Theo bài viết trên trang Defense Express của Ukraine, trong bối cảnh các lực lượng Vũ trang Ukraine đang gia tăng các cuộc tập kích vào hậu phương của Nga khi Moscow đang mở rộng một tuyến đường tiếp tế hậu cần vòng qua bán đảo Crimea, bỏ qua cầu Chonhar, đã được sử dụng từ tháng 11/2022.
Điều đó cho thấy chiến dịch phá hủy tuyến đường hậu cần của Nga tại các vùng lãnh thổ đang kiểm soát của Ukraine sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn.
Cuộc tấn công bằng tên lửa diễn ra ngày 22/6/2023 vào các cây cầu ở vùng Chonhar ở bán đảo Crimea, có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch Ukraine chống lại tuyến hậu cần của Nga trên dải đất cổ chai nối Bán đảo Crimea với đất liền ở vùng Kherson.
Ngay cả việc vô hiệu hóa tạm thời những cây cầu này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Quân đội Ukraine và cả Quân đội Nga, vì đường cao tốc E105 đến thành phố lớn Melitopol nằm trên những cấu trúc này và Moscow buộc phải tìm kiếm các tuyến đường hậu cần thay thế.
Nga mở đường vòng tránh Crimea
Về mặt lý thuyết, có một đường vòng qua eo đất Perekop nhưng con đường đó quá nhỏ nên hạn chế về lưu lượng giao thông.
Tuy nhiên, Nga cũng có một tuyến đường dự phòng khác chạy từ Crimea đến thành phố Melitopol có khoảng cách ngắn hơn và đã được sử dụng ít nhất là từ tháng 11 năm ngoái.
Vị trí của các điểm huyết mạch vận tải của Nga từ Crimea tới Zaporozhye và Kherson |
Một báo cáo từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Quân đội Ukraine vào đầu tháng 11 năm 2022 đã đề cập rằng, người Nga đã tổ chức một tuyến đường thay thế chạy từ gần eo biển Kerch, qua Mũi đất Arabat (Arabat Spit) đến thành phố Henichesk và chạy vào đường cao tốc E105 về thành phố Melitopol.
Tuyến đường này tốt ở chỗ nó cho phép rút ngắn khoảng 120 km (75 dặm) so với đường chạy vào trong bán đảo Crimea, nhưng nó có một điểm yếu là mặt đường nhựa chỉ được trải trên một đoạn đường nhỏ, khoảng 30 km giữa Henichesk và Strilkove, đoạn còn lại 85 km là đường đá nên di chuyển không thuận lợi.
Ngoài ra, mũi đất Arabat Spit dài hơn 110km nhưng có độ rộng-hẹp không đồng nhất, chiều ngang chỗ rộng nhất là 8000m, chỗ hẹp nhất chỉ có 200m, với địa hình phức tạp. Những chướng ngại vật này đặt ra giới hạn nghiêm ngặt về chủng loại và số lượng phương tiện có thể đi qua cùng một lúc.
Mặc dù ngay sau đó, Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine (National Resistance Center of Ukraine) đã cảnh báo rằng, Quân đội Nga có kế hoạch mở rộng con đường trên “Mũi đất Arabat” để tăng năng lực vận tải và đã chỉ định một cơ quan giám sát thực thi việc mở rộng bề ngang và nâng cấp mặt đường.
Mũi đất Arabat có chiều dài 112km, bề ngang chỗ hẹp nhất chỉ có 200m |
Vấn đề quan trọng khác là vào thập niên 50 của thế kỷ trước, có một tuyến đường sắt đã được mở chạy ngang qua mũi đất, được sử dụng phục vụ ngành khai thác muối. Nga có thể sử dụng ý tưởng này để tạo ra tuyến đường sắt mới để tăng công suất và rút ngắn thời gian vận chuyển.
Vận chuyển bằng phà tới cảng Henichesk
Một biện pháp tiềm năng khác mà Nga có thể áp dụng là ở những khu vực cầu dễ bị đánh phá hư hỏng có thể thiết lập các bến phà để vận chuyển hàng hóa quân sự theo đường sông tới cảng Henichesk.
Tuy nhiên, lựa chọn này có vẻ rất khó xảy ra vì vận chuyển bằng phà rất mất thời gian và không thuận tiện cho công tác bốc xếp từ phương tiện mặt đất xuống phà và từ phà lên phương tiện mặt đất khác.
Ngoài ra, mặc dù cơ sở hạ tầng của cảng Henichesk vẫn còn tồn tại nhưng thiếu chăm sóc, tu bổ, đồng thời công tác duy trì độ sâu cần thiết ở vùng biển gần đó đã bị lơ là trong nhiều thập kỷ qua khiến bến cảng không nhận được tàu hàng hải cỡ lớn mà chỉ có thuyền đánh cá nhỏ.
Cảng biển Henichesk vào đầu năm 2022, trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine |
Mặc dù khó nhưng cũng không thể loại trừ khả năng Nga sẽ thiết lập các chuyến phà tiếp tế. Tuy nhiên, điều đó sẽ chỉ xảy ra trong tương lai, bởi Nga sẽ cần tu bổ lại các công trình bến bãi, nạo vét luồng lạch, đảm bảo đủ độ sâu cần thiết cho tàu thuyền vận tải vào cảng.
Những động thái gần đây của Nga cho thấy, có một kịch bản là Moscow sẽ cố gắng mở thêm nhiều tuyến đường tiếp tế hậu cần mới, phân tán các luồng hàng quân sự của mình sau cuộc tấn công vào cầu Chonhar, đảm bảo công tác tiếp tế hậu cần cho lực lượng Nga ở Zaporozhye và Kherson luôn thông suốt, không bị gián đoạn.
Theo các chuyên gia, điều này có nghĩa là việc tìm kiếm và cắt đứt các tuyến đường tiếp tế quan trọng của Nga sẽ khó khăn hơn đối với các lực lượng Ukraine và nó sẽ đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, công sức và các phương tiện trinh sát tầm xa.
Hơn nữa, Kiev cũng cần được cung cấp thêm nhiều vũ khí tầm xa, có độ chính xác cao hơn để có đủ năng lực tấn công các điểm tập kết hậu cần, trước khi hàng hóa bị phân tán trên các tuyến đường.