Vất vả lo bữa ăn an toàn cho học sinh

GD&TĐ - Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong các bếp ăn trường học, nhà trường, ngành GD&ĐT các địa phương đang nỗ lực ngăn chặn nguồn thực phẩm bẩn, tìm kiếm các nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo các khâu chế biến thức ăn đảm bảo chất lượng cho bữa ăn học sinh bán trú. 

Vất vả lo bữa ăn an toàn cho học sinh

Tuy nhiên, trước thực trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm trên thị trường, cùng các hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm còn nhiều vấn đề bất cập… khiến công tác đảm bảo ATVSTP trong trường học gặp nhiều khó khăn.

Nỗ lực tìm nguồn thực phẩm an toà

So với các trường trên địa bàn, Trường TH Lê Văn Tám (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) có số lượng học sinh khá đông với hơn 900 học sinh, trong đó gần 600 học sinh ăn ở bán trú ngay tại trường.

Theo thầy Lê Văn Thâu - Hiệu trưởng, trong thời gian qua, nhà trường luôn xem công tác đảm bảo ATVSTP là một trong những tiêu chí quan trọng để khẳng định uy tín và chất lượng đối với chính quyền, người dân địa phương. Chính vì vậy, mà công tác đảm bảo ATVSTP, phòng chống ngộ độc thức ăn trong nhà trường luôn được đề cao.

Cũng như Trường TH Lê Văn Tám, các trường học có tổ chức bán trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều xem công tác chăm lo sức khỏe, sinh hoạt, ăn uống cho học sinh bán trú trở thành một trong những nội dung hoạt động, nhiệm vụ trong tâm của nhà trường trong những năm học qua.

Theo cô giáo Đỗ Thị Kim Thanh - Hiệu trưởng Trường TH Lương Thế Vinh (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), năm học 2016 - 2017, nhà trường có 748 học sinh, trong đó có 584 học sinh được ăn ở bán trú tại trường.

Tuy nhiên, có thể nói rằng, trong thời gian qua, công tác đảm bảo ATVSTP được nhà trường đặc biệt quan tâm thực hiện. Hằng ngày, quá trình lựa chọn nguồn thực phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng, lưu mẫu thức ăn hằng ngày và lưu sổ ghi chép đầy đủ.

Mặc dù công tác đảm bảo ATVSTP luôn được quan tâm thực hiện nhưng không vì thế mà chủ quan bởi những rủi ro ATVSTP là rất khó tránh và ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Mang tâm trạng lo lắng như nhiều cán bộ quản lý trường khác trên địa bàn, thầy Lê Văn Thâu bày tỏ: Mặc dù các nguồn thực phẩm hiện nay dùng để chế biến bữa ăn cho học sinh được nhà trường hợp đồng qua các công ty, dịch vụ; tuy nhiên nguồn gốc sản xuất, gieo trồng ở đâu? Chất lượng như thế nào? Có hàm lượng hóa chất độc hại hay không?... thì chúng tôi không thể biết được.

“Có thể thấy rằng, vấn đề về nguồn thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất lượng đang không chỉ là vấn đề đáng lo ngại của cộng đồng xã hội, mà còn trở thành nỗi lo thường trực của mỗi gia đình, trường học trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Bởi vậy, làm thế nào để đảm bảo ATVSTP trong trường học là vấn đề chúng tôi hết sức trăn trở, lo lắng” - thầy Thâu nói.

Nỗi lo thực phẩm bẩn xâm nhập vào trường học

Hiện nay, Đà Nẵng là một trong những địa phương có số lượng bếp ăn tập thể lớn nhất cả nước, với khoảng 900 bếp ăn tập thể. Trong đó, số lượng bếp ăn tập thể tại các cơ sở giáo dục, trường học chiếm phần lớn, với khoảng 80 bếp ăn trong trường tiểu học, 170 bếp ăn ở trường mầm non và hơn 500 bếp ăn tập thể tại các nhóm trẻ gia đình.

Nhằm đảm bảo công tác ATVSTP trong trường học, ngành GD&ĐT đã liên tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện đảm bảo ATVSTP tại các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú.

Theo đó, các đoàn kiểm tra liên ngành của các địa phương cũng tăng cường kiểm tra theo hình thức định kỳ và đột xuất công tác thực hiện ATVSTP trong trường học. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ chuyên trách về ATVSTP cho các trường học.

Tuy nhiên, trước vấn đề nguồn thực phẩm bẩn đang trôi nổi trên thị trường như hiện nay, ông Nguyễn Tý - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê - bày tỏ:

Những khó khăn trong việc xác định nguồn gốc thực phẩm sạch, chất lượng thực phẩm… đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác đảm bảo ATVSTP trong trường học hiện nay.

Chính vì vậy, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, thì không thể một mình nhà trường đảm đương hết mà đòi hỏi sự vào cuộc và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Trong đó, chính quyền địa phương phải quản lý chặt các cơ sở cung ứng thực phẩm trên địa bàn. Các cơ quan y tế phải thống kê trên địa bàn và công bố những cơ sở sản xuất và buôn bán thực phẩm đảm bảo có chất lượng để các trường học lựa chọn.

Theo đó, cần thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát, tập huấn giúp cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở các trường học. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan nhằm quản lý chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Thu hồi và xử lý các sản phẩm không đảm bảo an toàn thông qua hệ thống kiểm soát cả chuỗi cung cấp thực phẩm, để tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ