Lo cho bữa ăn vừa ngon vừa sạch ở trường nội trú

GD&TĐ - Các trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, bán trú luôn có số lượng lớn học sinh ăn uống, sinh hoạt tại trường. 

Học sinh Trường PTDTNT THCS Bố Trạch (Quảng Bình) trong giờ ăn. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường PTDTNT THCS Bố Trạch (Quảng Bình) trong giờ ăn. Ảnh: NTCC

Do đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng bếp ăn học đường là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sức khỏe học trò, nâng cao chất lượng giáo dục.

Bảo đảm quy trình

Trường PTDTBT THCS Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn) mỗi ngày cung cấp hơn 240 suất ăn/3 bữa cho 81 học sinh bán trú. Do đó, việc bảo đảm an toàn vệ sinh được thực hiện nghiêm ngặt từ khâu đặt thực phẩm tới quy trình chế biến.

Cô Hiệu trưởng Mã Thị Chuyền cho biết, nguồn thực phẩm được trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp có đầy đủ giấy chứng nhận an toàn, giấy phép kinh doanh. Đặc biệt, trường lựa chọn đơn vị cung ứng trực tiếp không qua trung gian để bảo đảm tươi ngon, không để qua ngày. Khâu tiếp nhận thực phẩm hàng ngày có đủ thành phần ban giám hiệu, thanh tra nhân dân, y tế trường để kiểm tra và bàn giao. Trường thực hiện bếp ăn 1 chiều, lưu mẫu trước và sau bữa ăn 24 giờ…

Tại Trường PTDTBT THCS Lâm Ca, các bữa ăn bán trú đều bảo đảm 2 món chính và 1 món rau xanh. 2 tuần mới lặp lại thực đơn 1 lần. Mặt khác, với đặc tính của học sinh dân tộc không ăn rau luộc, không ăn rau cải cúc, xà lách, không ăn món lạ… nên hầu hết món chính chế biến bằng thực phẩm truyền thống (thịt gà, lợn, trứng, đậu phụ, rau) để bảo đảm học sinh ăn hết suất, đủ dinh dưỡng, đề phòng ngộ độc, tiêu chảy...

Để bữa ăn học đường phong phú, nhà trường cải thiện theo hình thức ăn buffet. Vẫn là thực phẩm truyền thống nhưng được chế biến theo nhiều cách… tránh cảm giác nhàm chán, giúp trò cảm nhận món ăn theo các cách chế biến khác nhau.

Trường Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang) với 242/579 học sinh thực hiện bán trú. Như vậy, mỗi ngày trường cung cấp trên 700 suất ăn/3 bữa. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, theo cô Phạm Hạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh chọn kỹ nhà cung ứng thực phẩm (có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…) trường còn yêu cầu ký cam kết về nguồn thực phẩm cung ứng bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu xảy ra sự cố để nâng cao trách nhiệm tối đa nhà cung cấp.

Khi nhận thực phẩm, nhà trường cử nhân viên y tế trường tham gia; Lưu trữ trong tủ cấp đông bảo đảm chất lượng. Việc chế biến qua bếp ăn 1 chiều và nhân viên cấp dưỡng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình... Thời gian lên mâm đến khi học sinh ngồi ăn không quá 30 phút, đậy lồng bàn kín, khi ăn mới mở nắp vung nồi đựng thực phẩm để bảo đảm độ nóng và tránh bụi bẩn…

Mỗi ngày bếp ăn Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) phục vụ 3 bữa, mỗi bữa 130 suất. Thầy Nguyễn Tiến Công, Hiệu trưởng, chia sẻ: Ban giám hiệu đặt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm cao nhất, từ chọn nhà cung cấp (đủ điều kiện pháp lý) và chỉ nhập thực phẩm tươi sống trong ngày không qua đông lạnh. Mặt khác, trong khâu chế biến đòi hỏi hợp khẩu vị học sinh; thực phẩm truyền thống thịt, cá, trứng, đậu. Không sử dụng thực phẩm lạ, hải sản hoặc đồ đóng hộp, để lâu...

Với đặc thù tự trồng và cung cấp đủ rau xanh cho bếp ăn hàng ngày, nên quá trình chăm bón, trường tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu. Với thuốc phòng nấm phải mua đúng nguồn gốc và sử dụng theo hướng dẫn. Sau phun thuốc phòng nấm thường kéo dài thời gian sử dụng (so với hướng dẫn) để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thầy Công cho biết thêm, khi chế biến, trường yêu cầu nhà bếp đảm bảo vệ sinh, rau xanh được khử khuẩn trước khi nấu, cách chế biến hợp khẩu vị học sinh dân tộc; thay đổi món thường xuyên. Đặc biệt, nhà bếp không lên thực đơn với thực phẩm chế biến sẵn, bảo quản lâu, không phù hợp với khẩu vị và truyền thống ẩm thực địa phương. Kể cả bữa sáng cũng là món ăn quen thuộc (cơm với thịt, mì tôm trứng…) để trò chắc dạ, an toàn.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang). Ảnh: NTCC
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang). Ảnh: NTCC

Nâng “chất” từng bữa ăn

Cô Mã Thị Chuyền cho rằng, thực hiện đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn học đường là tất nhiên, song để đáp ứng đúng yêu cầu của học trò thì bộ phận chức năng phải quan sát thường xuyên sau khi học sinh dùng bữa. Mặt khác, tham khảo sở thích, mong muốn chung của học trò… để điều chỉnh thực đơn phù hợp nhất.

Mặt khác, nâng chất bữa ăn học đường đi liền với “siết” chặt các khâu, quy trình liên quan như mua thực phẩm, chế biến sống và chín; lưu mẫu, trang phục bảo hộ của nhân viên nhà bếp…

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai) có gần 300 học sinh bán trú, thầy Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng, trao đổi: Đi liền với kiểm soát chặt khâu nhập thực phẩm, quy trình chế biến, thì việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng chất lượng bữa ăn bán trú cần bắt đầu từ nâng cao nhận thức, hiểu biết cho nhân viên nhà bếp. Do đó, trước khi bước vào năm học, trường cử nhân viên bếp tham gia tập huấn về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nâng cao nhận thức, hiểu biết và khuyến khích từng nhân viên học hỏi trong công việc; phát huy tinh thần trách nhiệm trong từng khâu đoạn, chế biến bữa ăn cho học trò.

Đặc biệt, ban giám hiệu nhà trường thực hiện kiểm tra thường xuyên hiểu biết, trình độ nhân viên bếp ăn thông qua các bài test kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm; cách chế biến thực phẩm thông thường, xử lý các tình huống trong quá trình nấu bếp… Trên cơ sở vững lý thuyết, tăng thực hành sẽ giúp từng nhân viên vững vàng trong công việc.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang), cô Phạm Hạnh lại cho rằng có hợp đồng đầy đủ với đơn vị cung cấp thực phẩm chưa đủ. Bên cạnh đó cần nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ quản lý, giáo viên trực, nhân viên y tế… trong quá trình tiếp nhận thực phẩm. Mặt khác, phát huy tinh thần cùng kiểm tra, giám sát của phụ huynh thông qua việc đưa vào thành phần giám sát thực phẩm, suất ăn hàng ngày từ khâu tiếp nhận, chế biến... Quá trình này nếu nghi ngờ, phát hiện những bất thường về lượng và chất… lập tức báo ban giám hiệu để kiểm tra, có biện pháp xử lý (dừng chế biến hoặc thay thế thực phẩm).

Theo cô Hạnh, trong những năm gần đây bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học được các ban ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Do đó, việc kiểm tra giám sát từ cấp huyện, sở, tỉnh… diễn ra thường xuyên đã góp phần nâng cao ý thức, phát huy trách nhiệm chung vì sức khỏe học trò của từng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bếp khi thực hiện nhiệm vụ.

Trường PTDTNT THCS Bố Trạch (Quảng Bình) ngoài tăng cường kiểm tra giám sát các khâu cung cấp, chế biến thực phẩm, trường còn trang bị các thiết bị tích trữ thực phẩm để bảo đảm chất lượng. Thầy Hiệu trưởng Trần Đình Hòa thông tin: Trường quán triệt nghiêm nhân viên bếp ăn về trang phục trong quá trình lao động (đủ găng tay, tạp dề, mũ…). Bên cạnh kiểm tra thường xuyên còn tăng cường kiểm tra đột xuất để phát hiện, nhắc nhở, xử lý sai phạm. Nhờ đó, nhiều năm qua, trường không để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm. Được phụ huynh tin tưởng, góp phần duy trì ổn định sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ