Đi tìm nguyên mẫu “Người đàn bà xa lạ” trong bức tranh của Ivan Kramskoy

GD&TĐ - Sofya Kramskaya, con gái duy nhất của họa sĩ Nga nổi tiếng Ivan Kramskoy, sinh năm 1866. Khi học tại trường trung học, bà đã bộc lộ niềm say mê hội họa. 

Bức tranh “Người đàn bà xa lạ”.
Bức tranh “Người đàn bà xa lạ”.

Họa sĩ Ivan Kramskoy ra sức bồi dưỡng tài năng nghệ thuật cho con gái. Đặc biệt, Sofya chính là nguyên mẫu trong bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Ivan Kramskoy “Người đàn bà xa lạ”.

“Hồng nhan bạc phận”

Hồi nhỏ, Sofya là một cô bé bình thường, nhưng năm 16 - 17 tuổi, bà bỗng nhiên trở nên xinh đẹp. Bà có thân hình cao, thon thả, khiêu vũ rất đẹp. Tính vui nhộn, sắc sảo và quyến rũ của bà đã cuốn hút rất nhiều người hâm mộ.

Quả thật, Sofya có vẻ đẹp kiêu sa – họa sĩ Repin, học sinh của Kramskoy, rất ngưỡng mộ bà, họa sĩ Albert Benua đã theo đuổi bà, nhưng Sofya đã có bạn trai mới, Sergey Sergeevich Botkin, một bác sĩ trẻ, đại diện của một dòng họ nổi tiếng về y học.

Những người thân đã long trọng tổ chức lễ đính hôn của đôi bạn trẻ, Kramskoy đã vẽ những bức chân dung chú rể và cô dâu tuyệt đẹp trong niềm hân hoan, vui sướng.

Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, Sergey Botkin bỗng phải lòng cô bạn gái của vợ chưa cưới là Sasha Tretyakova. Lễ đính hôn bị hủy bỏ và chẳng bao lâu Sasha Tretyakova lấy chồng chưa cưới của bạn gái.

Sofya cố gắng hết sức để giữ gìn tình bạn. Nhưng sự kiện đó đã làm cho bà rất buồn. Trên bức chân dung do bố vẽ sau khi lễ đính hôn của con gái bị hủy bỏ, Sofya trông hoàn toàn khác. Gương mặt bà toát lên nỗi sầu muộn và sự trống vắng trong tâm hồn.

May mắn thay, hội họa đã cứu Sofya. Cô gái 16 tuổi say mê vẽ tranh và bắt đầu gặt hái những thành công thực sự trong nghề.

Nữ họa sĩ tài năng

Họa sĩ Ivan Kramskoy vẽ con gái.
Họa sĩ Ivan Kramskoy vẽ con gái.

Năm 1884, Kramskoy cùng con gái ra nước ngoài để giúp Sofya nguôi ngoai những những nỗi khổ tâm. Trong thời gian du ngoạn ở Pháp, Sofya đã say mê phác họa phong cảnh thiên nhiên.

Một năm sau chuyến đi, Kramskoy viết: “Con gái tôi, cánh hoa mỏng mảnh, bắt đầu gieo vào lòng tôi những niềm hy vọng rằng có một vài tài năng hội họa nào đấy”.

Kramskoy hiểu rằng ông sắp qua đời, mà con gái vẫn chưa trưởng thành. Ông lo lắng cho số phận của con gái, sợ cuộc đời riêng của con sẽ trở nên bi đát.

Quả thật, một thời gian dài Sofya không thể lấy lại sự thăng bằng trước cú đòn quá tàn nhẫn của số phận, bà không yêu ai và không lấy chồng. Nhưng vào năm 1901, ở tuổi trưởng thành, khi bố đã mất, bà kết hôn với luật sư Petersburg gốc Phần Lan Georgy Yunker.

Thời gian này, Sofya trở thành họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng, bà nhận được nhiều đơn đặt hàng. Than ôi, số phận nhiều tác phẩm rơi vào tay các nhà sưu tầm tư nhân hoặc thuộc về các gia đình bị tàn phá trong giai đoạn cách mạng, đến nay vẫn biệt vô âm tín.

Sofya Kramskaya đã nhiều lần tham gia các triển lãm mỹ thuật khác nhau, bà cũng nổi tiếng là một họa sĩ minh họa sách, từng trình bày các tác phẩm của Pushkin. Các bức tranh phong tục của bà rất tuyệt.

Sau khi lấy chồng, Sofya Kramskaya giúp đỡ chồng thu thập tư liệu về những người khởi nghĩa tháng Chạp và chuẩn bị cuốn sách nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này. Nhưng rồi cuốn sách không được xuất bản…

Chồng của Sofya qua đời năm 1916. Và chẳng bao lâu bắt đầu những tai họa khác: Cuộc nội chiến, cái chết của mẹ năm 1919. Nhưng Sofya Kramskaya, mặc dù đã ngoài 50 tuổi, vẫn cố gắng thích nghi với cuộc sống mới.

Rơi vào vòng lao lý

Chân dung Sofya Kramskaya.
Chân dung Sofya Kramskaya. 

Từ năm 1918, bà làm việc ở Cục Quản lý các cơ quan khoa học, nghệ thuật và bảo tàng. Mặc dù là một người hết sức mộ đạo, bà buộc trở thành người tổ chức Bảo tàng chống tôn giáo tại cung điện Mùa Đông và minh họa cuốn sách “Lịch sử tôn giáo” ở nhà xuất bản “Vô thần”.

Sofya Kramskaya không giấu giếm tín ngưỡng của mình cũng như không giấu giếm nguyện vọng giúp đỡ mọi người. Ở Leningrad, nhiều người quen của bà trước đây xuất thân từ giới quý tộc, đã bị đọa đày đau khổ. Họ mất hết nhà cửa, tài sản, công việc, họ không có bất cứ thu nhập nào, nhiều người đói ăn.

Sofya đã giúp họ tìm những công việc thu nhập rất thấp như dịch thuật, dạy học, đánh máy để tồn tại.

Vì những việc làm đó Sofya đã bị buộc tội và rơi vào vòng lao lý. Ngày 25/12/1930, Sofya Kramskaya bị bắt vì tội tuyên truyền phản động.

Kramskaya-Yunker bị kết án ba năm đi đày ở Sibiria, nhưng do chấn động thần kinh bà bị đột quỵ. Trong tình trạng bị liệt nặng, bà được đưa tới bệnh viện nhà tù và chỉ được điều trị sơ sài.

Ngày 15/10/1931, từ Bệnh viện Krasnoyarsk Kramskaya-Yunker viết thư cho nhà hoạt động xã hội Ekaterina Peshkova (vợ của nhà văn Maksim Gorky) chuyên giúp đỡ các tù chính trị phạm. Sofya kể về việc bà bị ốm nặng, về những cuộc phẫu thuật đã trải qua trong thời gian lưu đày.

Bà chứng minh rằng có thể mang lại lợi ích, rằng mặc dù sức khỏe yếu bà vẫn thường xuyên làm việc: Ở Irkutsk, bà minh họa sách giáo khoa và các tạp chí của nông trang, ở Kansk bà làm thợ ảnh và thợ sửa ảnh trong tòa soạn một tờ báo địa phương.

Nhưng rồi ở Krasnoyarsk, bà bị đột quỵ lần thứ hai, phần trái của cơ thể bị liệt. Bà yêu cầu được giảm nhẹ tội: Nếu không được trở về nhà Leningrad thì cho bà ở lại Krasnoyarsk để phục hồi sức khỏe và nhất định cho bà làm việc vì tay phải của bà không bị liệt.

“Tôi vẫn vẽ chân dung và tranh cổ động, khẩu hiệu, áp phích, minh họa, tôi biết làm ảnh, tô màu ảnh, ngoại ngữ, tôi có thể làm việc, tôi thích…” - bà viết.

Cuối thư là những dòng tuyệt vọng: “Tôi có thể phạm sai lầm trong những ý kiến của mình, có thể đánh giá điều gì đó không đúng lắm, có thể phán xét lệch lạc tình hình thời cuộc, nhưng tôi không phạm tội gì cả - tôi là người yêu nước…Hãy cứu giúp tôi! Tôi đã viết đơn xin khoan hồng gửi M.I. Kalinin. Tôi mong chị giúp đỡ. Tôi đã làm việc trung thực 40 năm. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi…Tôi đã cố gắng hết sức để viết bức thư này gửi chị…”.

Ngày 18/2/1932, vụ án của Kramskaya - Yunker được xem xét lại do bà bị bệnh hiểm nghèo và vì người bị đày “không gây nguy hiểm cho xã hội”.

Ngày 25/3/1932, Sofya Kramskaya trở về Leningrad. Một năm sau, nữ họa sĩ qua đời đột ngột và mãi đến năm 1989, bà mới được phục hồi danh dự vì thiếu cấu thành tội phạm.

Theo Báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.