Lộ sát thủ bí ẩn giúp Nga quét sạch hung thần HIMARS Mỹ

GD&TĐ - Việc Nga sử dụng UAV Inokhodets là phương tiện chỉ thị mục tiêu đã khiến các tổ hợp M142 HIMARS Mỹ của Ukraine phải im tiếng.

Lộ sát thủ bí ẩn giúp Nga quét sạch hung thần HIMARS Mỹ

Theo hãng thông tấn Sputnik dẫn lời các chuyên gia và quan chức quân sự Nga, quân đội nước này đã thử nghiệm một vai trò mới rất hiệu quả đối với máy bay trinh sát-tấn công không người lái Inokhodets (phiên bản xuất khẩu được biết tới rộng rãi với tên gọi là Orion-E) trong điều kiện chiến đấu thực tế ở chiến trường Ukraine.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, việc sử dụng những chiếc UAV với vai trò khác thường sẽ cho phép vô hiệu hóa một trong những ưu điểm chính của pháo binh Ukraine, đặc biệt là những phương tiện tầm xa, cơ động cao như HIMARS - Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 của Mỹ.

Inokhodets là loại UAV độ cao trung bình, thời gian dài (MALE, Medium Altitude Long Endurance). Phiên bản xuất khẩu (tên gọi Orion) có trọng lượng cất cánh lên tới 1.000 kg, bán kính chiến đấu 250 km, độ cao 7.500 m, tốc độ 200 km/h. Rất có thể, phiên bản tiêu dùng nội địa có các đặc điểm tốt hơn nhiều.

Inokhodets đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 10/10/2016 và được cho là đã có hoạt động thực chiến đầu tiên vào mùa hè năm ngoái, ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Xem clip Inokhodets/Orion-E diệt mục tiêu của Trung đoàn Azov (Azov Regiment)-Ukraine ở thành phố Mariupol, tháng 3/2022:

Xem clip Inokhodets/Orion-E diệt mục tiêu của Trung đoàn Azov (Azov Regiment)-Ukraine ở thành phố Mariupol, tháng 3/2022

Inokhodets bất ngờ im lặng trên chiến trường Ukraine

Inokhodets là máy bay không người lái đa chức năng. Nó có khả năng chụp ảnh và quay video với độ phân giải cao, hoạt động như một trạm radar bay, thu thập thông tin tình báo vô tuyến và tiến hành tình báo điện tử; đồng thời cũng có khả năng tấn công rất mạnh mẽ với nhiều loại vũ khí khác nhau.

Ngoài các tên lửa chống tăng có điều khiển, máy bay không người lái này có thể được trang bị bom dẫn đường KAB-20, KAB-50, bom lượn UPAB-50, bom rơi tự do FAB-50.

Mặc dù sức phá hủy của các loại bom này kém hơn so với bom hạng nặng FAB-500 hoặc FAB-1000 được thiết kế cho máy bay ném bom, nhưng nhiệm vụ của những chiếc UAV như Orion-E là tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao, chứ không phải hủy diệt toàn bộ khu vực.

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra đến nay, chỉ có một bằng chứng trên trang web của Bộ Quốc phòng Nga về việc sử dụng loại UAV trinh sát-tấn công này trong hoạt động chiến đấu thực tế.

Vào tháng 3 năm ngoái, Quân đội Nga đã công bố video về cuộc tấn công của Inokhodets vào những chiếc xe bọc thép của Trung đoàn dân tộc cực đoan Ukraine mang tên Azov (Azov Regiment), trong trận chiến giành quyền kiểm soát thành phố Mariupol, đông nam tỉnh Donetsk, vùng Donbass.

Còn từ đó đến nay, những “diễn viên chính” của Nga trong cuộc xung đột với Ukraine chỉ là những chiếc UAV chiến thuật cảm tử hay đạn bay lảng vảng như: Lancet, Geran, Orlan…

Vậy tại sao loại máy bay không người lái đa năng đầy hiệu quả này lại im tiếng trong cuộc xung đột với Ukraine? Vì Nga ưu tiên sử dụng các UAV chiến thuật cỡ nhỏ trên chiến trường hay Inokhodets không đạt được hiệu quả cần thiết nên không được sử dụng, hoặc Orion-E còn khiếm khuyết nên đang phải “vá lỗi”?

Tất cả những điều này đều không phải. Giới chuyên gia quân sự Nga mới đây đã hé lộ nguyên nhân khiến Inokhodets không được nhắc tới, trong khi nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng trên chiến trường.

Nguyên nhân chính là do Quân đội Nga đã sử dụng nó với vai trò đặc biệt khác thường để đem lại hiệu quả tối đa trên chiến trường, thậm chí có thể coi nó là kẻ khiến lực lượng pháo binh Ukraine, kể cả các hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao tối tân M142 HIMARS của Mỹ phải “tắt điện”.

Vai trò mới của Orion-E trong tác chiến phản pháo

Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, hỏa lực pháo binh đóng một vai trò rất quan trọng, thậm chí có thể coi là yếu tố quyết định để giành chiến thắng ở trên bộ. Do đó, phạm vi tấn công, khả năng tấn công chính xác của các loại pháo và khả năng phản pháo được cả Moscow lẫn Kiev đặc biệt quan tâm.

Mỹ và NATO đã cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine rất nhiều tổ hợp pháo binh khác nhau, đặc biệt là Pháo phản lực Cơ động cao HIMARS. Chính tổ hợp pháo M142 Mỹ với tầm bắn xa và độ chính xác cao, khả năng cơ động tốt đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho Quân đội Nga ở tiền tuyến và cả phía sau các vùng Nga đang kiểm soát.

Do đó, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Quân đội Nga sau gần một năm tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là ngăn chặn các đòn tấn công của HIMARS, sau đó là tiêu diệt các hệ thống pháo cơ động cao mà Mỹ cung cấp cho Quân đội Ukraine.

Đối với lực lượng pháo binh Nga, các khẩu đội pháo tự hành 152mm Giatsint chịu trách nhiệm tác chiến phản pháo. Chỉ thị mục tiêu được chỉ dẫn từ lực lượng trinh sát mặt đất, radar phản pháo, UAV trinh sát quân sự và thậm chí là cả các loại Flycam (Flying Camera) hay quadcopter thương mại.

Chỉ huy của một trong những sư đoàn pháo binh thuộc Quân đoàn 1 Nga giải thích rằng, pháo tự hành Giatsint có tầm bắn tới 30km, có thể bắn đạn Krasnopol dẫn đường bằng laser. Nếu có máy bay không người lái thì những chiếc UAV này sẽ chỉ thị mục tiêu để Giatsint diệt mục tiêu địch.

Tuy nhiên, những chiếc UAV chiến thuật như Orlan có phạm vi hoạt động không xa, khả năng theo dõi mục tiêu di động kém chỉ có thể giúp lực lượng phản pháo của Nga tiêu diệt pháo mặt đất triển khai cố định hoặc có khả năng cơ động thấp, nhưng không thể phá hủy các hệ thống pháo phản lực cơ động cao như HIMARS.

Việc sử dụng UAV Inokhodets làm phương tiện chính trong hoạt động giám sát và chỉ thị mục tiêu từ xa đã khiến các hệ thống MLRS cơ động cao của Ukraine bị Nga bắt chết, giúp hiệu suất phản pháo của Nga tăng lên đáng kể. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các hệ thống HIMARS của Ukraine bị tiêu diệt gần hết trong nửa năm qua.

Vị chỉ huy sư đoàn pháo binh Nga tuyên bố rằng, nếu cứ 50 km tiền tuyến có sự hiện diện của một chiếc UAV Orion-E thì Quân đội Nga có thể “quên” lực lượng pháo binh Ukraine. Và trong thời gian tới, ở khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt chắc chắn sắp xuất hiện thêm nhiều chiếc Inokhodets nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.