Cần nghiêm túc trong công tác tập huấn tiêm chủng |
(GD&TĐ) - Để đưa vắc xin Quinvaxem quay trở lại Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng như hạn chế tai biến, từ tháng 8/2013, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương kiểm tra cơ sở vật chất, rà soát đội ngũ và tiến hành tập huấn lại cho cán bộ y tế có chứng chỉ trên 3 năm.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Hà Nội vẫn loay hoay giữa việc tiêm hay không tiêm bởi Bộ Y tế yêu cầu hết tháng 11 phải hoàn thành việc tiêm vắc xin này cho trẻ nhưng nếu tiến hành tiêm thì lại vi phạm quy định của Bộ Y tế bởi phần lớn chứng chỉ tập huấn của nhân viên tham gia tiêm chủng đều hết hạn từ lâu.
Dân hoang mang
Vắc xin Quinvaxem được các địa phương tổ chức tiêm trở lại từ tháng 10. Tại Hà Nội, đầu tháng 11, các quận, huyện đồng loạt tiêm chủng vắc xin trên và phấn đấu hoàn thành việc tiêm trong tháng 11. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây người dân ở một số phường đưa con đi tiêm chủng nhưng phải quay về bởi không có người tiêm.
Chị H.T.L (Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) đưa con nhỏ 11 tháng tuổi đi tiêm nhưng bị “đuổi về” vì các nhân viên y tế ở đây đều không đáp ứng được quy định mới của Bộ Y tế về quy trình tiêm chủng an toàn. Chị Đ.L.A (Khương Trung, Thanh Xuân) cũng gặp phải tình huống tương tự khi đưa cháu bé 2 tháng tuổi đi tiêm nhắc lại viêm gan B.
“Cháu được tiêm mũi 1 ở bệnh viện, bác sĩ dặn đến tháng tiếp theo tiêm mũi thứ 2 nhưng ra trạm y tế phường thì không được tiêm nên gia đình lo lắng không biết có ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của cháu không”, chị L.A chia sẻ.
Qua tìm hiểu được biết, tháng 8/2013, Bộ Y tế có quy định 3029 yêu cầu các địa phương rà soát lại cơ sở vật chất, tập huấn công tác tiêm chủng an toàn cho nhân viên y tế và cách bảo quản vắc xin.
Theo quy định trên, những nhân viên y tế có chứng chỉ tập huấn nhưng quá 3 năm trở lên đều không được tham gia tiêm chủng. Như vậy, so với yêu cầu trên, chỉ số ít trong 5.000 nhân viên y tế tham gia tiêm chủng của Hà Nội đáp ứng được yêu cầu.
Trẻ không được tiêm chủng: Ai chịu trách nhiệm?
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thực hiện tập huấn cho nhân viên y tế trong 2 tháng 8 - 9 để tháng 10 đưa việc tiêm vắc xin Quinvaxem trở lại và phải hoàn thành tiêm chủng vắc xin trên trong tháng 11. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao Sở Y tế không đốc thúc các phòng Y tế quận huyện, TT Y tế dự phòng tổ chức tập huấn cho nhân viên.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội, buổi tập huấn đó chỉ diễn ra có… 1 ngày, nhưng từ tháng 9 đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội mới chỉ mở được 1 buổi. Nguyên nhân do TT Y tế dự phòng Hà Nội đang chờ các địa phương gửi danh sách cán bộ y tế cần tập huấn cấp lại giấy chứng nhận an toàn tiêm chủng... để dự trù kinh phí để tổ chức.
Chỉ còn hơn tuần nữa phải hoàn thành tiêm chủng vắc xin Quivaxem nhưng ngành Y tế Hà Nội dường như vẫn “án binh bất động” còn người dân thì đứng ngồi không yên bởi tình trạng trên không chỉ xảy ra ở quận Thanh Xuân mà Mê Linh, Chương Mỹ cũng có hàng trăm trẻ đi tiêm chủng phải ra về.
Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển – Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Hà Nội cần tổ chức tập huấn ngay lại cho cán bộ y tế tiêm chủng có giấy chứng nhận an toàn.
Nếu gặp khó khăn chưa đạt đủ điều kiện của một điểm tiêm chủng theo qui định thì Sở Y tế cần báo cáo trực tiếp UBND TP để chỉ đạo và hỗ trợ để giải quyết. “Việc tập huấn là vô cùng quan trọng bởi nó không chỉ giúp giải quyết tình trạng tồn đọng trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem mà còn nhiều vắc xin khác trong chương trình cùng gần đến lịch tiêm”, GS Hiển nhận định.
Thiết nghĩ, việc người dân đưa con đi tiêm vắc xin Quinvaxem trở lại là sự đồng tình, ủng hộ quyết định của Bộ Y tế cho dù số trẻ tai biến sau tiêm liên tục được ghi nhận. Người dân đã vào cuộc, tại sao ngành Y tế Hà Nội lại thờ ơ, lơ là trách nhiệm tập huấn cán bộ tiêm chủng.
Vương Trần