Lo Tết cho trò: “Giữ lửa” trường lớp trước và sau Tết

GD&TĐ - Duy trì sĩ số, ổn định dạy học dịp trước và sau Tết Nguyên đán là việc không dễ dàng đối với giáo viên. Nhiệm vụ này càng thêm vất vả với thầy cô công tác ở vùng cao - nơi có nhiều lễ hội, phong tục tập quán. Công tác này vì thế trở thành nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội.

Tổ chức trò chơi dân gian đầu năm mới khiến HS hào hứng. Ảnh: ITN
Tổ chức trò chơi dân gian đầu năm mới khiến HS hào hứng. Ảnh: ITN

Tránh rã đám bằng hoạt động kết nối

Thầy Hà Trần Hồng – Hiệu trưởng Trường THCS Khao Mang huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chia sẻ: 98% HS của trường là người dân tộc Mông, ý thức trong việc nghỉ, bỏ học của HS đã tăng lên đáng kể tuy nhiên không vì thế mà chủ quan trong công tác ổn định, duy trì sĩ số thời điểm trước và sau Tết. Nhiều năm nay, trường không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức HS kết hợp với các hoạt động ngoại khóa gắn kết trường lớp với học trò.

Thầy Hà Trần Hồng cho biết thêm: Trước Tết Nguyên đán 1 tháng, thông qua tiết sinh hoạt, GV chủ nhiệm đã phân tích kĩ cùng HS về việc chơi Tết, nghỉ Tết sao cho phù hợp. Tuyên truyền kết hợp giáo dục để HS nhận ra việc học tập không thể bị ảnh hưởng bởi sự vui chơi quá đà.

Mặt khác, nhiều năm qua, GV nhà trường kiên trì xóa bỏ tâm lý tự nghỉ học chơi hết Tết dân tộc của HS người Mông sau dịp Tết Nguyên đán. Lịch nghỉ Tết Nguyên đán và ngày trở lại trường sau Tết được thầy cô nhắc nhở sát sao giúp HS nhớ và có ý thức chủ động trở lại trường lớp học tập.

Đặc biệt, để giúp HS cảm nhận không khí Tết dân tộc tại chính ngôi trường mình đang học tập, BGH nhà trường năm nào cũng tổ chức liên hoan cho HS. Bữa cơm “tất niên” bên cạnh chế độ hàng ngày còn có thêm những món ăn truyền thống dân tộc như: Bánh chưng, thịt gà, giò chả… khiến HS hào hứng chờ đợi. 

Sau Tết, ngày học đầu tiên HS được tham gia vào nhiều hoạt động thể thao, văn hóa. Đoàn, Đội tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống (nhảy bao bố, bịt mắt, bắt dê, đánh trống, kéo co, đẩy gậy…) tạo không khí vui vẻ giúp HS trải nghiệm và sẵn sàng tâm lí trở lại hoạt động học tập.

Tại Trường PTDTBT TH Nghĩa Thuận, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, (Hà Giang), việc tăng cường kết nối giữa nhà trường và học sinh bằng những hoạt động phong phú cũng được BGH đẩy mạnh và coi đó như cách hiệu quả để duy trì tỉ lệ chuyên cần của HS trước và sau Tết Nguyên đán.

Theo cô Đinh Loan Vân – Hiệu trưởng nhà trường: “Với HS dân tộc, chỉ tuyên truyền nâng cao ý thức học tập từ đó duy trì ổn định sĩ số chưa thể đạt hiệu quả. Nhà trường phải tạo ra nhiều hình thức vui chơi, học tập phong phú trước và sau Tết để tránh rã đám. Khi các em “bị” cuốn hút bởi các hoạt động trường lớp, việc kéo HS ở lại trường lớp mới dễ dàng”. 

Tại trường THPT số 1 Bắc Hà, huyện Bắc Hà  (Lào Cai), không khí Tết cũng ngập tràn trong các hoạt động ngoại khóa. Thầy Nguyễn Xuân Toàn – Hiệu trưởng cho biết: Trường sẽ mổ 3 con lợn để 320 HS bán trú và GV gói bánh chưng và chế biến món ăn truyền thống, cùng liên hoan tất niên. 

Không dừng lại ở đó, để bảo đảm không khí học tập và sĩ số những ngày cuối năm, nhà trường còn huy động kinh phí tổ chức giải bóng chuyền cho HS toàn trường tham gia. Giải bắt đầu trước Tết bằng các vòng đấu loại và kết thúc đấu vòng chung kết thời điểm sau Tết.

Như vậy, sức lôi cuốn của hoạt động ngoại khóa sẽ “kéo” HS đi học đầy đủ để cùng hòa chung vào các hoạt động nhà trường. Mặt khác, tại Trường THPT số 1 Bắc Hà, ngày học đầu tiên sau Tết cũng sẽ được nhà trường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi nhưng mang tính chất gìn giữ văn hóa dân vùng cao Bắc Hà như: Ném còn, kéo co, đẩy gậy… Bắt đầu bước vào học tập với tinh thần sảng khoái khiến HS nhanh chóng bắt nhịp cùng trường lớp, sớm ổn định tâm lý học tập.

Kéo gia đình, xã hội vào cuộc

Tết đến cũng đồng nghĩa công việc của nhà trường, giáo viên (GV) tăng thêm, bận rộn hơn. Làm gì để HS không rã đám, học hành không uể oải, vi phạm kỷ luật (đi học muộn, bỏ học, trốn tiết, đốt pháo…), tỉ lệ chuyên cần trên lớp cao luôn là nỗi trăn trở của các nhà trường và GV. 

Thầy Nguyễn Xuân Toàn – Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà, chia sẻ kinh nghiệm: Lễ hội, phong tục tập quán, kiếm sống theo thời vụ… là nguyên nhân chính khiến nhiều HS bỏ trường lớp thời điểm trước và sau Tết. Chính vì vậy, ban giám hiệu và GV luôn có sự kết hợp chặt chẽ với thôn bản để nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình HS, kéo trưởng thôn bản cùng vận động HS trở lại trường lớp đông đủ. Cùng đó, GV chủ nhiệm có trách nhiệm nắm bắt thông tin liên lạc với phụ huynh học sinh lớp mình phụ trách.

Sự vắng mặt của bất kỳ HS nào đều được GV gọi về gia đình để tìm hiểu nguyên nhân và có sự tuyên truyền, thuyết phục phụ huynh học sinh sớm đưa con trở lại trường lớp. Với sự quyết liệt, cụ thể, hiệu quả trong công tác nắm bắt thông tin HS, kết hợp với chính quyền địa phương cùng tuyên truyền vận động… tỉ lệ HS Trường THPT số 1 Bắc Hà trở lại trường lớp đạt tới 97 - 98%.

Còn theo cô Đinh Loan Vân – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Nghĩa Thuận – Quản Bạ (Hà Giang), nhà trường xây dựng kế hoạch nghỉ Tết và ngày trở lại trường gửi về cho các thôn bản. Từ đó, trưởng các thôn, bản nắm bắt được lịch nghỉ Tết và trở lại học tập sau Tết, từ đó có kế hoạch tuyên truyền vận động chung trong thôn bản, thậm chí tới từng gia đình nắm bắt tình hình và tuyên truyền vận động.

Nhiều năm trở lại đây, dù số ngày nghỉ Tết của HS thường từ 10 - 14 ngày nhưng tình trạng HS bỏ học trước và sau Tết tại xã vùng cao biên giới Nghĩa Thuận đã cơ bản được giải quyết, ngăn ngừa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.