Quảng Trị: Rác thải "bao vây" lò đốt rác

GD&TĐ - Trong khi lượng rác thải không được xử lý ngày càng gây ô nhiễm trầm trọng, thì công trình lò đốt được đầu tư 7,7 tỷ đồng ở Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) lại bỏ hoang.

Bãi rác khổng lồ chưa được phân loại ngay cạnh lò đốt rác đã ngưng hoạt động.
Bãi rác khổng lồ chưa được phân loại ngay cạnh lò đốt rác đã ngưng hoạt động.

Chạy thử nghiệm 1 tháng rồi “đắp chiếu”

Công trình “Mô hình lò đốt rác cụm xã huyện Cam Lộ” được đầu tư xây dựng vào cuối năm 2019 tại xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ), nhằm mục tiêu giải quyết lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Cam Lộ, cũng như cải tạo môi trường sinh thái khu vực dự án xung quanh, góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Công trình gồm các hạng mục: Khu lò đốt rác, sân phơi, hạ tầng kĩ thuật điện, đường giao thông, bể thu gom xử lý nước thải, một thiết bị lò đốt rác thải sinh hoạt công suất 1 tấn rác/giờ, đạt Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

Lò đốt rác sinh hoạt này có tổng kinh phí đầu tư xây dựng 7,7 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn thực hiện từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 7 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện, các nguồn vốn hợp pháp khác và nhân dân đóng góp 700 triệu đồng. Công trình do Ban Quản lý Dự án Đầu tư - Xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Cam Lộ làm chủ đầu tư.

Theo đơn vị chủ đầu tư, vào giữa năm 2021, sau khi hoàn thành công trình, đơn vị đã tổ chức vận hành chạy thử để nghiệm thu kĩ thuật. Đồng thời đánh giá chất lượng công trình, thiết bị và hiệu chuẩn, khắc phục các sai sót.

Quá trình đưa vào vận hành thử thì cho kết quả đúng theo công suất thiết kế. Vì vậy, chủ đầu tư đã bàn giao công trình cho Hợp tác xã Dịch vụ môi trường và công trình đô thị huyện Cam Lộ quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản vận hành, khai thác thử nghiệm được 1 tháng thì lò đốt rác này đã phải ngưng hoạt động từ đó đến nay.

Lý giải nguyên nhân lò đốt rác ngưng hoạt động, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ môi trường và công trình đô thị huyện Cam Lộ - bà Phạm Thị Luân - cho hay, trung bình mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận khoảng 30 tấn rác từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Vào giữa năm 2021, sau khi được bàn giao công trình này, đơn vị đã đưa vào vận hành thử nghiệm.

“Qua 1 tháng chạy thử, hệ thống lò đốt rác đáp ứng công suất 1 tấn rác/giờ (đúng theo công suất thiết kế) lượng khí thải ra qua ghi nhận rất ít. Tuy nhiên, sau đó, phần vì máy móc bị hư hỏng, phần vì thiếu kinh phí duy trì nên hệ thống này phải ngưng hoạt động. Số rác tiếp nhận mỗi ngày vì thế cứ tồn đọng, chưa được xử lý kịp thời”, bà Luân thông tin.

Còn theo lãnh đạo huyện Cam Lộ, vì công trình xây dựng dùng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách, trong khi huyện còn khó khăn nên chưa bố trí được kinh phí để vận hành.

Ghi nhận tại hiện trường, hiện con đường đất dẫn vào lò đốt rác cũng đã phủ đầy rác. Càng vào gần bên trong công trình, thì lượng rác thải càng được chất thành đống cao, đủ các thể loại. Từ bao bì nilon, thức ăn thừa, áo quần cũ, mảnh chai lọ thủy tinh, gạch đá vỡ, đến cả lá cây... bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Phần lớn, rác sinh hoạt của các gia đình thải ra tại địa bàn thu gom đều không được phân loại, mà cho tất cả vào một bao hoặc thùng. Cứ thế, theo thời gian, khối lượng rác tồn đọng ngày một nhiều thêm. Nằm lọt thỏm giữa núi rác là khu nhà điều hành luôn trong trạng thái cửa đóng then cài suốt thời gian qua.

Hiện trạng này đã khiến bà con ở trên địa bàn bức xúc. Ai cũng mong mỏi lò đốt rác sớm đi vào vận hành để rác thải không còn ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường.

Cổng dẫn vào công trình lò đốt rác sinh hoạt ở huyện Cam Lộ.
Cổng dẫn vào công trình lò đốt rác sinh hoạt ở huyện Cam Lộ.

Cần đầu tư thêm hạng mục thiết yếu để vận hành

Trước sự bất bình của dư luận địa phương, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Cam Lộ kiểm tra, xác định nguyên nhân và có phương hướng xử lý.

Vào cuối tháng 2 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị cùng UBND huyện Cam Lộ kiểm tra thực tế và xác định nguyên nhân lò đốt rác không hoạt động kể từ thời điểm chạy thử vận hành đến nay là do ngân sách của huyện hạn hẹp, chưa có nguồn kinh phí để bố trí cho công tác vận hành lò đốt rác (khoảng 1,4 tỷ đồng/năm).

Quá trình vận hành thử còn gặp một số khó khăn như rác chưa được phân loại, nhiều loại rác lẫn lộn không đốt được, chưa có mái che khu phơi rác và khu chứa củi nên rác ướt, rất khó đốt. Một số hạng mục dự kiến đầu tư nhưng thiếu kinh phí như nhà mái che phơi rác, đầu tư ô chôn lấp mới để giảm tải cho ô chôn lấp cũ.

Để sớm đưa công trình vào sử dụng, giảm tải tình trạng dồn ứ rác tại bãi rác của huyện Cam Lộ, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Cam Lộ bố trí nguồn kinh phí đầu tư thêm một số hạng mục thiết yếu khác, như nhà chứa rác có mái che, mái hiên hai bên khu nhà đặt lò.

Bên cạnh đó, cũng chỉ đạo nhà thầu hiệu chỉnh, bổ sung một số chi tiết của công trình, thiết bị chưa đảm bảo trong khi chạy thử, hạ thấp sàn thao tác quan trắc mẫu khí thải xuống khoảng 1m so với cao độ hiện tại.

Đồng thời, huy động kinh phí đầu tư thêm ô chôn lấp giai đoạn 2, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các giải pháp phân loại rác tại nguồn để thuận lợi hơn trong xử lý, sớm đưa hệ thống xử lý rác thải trên đi vào hoạt động ổn định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.