Lò đốt rác hơn 12 tỷ đồng ở Thanh Hóa bỏ hoang vì… điện yếu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Được đầu tư hơn 12 tỷ đồng, thế nhưng trong suốt 3 năm qua, công trình xử lý rác thải xã Xuân Bình (Thanh Hóa) chỉ xử lý được 2 xe rác rồi bỏ hoang.

Công trình xử lý rác thải được đặt tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, Thanh Hóa.
Công trình xử lý rác thải được đặt tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, Thanh Hóa.

Công trình hiện đại, đốt rác bằng… xăng

Công trình chôn lấp rác thải tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân được khởi công xây dựng vào tháng 5/2018 và đến tháng 4/2019 hoàn thành. Sau khi hoàn thành, UBND huyện Như Xuân đã bàn giao lại cho UBND xã Xuân Bình quản lý. Thế nhưng, đã hơn 3 năm trôi qua, công trình này chỉ xử lý được 2 xe rác.

Ghi nhận thực tế cho thấy, các hạng mục của lò đốt rác có trị giá hơn 12 tỷ đồng nhưng sơ sài, hư hỏng và xuống cấp rất nhanh. Do hơn 3 năm không sử dụng, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa định kỳ nên lò đốt rác đã bị hoen gỉ, dây cáp néo ống khói bị đứt, cột ống khói bị đổ gãy.

Bốn khu nhà gồm phòng bảo vệ, nhà quản lý, nhà vệ sinh và nhà vận hành lò đốt bỏ hoang, hư hỏng, dột nát. Ổ điện nhiều chỗ bị vỡ, dễ xảy ra tình trạng rò rỉ điện. Trong khuôn viên của lò đốt rác, rác thải được tập kết ngổn ngang do thu gom từ trước nhưng chưa được xử lý.

“Sau khi bàn giao công trình, các đoàn của huyện cũng đã về thử nghiệm lò đốt rác, nhưng lò không thể chạy được vì dòng điện lưới 1 pha được đấu nối từ bên ngoài vào quá yếu. Lò chỉ đốt được vài xe rác rồi để không cho tới giờ. Hiện nay, thi thoảng họ đưa rác về đây và xử lý bằng cách đổ xăng đốt lộ thiên, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường”, người bảo vệ ở đây cho biết.

Được biết, ngày 30/10/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 4447 phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư (BCKT-KTĐT) công trình Bãi chôn lấp rác thải tại huyện Như Xuân với tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường. Hai hạng mục chính của công trình được phê duyệt khi đó là đường vào bãi rác và bãi chôn lấp rác.

Đến ngày 21/6/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 2130 điều chỉnh BCKT-KTĐT công trình trên. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa xác định đây là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III, gồm các hạng mục: Đường vào bãi rác, khu vực xử lý rác (gồm nhà quản lý, nhà đặt lò đốt rác, nhà bảo vệ, nhà để xe, nhà vệ sinh, bể xử lý rác thải, bể nước, hố chôn lấp rác thải tạm thời, san nền, cổng tường rào, sân bê tông, rãnh thoát nước, bồn hoa). Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh tăng lên hơn 12 tỷ đồng.

Dự án do UBND huyện Như Xuân làm chủ đầu tư với công suất xử lý theo thiết kế đạt 7 - 9 tấn rác/ngày, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt cho người dân xã Xuân Bình, Bãi Trành và các vùng phụ cận của huyện Như Xuân.

Sau hơn 3 năm không vận hành, nhiều thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng.

Sau hơn 3 năm không vận hành, nhiều thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng.

Tốn công bảo vệ

Huyện Như Xuân là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, việc chi thường xuyên vẫn đang phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước.

Một nghịch lý đáng buồn là công trình hơn 12 tỷ đồng trong khi không phát huy tác dụng thì tình trạng ô nhiễm môi trường do xử lý thủ công bằng hình thức chôn lấp và đốt đang có nguy cơ ảnh hưởng tới đời sống của người dân ở hai xã Bãi Trành và Xuân Bình.

Một người dân ở xã Xuân Bình cho biết, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã đào hố trong vườn để chôn lấp rác sinh hoạt. Với những loại rác khó phân hủy như túi nilon, chai nhựa thì cứ khoảng nửa tháng lại tập trung đốt một lần. Vì vậy, việc bỏ ra một khoản tiền để thu gom rác đối với người dân nơi đây là chưa thực sự cần thiết.

Ông Trịnh Xuân Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, thừa nhận công trình xử lý rác thải trên địa bàn không hiệu quả và hiện nhiều hạng mục của công trình đã xuống cấp, hư hỏng do không thường xuyên được bảo dưỡng.

Cũng theo ông Sơn, xã đã có văn bản báo cáo huyện và đề nghị huyện bố trí vốn để khắc phục, sửa chữa những hạng mục hư hỏng, sớm đưa lò đốt rác vào vận hành trở lại, chứ càng để lâu công trình sẽ càng xuống cấp.

Báo cáo của UBND huyện Như Xuân cho biết, công trình từ khi được bàn giao cho đến tháng 10/2021, do không có đơn vị nhà thầu nhận thu gom, vận hành nên UBND xã Xuân Bình phải thuê người trông coi, bảo vệ.

Đến tháng 11/2021, Công ty TNHH Thành Đạt mới hợp đồng nhận thu gom và vận hành, tuy nhiên số lượng hộ dân tham gia đóng góp và thu gom rác quá ít, không đủ để doanh nghiệp vận hành và tiến hành thu gom rác.

Đến tháng 7/2022, các phòng ban liên quan của huyện cũng đã họp với UBND xã Xuân Bình và Bãi Trành phối hợp với doanh nghiệp tổ chức họp dân, thống nhất đưa ra phương án thu gom và xử lý rác trên địa bàn cả hai xã.

Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp hạch toán, do số hộ dân trên địa bàn ít, địa bàn lại rộng, việc thu gom gặp nhiều khó khăn, chi phí lớn, thu không đảm bảo bù chi, nên doanh nghiệp đã xin chấm dứt hợp đồng.

Báo cáo cũng thừa nhận, do không được vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ nên thiết bị, linh kiện ngoài trời đã bị hoen gỉ phần nào, dây cáp néo ống khói bị đứt nên cột ống khói bị đổ gãy do gió, giông lốc. Điện cung cấp cho khu lò đốt yếu, các thiết bị vận hành đốt không còn hoạt động. Đường vào do rải đá dăm nên đã bị mưa, lũ xói mòn nhiều đoạn…

UBND huyện Như Xuân cũng đưa ra phương án sẽ sửa chữa hư hỏng, bảo dưỡng, khắc phục lại máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, cho tổ chức công khai việc lựa chọn đơn vị đấu thầu thu gom, vận hành khu vực xử lý rác theo quy định, đồng thời chỉ đạo UBND xã Xuân Bình, Bãi Trành hỗ trợ đơn vị trúng thầu xây dựng phương án, họp bàn thống nhất với nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp tổ chức thu gom rác đưa về khu xử lý rác thải để xử lý nhằm đảm bảo vệ sinh, môi trường trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ