Lo đấu thầu vàng tiếp tục "ế", chuyên gia đề xuất giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Sáng nay (3/5), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Số lượng vàng đấu thầu lần này bằng với phiên đầu tiên, ngày 23/4.

Lo đấu thầu vàng tiếp tục "ế", chuyên gia đề xuất giải pháp căn cơ

Phiên đấu thầu diễn ra theo hình thức đấu thầu theo giá. Đơn vị tham gia được yêu cầu đặt cọc 10%.

Mức giá tham chiếu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 82,9 triệu đồng/lượng - bằng mức giá chiều mua vào hiện tại của các doanh nghiệp.

Khối lượng đấu thầu tối thiểu mỗi thành viên được phép mua là 14 lô (tương đương 1.400 lượng), khối lượng đặt thầu tối đa là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).

Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).

Người dân mua vàng tại PNJ. Ảnh: Quốc Hải

Người dân mua vàng tại PNJ. Ảnh: Quốc Hải

Trước đó, trong phiên đấu thầu đầu tiên ngày 23/4, 11 doanh nghiệp tham gia dự thầu gồm 7 ngân hàng là: VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank, MSB, ACB, Sacombank và 4 doanh nghiệp gồm: SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý.

Tuy nhiên, kết quả chỉ có 2 đơn vị trả giá với khối lượng trúng 3.400 lượng vàng (khối lượng 34 lô) là SJC và ACB, tương ứng 20% quy mô chào thầu. Giá trúng thầu cao nhất 82,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng. Phiên thầu đầu tiên bị "ế" tới 13.400 lượng vàng.

Đến ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước cũng dự định tổ chức một phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, song phiên này đã bị hủy do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Liên quan đến khả năng phiên đấu thầu vàng có thể sẽ tiếp tục "ế", chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đấu thầu vàng miếng là để tăng cung cho thị trường, giúp kéo chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới xuống thấp hơn.

Tuy nhiên, qua các đợt đấu thầu vừa qua, các doanh nghiệp lại thờ ơ, không quan tâm vì giá cọc còn cao.

"Các đơn vị tham gia đấu thầu sẽ tính toán mua vào một khối lượng vàng với giá cụ thể thì mục tiêu của họ phải bán ra có lời. Nếu khối lượng quá nhiều, thời gian bán ra càng dài sẽ có nhiều rủi ro khi giá vàng thế giới đang biến động khó lường. Hơn nữa, giá đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước công bố cũng không thấp hơn giá giao dịch trên thị trường. Chính vì vậy, động lực để các công ty kinh doanh mua vào và bán ra kiếm lợi nhuận là không có, nên các DN sẽ vẫn chờ đợi và không xuống tiền mua", ông Hiếu nhận định.

Để tránh tình trạng "ế" có thể xảy ra, ông Hiếu đề xuất phải đưa ra giá khởi điểm đấu thầu thấp hơn nữa và khối lượng đấu thầu tối thiểu cũng giảm hơn nữa vì hiện nay khối lượng quy định này cũng còn lớn.

Ông Hiếu cho hay, trong khi SJC đang mua vào 82 triệu đồng/lượng và bán ra xoay quanh 84-85 triệu đồng/lượng thì giá đấu thầu khởi điểm của Ngân hàng Nhà nước có thể ở mức khoảng 80 triệu đồng/lượng. Khi đó mới có thể thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp.

"Với mức giá 80 triệu đồng/lượng, vàng miếng trong nước vẫn đang cao hơn thế giới rất nhiều nên không thể nói rằng Ngân hàng Nhà nước chịu lỗ", ông Hiếu nói.

Thêm vào đó, khối lượng đấu thầu tối thiểu theo quy định hiện nay còn lớn nên trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động nhanh chóng như hiện nay, nếu DN "ôm" vào lượng lớn vàng miếng thì nguy cơ rủi ro khá cao khi không kịp bán ra.

"Tuy nhiên, điều quan trọng về lâu dài thì Nhà nước phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Trong đó, 2 điểm quan trọng là bỏ thương hiệu độc quyền với vàng SJC và cho phép các DN được nhập khẩu vàng phục vụ nhu cầu trong nước", ông Hiếu nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.