Lo cho “sức khỏe” doanh nghiệp Việt

GD&TĐ - Theo số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa công bố, 3 tháng đầu năm 2016, cả nước có trên 20.000 doanh nghiệp (DN) phải tạm ngừng hoạt động, hoặc giải thể. 

Lo cho “sức khỏe” doanh nghiệp Việt

Đây là một con số đáng lo ngại cần các nhà quản lý giải quyết nhằm nâng cấp tổng thể “sức khỏe” của nền kinh tế cũng như môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo sự công bằng về cơ hội tham gia thị trường.

DN gặp nhiều khó khăn

Trước đây, khi nền kinh tế gặp khó khăn, tỷ lệ DN phá sản, ngừng hoạt động vào khoảng 20% so với tổng số DN thành lập mới và đã đặt ra không ít vấn đề. Thế nhưng, trong quý I/2016, đã có hơn 20.000 DN phải tạm ngừng hoạt động, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái và khoảng 80% so với tổng số DN mới thành lập. Hiểu ở một khía cạnh nào đó thì hiện khả năng tồn tại của DN Việt đang rất bất ổn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, DN đang phải đối mặt với không ít khó khăn như việc gia tăng chi phí đầu vào... tiền thuê đất, sử dụng đất và sắp tới có thể là việc tăng thuế môi trường và thuế môn bài. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn chưa được cải thiện nhiều. Thực trạng trên khiến nhiều DN rơi vào tình trạng phải loay hoay tìm cách trụ lại trước những cơn sóng gió.

Theo TS Doanh, để “sức khỏe” của các DN Việt được khỏe mạnh trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng như hiện nay, DN Việt phải chú trọng tới khâu sử dụng người tài, phát triển công nghệ tốt nhất. Tiếp đó, phải quan tâm tới tài chính, tiền và quản trị rủi ro cũng như hiểu biết về pháp luật để bảo vệ chính mình. Ông cũng lưu ý tới việc phát triển thị trường ngách khi Việt Nam mở cửa cho các DN nước ngoài vào đầu tư trong nước mạnh mẽ như hiện nay.

Nói về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng, DN dân doanh quy mô nhỏ, hạn chế về công nghệ nên sức cạnh tranh thấp, do vậy khó trụ vững khi đối diện nhiều bất lợi. Chưa kể không ít DN chân chính đang điêu đứng với nạn hàng giả, hàng nhái và buôn lậu, thậm chí có khi chịu hậu quả nghiêm trọng và không thể gượng dậy...

Theo Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - Vũ Vinh Phú, các DN trong nước và hộ kinh doanh đang chịu sự cạnh tranh dữ dội từ DN có vốn nước ngoài. Việc mở cửa thị trường diễn ra quá nhanh, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn đã làm bộc lộ hàng loạt yếu kém của DN nội như thiếu vốn, thiếu chiến lược phát triển hợp lý, liên kết theo chuỗi, hạn chế về năng lực quản trị…

Cần một cơ chế bình đẳng

Cũng theo ông Lê Đăng Doanh, hiện tại DN Nhà nước vẫn được hưởng nhiều ưu đãi, nhất là về nguồn lực và cơ hội tham gia thị trường. Đã đến lúc cần có quan điểm công bằng với DN tư nhân.

Ông Doanh cho rằng, Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, y tế và hạ tầng tối quan trọng; còn lại cần mạnh dạn chuyển cho khu vực tư nhân; khuyến khích DN tư nhân tham gia đầu tư vốn, công nghệ vào lĩnh vực hạ tầng, cấp nước, năng lượng, dịch vụ xã hội, vận tải… Đồng thời, đây cũng là cách để huy động và sử dụng tối đa nguồn lực xã hội, kiến tạo cơ chế bình đẳng, bồi đắp lòng tin để thúc đẩy DN tư nhân phát triển.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - Vũ Vinh Phú - đề nghị: Cơ quan quản lý cần nhanh chóng xóa bỏ tình trạng giấy phép con, có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, DN cần được đối thoại với cơ quan quản lý để tìm kiếm điều kiện thuận lợi gia nhập thị trường. Có thể tạo ra cơ chế DN “chấm điểm” cơ quan quản lý, nhằm chỉ ra tồn tại cũng như kịp thời ghi nhận những chuyển biến hiệu quả. Bởi hiện tại nhiều DN đang mong muốn được minh bạch hóa các công đoạn, từ quy hoạch, kế hoạch phát triển đến danh mục dự án thu hút đầu tư... và lấy đó làm thước đo, xếp hạng năng lực cạnh tranh của từng địa phương...

Trên thực tế, thời gian qua, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khu vực DN trong vấn đề tiếp cận các nguồn lực ưu đãi từ vốn, đất đai tới công nghệ... đã được đưa ra, song khu vực DN vẫn khó khăn trong tiếp cận những ưu đãi này.

Bởi vậy các chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét cụ thể những khó khăn mà DN đang phải đối mặt, từ đó, có những chính sách hỗ trợ DN thiết thực hơn để thúc đẩy các DN vượt qua khó khăn và ổn định phát triển.

Việc số lượng DN ngừng hoạt động tăng mạnh như hiện nay cho thấy “sức khỏe” của cộng đồng DN Việt chưa được cải thiện, đa số các DN vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi tất cả các ngành đều có số lượng DN ngừng hoạt động tăng nhanh. Trước tình hình cấp bách trên, ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngay trong tháng 4 này, Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN phát triển, khôi phục niềm tin của DN và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ