Đại biểu nhắc lại, chỉ còn ít ngày nữa là Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ diễn ra trên toàn quốc. Với nhiều học sinh, kỳ thi được coi là bước ngoặt có ý nghĩa quyết định tới nghề nghiệp tương lai, đặc biệt sau gần 2 năm học sinh phải học online do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, trước thềm kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XV, cử tri và nhân dân dành nhiều sự quan tâm cho kỳ thi quan trọng này.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà ghi nhận, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực và đổi mới trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm 2022, Bộ đã có những đổi mới cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, phải kể đến những đổi mới về mặt thời gian đăng ký thi và nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.
Nếu như các năm trước, thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học cùng lúc với đăng ký thi tốt nghiệp THPT và được điều chỉnh lại sau khi biết điểm thi; năm nay, các em chỉ cần tập trung vào việc ôn thi cho thật tốt, chưa phải lo lắng đến việc xét tuyển. Sau khi thi xong, biết thực lực, kết quả của mình thì thí sinh mới đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ.
Theo nữ đại biểu đoàn Bắc Ninh, thay đổi này giúp các em ổn định tâm lý trước khi thi, không cần suy nghĩ, lo lắng đến lựa chọn các nguyện vọng. Các em có điều kiện tập trung ôn tập, từ đó sẽ nâng cao chất lượng bài thi.
Thí sinh sau khi thi xong và biết điểm của mình sẽ có sự lựa chọn ngành, trường phù hợp nhất với khoảng điểm của mình. Hơn nữa, việc chuyển đổi hình thức nộp hồ sơ từ trực tuyến kết hợp trực tiếp sang trực tuyến 100% sẽ giúp thí sinh có thể truy cập, hoàn thiện đăng ký và điều chỉnh hồ sơ, nguyện vọng mọi lúc, mọi nơi. Hệ thống lọc ảo cũng góp phần giảm đáng kể số lượng thí sinh ảo thuận tiện cho các bên liên quan.
Để kỳ thi được diễn ra thực sự an toàn và hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị, Bộ GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi về phương án tổ chức các kỳ thi, Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích về mục đích, tính chất của kỳ thi; thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông những điểm mới về kỳ thi để học sinh, phụ huynh, nhân dân hiểu, ủng hộ và phối hợp.
Cũng theo đại biểu đoàn Bắc Ninh, Bộ GD&ĐT cần chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của Kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu như: công tác đề thi, coi thi, chấm thi. Đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát.
“Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT. Nếu đề thi hướng tới việc xét tốt nghiệp thì chỉ nên đưa vào những kiến thức cơ bản, ít kiến thức vận dụng cao. Nếu sử dụng kết quả của kỳ thi làm căn cứ xét tuyển ĐH thì tính phân hoá phải cao hơn để nâng cao chất lượng của kết quả xét tuyển, đảm bảo tính chất và nâng cao ý nghĩa của kỳ thi” – đại biểu Nguyễn Thị Hà nói.
Ngoài ra, để đảm bảo sự thông suốt kỹ thuật của hệ thống xét tuyển trực tuyến, Bộ cần có dự báo rủi ro và phương án dự phòng cũng như đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức kỳ thi. Khi có tình huống bất thường xảy ra, phải xử lý thật nhanh và giải quyết dứt điểm.