ được triển khai ngay từ năm 2023 để có thể triển khai thực hiện hiệu quả nhất.