Giải "bài toán" thực phẩm an toàn và dinh dưỡng cho bữa ăn bán trú vùng cao

GD&TĐ - Điện Biên có hơn 52.000 học sinh bán trú. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi tổ chức học trực tiếp, chất lượng bữa ăn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các cơ sở giáo dục ở đây.

Khu sơ chế thực phẩm sống được bố trí riêng biệt với khu phân chia thức ăn chín.
Khu sơ chế thực phẩm sống được bố trí riêng biệt với khu phân chia thức ăn chín.

Giải quyết “bài toán” nguồn cung

Năm học 2021 - 2022, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên có gần 600 học sinh là con em trong tỉnh về lưu trú, sinh hoạt, học tập. Theo cô Nguyễn Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù giá cả thị trường mùa dịch có nhiều biến động, song chế độ ăn của học sinh vẫn được duy trì ở mức 37 nghìn đồng/ngày/học sinh.

“Nhà trường cân đối, tính toán kỹ lưỡng, từ lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm đến việc lên thực đơn mỗi ngày, chế biến, phân chia khẩu phần… Làm sao vừa giải bài toán về giá cả, nhưng vẫn phải bảo đảm ưu tiên hàng đầu là an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng nhằm tạo sức đề kháng tốt nhất cho các em” – cô Huệ cho hay.

Việc hạn chế trong hoạt động vận tải hàng hóa khiến giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm gia tăng. Chính vì vậy, phương án được nhà trường đưa ra là lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm tại địa phương để giảm giá thành và hạn chế nguy cơ dịch bệnh.

Nằm ở địa bàn biên giới, Trường Mầm non Hua Thanh (huyện Điện Biên) có 6 điểm trường nằm rải rác. Vì vậy, nhà trường đã yêu cầu đơn vị cung ứng bàn giao thực phẩm tại điểm trung tâm vào buổi sáng sớm mỗi ngày. Giáo viên có mặt trước giờ lên lớp, nhận thực phẩm rồi mới di chuyển đến điểm trường giảng dạy.

Nhiều trường học ở Điện Biên thực hiện chia ca, bố trí phòng ăn theo nhóm.
Nhiều trường học ở Điện Biên thực hiện chia ca, bố trí phòng ăn theo nhóm.

“Chúng tôi hợp đồng lâu dài với đơn vị cung cấp thực phẩm là thịt, cá… nên biết rõ nguồn gốc. Còn lại phần lớn rau xanh, củ quả… do trường và các điểm tự tăng gia. Toàn bộ diện tích đất trống trong khuôn viên trường được tận dụng trồng rau xanh. Mùa nào thức ấy, gần như không khi nào bữa ăn của các cháu thiếu vắng sản phẩm do chính cô, trò tạo ra” – cô Vũ Thị Năm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Là nơi lưu trú, học tập của gần 300 học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc chủ động tăng gia, sản xuất để cải thiện bữa ăn bán trú cũng được Trường PTDTBT Tiểu học Hừa Ngài (huyện Mường Chà) quan tâm chú trọng.

Theo thầy Nguyễn Thế Điệp, Hiệu trưởng nhà trường, nhiệm vụ tăng gia được phân chia cụ thể cho từng khối lớp. Qua đó, vừa giúp nhà trường chủ động nguồn cung thực phẩm, bảo đảm bữa ăn vừa an toàn, dinh dưỡng. Đồng thời tạo thói quen rèn luyện, lao động tốt cho học sinh.

“Năm nay, do đặc thù dịch bệnh, việc xây dựng khẩu phần ăn cho học sinh được nhà trường tính toán cẩn thận hơn. Không chỉ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mà phải bổ sung và tăng cường được sức đề kháng cho các em. Chúng tôi ưu tiên nhóm thực phẩm tươi sống, được cung cấp ngay tại địa phương để hạn chế thời gian vận chuyển và các yếu tố an toàn dịch” – thầy Điệp nói.

Các trường bán trú đẩy mạnh tăng gia sản xuất để chủ động nguồn thực phẩm sạch cho học sinh.
Các trường bán trú đẩy mạnh tăng gia sản xuất để chủ động nguồn thực phẩm sạch cho học sinh.

Tổ chức bữa ăn an toàn

Cũng theo thầy Điệp, bên cạnh quy trình chế biến thức ăn nghiêm ngặt theo 3 bước của “bếp ăn 1 chiều”, công tác tổ chức bữa ăn an toàn cũng hết sức quan trọng. Theo đó, khu sơ chế thực phẩm sống được bố trí riêng biệt với khu phân chia thức ăn chín.

Còn tại Trường PTDTBT THCS Mường Mươn (huyện Mường Chà) – nơi có 240 học sinh ăn bán trú, ý thức vệ sinh phòng dịch cho học sinh được nhà trường xây dựng, rèn luyện ngay từ khi nhập học.

Cô Đoàn Thị Giang, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Số lượng học sinh ở bán trú đông, nên yêu cầu tổ chức bữa ăn an toàn đặc biệt được chú trọng trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ với học sinh, ngay cả cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cũng thường xuyên được nhắc nhở chủ động thực hiện tốt các quy định phòng dịch.

“Mỗi học sinh, trước và sau khi ăn được yêu cầu rửa tay sạch bằng xà phòng, bố trí khu ăn thoáng mát, đảm bảo giãn cách. Dụng cụ ăn như: Khay, đũa… sử dụng riêng biệt và được vệ sinh ngay sau khi hoàn thành bữa ăn” – cô Giang cho hay.

Các cơ sở giáo dục phát huy vai trò của Ban thanh tra nhân dân để giám sát quy trình nhập và chế biến bữa ăn cho học sinh bán trú.
Các cơ sở giáo dục phát huy vai trò của Ban thanh tra nhân dân để giám sát quy trình nhập và chế biến bữa ăn cho học sinh bán trú.

Đối với Trường PTDTBT THCS Na Sang (huyện Mường Chà), từ đầu năm học này không tổ chức cho học sinh ăn tập trung ở nhà ăn như trước. Theo thầy Phạm Hải Cường – Hiệu trưởng nhà trường, đây là giải pháp hạn chế tập trung đông người, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

“Sau mỗi giờ học, đồ ăn được chuyển về từng phòng nội trú. Các em sẽ ăn theo nhóm tại phòng của mình. Mặc dù, thời gian đầu công tác tổ chức có chút lúng túng, song hiện nay đã ổn định do có sự phối hợp nhịp nhàng của học sinh. Mọi hoạt động đã đi vào nền nếp và bảo đảm an toàn phòng dịch” – thầy Cường cho hay.

Năm học này, huyện Mường Chà có 17.800 học sinh, trong đó hơn 9.500 học sinh ăn bán trú. Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện, bảo đảm bữa ăn an toàn, đủ chất, để tăng cường sức đề kháng cho học sinh là ưu tiên hàng đầu. Nhiều trường học trên địa bàn đã thực hiện chia ca, bố trí phòng ăn theo nhóm để đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

“Cùng với việc thực hiện nghiêm quy định 5K, các bữa ăn phải được tổ chức khoa học, hợp lý, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Những học sinh có biểu hiện bất thường, ốm, ho, sốt được cách ly sớm” – ông Long cho hay.

Tỉnh Điện Biên có 212 trường bán trú và có học sinh ở bán trú, với trên 52.000 học sinh. Theo kịch bản dạy học trong trạng thái “bình thường mới”, ngành GD-ĐT đề nghị các trường có tổ chức nấu ăn cho học sinh phải đảm bảo yêu cầu về khoảng cách tối thiểu và an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch Covid-19 theo quy định. Để hạn chế nguồn lây, các trường tăng cường quản lý học sinh nội trú, ngoại trú; đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc học sinh trở về nhà vào ngày nghỉ cuối tuần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ