Lizzie Siddal: Rực rỡ và bi lụy

GD&TĐ - Trong sự nghiệp nghệ thuật của Dante Gabriel Rossetti, Lizzie Siddal là người mẫu và nguồn cảm hứng chính của hàng ngàn bức tranh và bài thơ.

Bức tranh 'Nữ hoàng trong tim' của họa sĩ Dante Gabriel Rossetti (1828 - 1882), vẽ khi đang yêu đương Siddal say đắm. Ảnh: Bbc.com
Bức tranh 'Nữ hoàng trong tim' của họa sĩ Dante Gabriel Rossetti (1828 - 1882), vẽ khi đang yêu đương Siddal say đắm. Ảnh: Bbc.com

Chỉ tính riêng trong sự nghiệp nghệ thuật của Dante Gabriel Rossetti (1828 - 1882), Lizzie Siddal (1829 - 1862) đã là người mẫu và nguồn cảm hứng chính của hàng ngàn bức tranh và bài thơ. Rossetti yêu Siddal đến nỗi an táng nàng với tất cả thơ tình. Không ai ngờ một ngày, ông lại lấy lại toàn bộ bằng cách tàn tệ nhất.

Mỹ nữ đảo ngược quan niệm về cái đẹp

Siddal sinh ra ở phố Charles, Hatton Garden, trong một gia đình thường dân. Vì sức khỏe kém, nàng luôn trong tình trạng cơ thể gầy gò, nước da nhợt nhạt.

Trước thế kỷ XIX, mảnh mai không phải là tiêu chuẩn của sắc đẹp. Nếu để ý các tranh vẽ phụ nữ thuộc thời kỳ Phục hưng và hậu Phục hưng, bạn sẽ thấy hầu hết họ đều có vẻ ngoài đầy đặn, thậm chí là hơi béo.

Ngoài gầy gò, Siddal còn có mái tóc màu đỏ, màu tóc bị xã hội Anh đương thời miệt thị, xem như “màu tự sát”. Thế nhưng, ngay giây phút đầu tiên chạm mặt Siddal vào mùa Đông năm 1849, họa sĩ trẻ Walter Howell Deverell (1827 - 1854) đã choáng váng vì phong thái như một nữ hoàng của nàng.

“Các cậu biết không, tôi vừa nhìn thấy một người phụ nữ đẹp đến không lời lẽ nào miêu tả hết. Cô ấy cao một cách tráng lệ…”, Deverell khoe với 2 người bạn cũng là họa sĩ, Dante Gabriel Rossetti (1828 - 1882) và William Holman Hunt (1827 - 1910).

Gia cảnh của Siddal không mấy khá giả nên, dù ốm yếu, nàng vẫn phải đi làm thuê tại một cửa hàng may. Thương con, mẹ của Siddal đồng ý cho phép nàng làm người mẫu tranh ngay sau khi được Deverell đề nghị, bất chấp định kiến “người mẫu cũng như gái mại dâm” của xã hội đương thời.

Ban đầu, Siddal chỉ làm người mẫu bán thời gian cho nhóm Deverell và bạn bè họa sĩ của anh. Mặc dù không phải chuyên môn, nhưng Siddal vẫn chuyên nghiệp không thua bất cứ ai.

Có lần, họa sĩ John Everett Millais (1829 - 1896) yêu cầu nàng nằm ngửa trong bồn tắm đầy nước để vẽ cảnh Ophelia sắp chết đuối. Vì quá mải mê, Millais không nhận ra đèn dầu được đốt dưới bồn tắm để làm ấm nước (đang là mùa Đông) đã bị tắt, nhưng Siddal cũng không kêu ca tiếng nào. Xong việc, nàng bị cảm nặng.

Bức họa Ophelia với Siddal là nguyên mẫu của họa sĩ John Everett Millais (1829 - 1896). Ảnh: Bbc.com

Bức họa Ophelia với Siddal là nguyên mẫu của họa sĩ John Everett Millais (1829 - 1896). Ảnh: Bbc.com

Họa sĩ có tài

Cũng trong năm 1849, Siddal gặp Rossetti, được họa sĩ này mời vào nhóm Huynh đệ Tiền Raphaelite (Pre-Raphaelite Brotherhood - PRB). Nhóm nghệ thuật này mới được thành lập vào năm 1848, do 3 họa sĩ Millais, Rossetti và Hunt thành lập. Họ nêu cao tư tưởng chống lại Chủ nghĩa Kinh viện Victoria, tìm về sự trong sáng và vẻ đẹp nguyên thủy nhất.

Đối với PRB, Siddal không chỉ là người mẫu, mà còn là hiện thân của vẻ đẹp lý tưởng nhất. Mới vài năm, Siddal đã kiếm được khoản tiền kha khá nhờ làm người mẫu và có thể thôi việc ở cửa hàng may để trở thành người mẫu toàn thời gian.

Sau khi ra mắt, bức tranh Ophelia của Millais lập tức nổi tiếng và ai ai cũng tò mò muốn biết nguyên mẫu của Ophelia là người nào. Cứ tưởng, Siddal sẽ trở thành người mẫu được nhiều họa sĩ thuê nhất. Không ngờ, nàng lại nhận làm người mẫu độc quyền cho Rossetti vì tình yêu.

Rossetti say mê Siddal và rất hay ghen tuông. Anh không muốn để bất cứ họa sĩ nào khác được ngắm nhìn và vẽ nàng. Ngoài thuê Siddal làm người mẫu độc quyền, Rossetti còn dạy nàng vẽ.

Nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng John Ruskin (1819 - 1900) đã xem qua các tác phẩm của Siddal và vô cùng ấn tượng, sẵn sàng trả cho nàng mức lương 150 bảng Anh/năm, cao gấp 6,25 lần mức lương của cửa hàng may Siddal từng làm việc.

Dưới sự chỉ bảo của nhiều họa sĩ tài danh, kỹ thuật vẽ tranh của Siddal ngày càng tiến bộ. Năm 1857, nàng mở Triển lãm Tiền Raphaelite ở London, được nhà sưu tập có ảnh hưởng là Charles Eliot Norton (1827 - 1908) mua tranh.

Số phận bi đát

Chân dung 'nàng thơ' Lizzie Siddal (1829 - 1862). Ảnh: Wikipedia.org

Chân dung 'nàng thơ' Lizzie Siddal (1829 - 1862). Ảnh: Wikipedia.org

Từ khi mới quen nhau, Siddal và Rossetti đã đính hôn, nhưng Rossetti lại trì hoãn kết hôn. Càng yêu nàng mãnh liệt, anh càng điên cuồng tìm cách kiểm soát cuộc sống của nàng, không để cho Siddal có được chút tự do nào.

Sự xuất hiện của Ruskin khiến Rossetti cảm thấy bị đe dọa và càng trói buộc Siddal chặt hơn. Bị cả 2 người đàn ông, một người bằng tiền và một người bằng tình áp đặt, Siddal ngột ngạt không chịu nổi. Nàng đem tiền tiết kiệm nhờ chị gái đưa đi trốn, quyết tâm tránh xa họ và trở thành nữ nghệ thuật gia độc lập.

Sau khi đi qua vài nơi, Siddal dừng chân ở Sheffield, quê cha. Rossetti vẫn thỉnh thoảng đến thăm. Qua thư từ của anh với bạn bè và những người tình, có vẻ như mối quan hệ giữa 2 người đã kết thúc vào năm 1858.

Năm 1860, Siddal mắc bệnh hiểm nghèo. Hay tin, cả Rossetti lẫn Ruskin đều hấp tấp tìm đến thăm. Ngay khi Siddal khỏe lại, Rossetti cùng nàng kết hôn. Họ hưởng tuần trăng mật ở Paris (Pháp) và Siddal sớm có thai. Rossetti vô cùng hạnh phúc, hào hứng vẽ Siddal suốt đêm ngày. Đáng tiếc, Siddal nghiện laudanum (cồn thuốc phiện), nên thai nhi bị chết lưu.

Mất con, Siddal rơi vào trầm cảm nặng. Nàng còn nghi ngờ Rossetti không chung thủy, nên tình trạng sức khỏe tinh thần ngày càng tệ hơn. Tối ngày 10/2/1862, trong khi Rossetti đi ăn cơm với bạn là nhà thơ Algernon Charles Swinburne (1837 - 1909), Siddal đã tự sát. Lúc này, nàng mới chỉ 33 tuổi.

Trước khi chôn cất vợ, Rossetti đặt vào bên trong quan tài tất cả những trang thơ mà anh viết cho nàng. Toàn bộ chúng đều là bản duy nhất, không có bản sao. Không ai ngờ, 7 năm sau, Rossetti lại muốn lấy lại.

Kẻ xúi giục Rossetti là Charles Augustus Howell (1840 - 1890), tay buôn tranh và tội phạm tống tiền khét tiếng. Vào một đêm mùa Thu, dưới sự cho phép của Rossetti, hắn đào mộ của Siddal ở Nghĩa trang Highgate. Khi trở về, hắn nói khoác với Rossetti, thi thể của Siddal vẫn nguyên vẹn như khi mới nhắm mắt. Mái tóc của nàng mọc dài ra, lấp đầy quan tài bằng màu sắc đỏ rực lấp lánh ánh đồng.

Cả Howell lẫn Rossetti đều giữ bí mật tuyệt đối về việc “trộm mộ”. Những trang thơ Rossetti viết cho Siddal được xuất bản và được độc giả đón nhận nhiệt tình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ