Xét tuyển bổ sung - cơ hội 'vàng' cho thí sinh

GD&TĐ - Hàng loạt trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung với hàng nghìn chỉ tiêu...

Thí sinh đến làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội). Ảnh: INT
Thí sinh đến làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội). Ảnh: INT

Dù chưa hết hạn thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT nhưng hàng loạt trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung với hàng nghìn chỉ tiêu. Đây được xem như cơ hội “vàng” cho nhiều thí sinh.

Chọn “điểm rơi” đúng và trúng

Theo thống kê của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), sau lọc ảo đợt 1 trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, có 92,7% thí sinh trúng tuyển trong tổng số hơn 660 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023.

TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) nhìn nhận, nếu theo số liệu này, còn hơn 7% thí sinh chưa trúng tuyển có thể xét tuyển bổ sung vào các cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, những thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không xác nhận nhập học cũng có thể tham gia xét tuyển bổ sung.

Năm nay, Trường ĐH Duy Tân thông báo xét tuyển bổ sung 600 chỉ tiêu, với 40 ngành học. TS Võ Thanh Hải thông tin, một số ngành như: Kiến trúc, công nghệ dự kiến sẽ tuyển sinh bổ sung hơn 10 chỉ tiêu/ngành. Những ngành như: Công nghệ phần mềm, kinh tế, y khoa, mỗi ngành sẽ tuyển chưa đến 10 chỉ tiêu.

Hiện, một số thí sinh đã xác nhận trên Hệ thống nhưng chưa đến trường làm thủ tục nhập học. Nếu không muốn học ở Trường ĐH Duy Tân, thì sau 17 giờ ngày 8/9, các em có thể đăng ký các đợt xét tuyển bổ sung vào những cơ sở đào tạo khác.

Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh xét tuyển bổ sung khoảng 10 ngành với 300 chỉ tiêu. TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng cho hay, đây là một số ngành khó tuyển sinh như: Thủy sản, môi trường, an toàn thực phẩm... Dự kiến, điểm chuẩn đợt này tương đương đợt 1. Tuy nhiên, nguồn tuyển bổ sung không còn nhiều nên một số ngành, trường học điểm chuẩn có thể biến động theo chiều hướng tăng nhẹ. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý, nghiên cứu kỹ lượng để chọn “điểm rơi” đúng và trúng.

Thí sinh đến nhập học trực tiếp đợt 1 tại Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Ảnh: NTCC

Thí sinh đến nhập học trực tiếp đợt 1 tại Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Ảnh: NTCC

Tận dụng cơ hội

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) tư vấn, số lượng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung có hạn nên thí sinh cần chú ý khoảng cách an toàn vì điểm tuyển sinh đợt bổ sung không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Các em cần tìm hiểu, đối sánh với điểm xét tuyển năm trước, điểm chuẩn đợt 1 vào ngành đó để làm căn cứ cho lựa chọn xét tuyển đợt bổ sung.

“Vì các đợt xét tuyển bổ sung không phải đăng ký trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT nên thí sinh có thể đăng ký theo hướng dẫn của cơ sở giáo dục đại học mà mình dự định ứng tuyển. Muốn vậy, cần thường xuyên tìm hiểu, cập nhật thông tin trên website của trường để không bỏ lỡ cơ hội xét tuyển bổ sung” - TS Lê Xuân Thành khuyến nghị.

Dù chưa phải xét tuyển bổ sung nhưng từ thực tiễn mùa tuyển sinh năm trước, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính (Hà Nội) lưu ý, thí sinh cần cập nhật, theo dõi thông tin mới nhất về xét tuyển bổ sung của trường mà mình dự định xét tuyển.

Thí sinh nên nhớ, điểm tuyển sinh đợt bổ sung không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1, thậm chí sẽ cao hơn. Ngoài ra, chỉ tiêu xét tuyển bổ sung phụ thuộc vào từng trường và không phải trường, ngành nào cũng xét tuyển bổ sung.

Dành lời khuyên cho thí sinh, TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Dệt May Hà Nội nhấn mạnh, với nhiều thí sinh, xét tuyển bổ sung là cơ hội “vàng” để hiện thực hóa ước mơ học đại học. Về phía cơ sở đào tạo, đây cũng là đợt tuyển sinh “vét” để đảm bảo chỉ tiêu. Vì thế, để thí sinh và cơ sở đào tạo “gặp nhau”, đầu tiên, các em cần căn cứ vào điểm thi của mình để đăng ký vào ngành học mong muốn nhất hoặc ngành gần với ngành học đó.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Xuân Hiệp do chỉ tiêu không còn nhiều nên thí sinh cẩn trọng, cân nhắc sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên (giống như đợt 1), nhất là với những thí sinh đã trúng tuyển đại học đợt 1 nhưng vì những lý do khác nhau chưa xác nhận nhập học càng cần phải chú ý. Ngoài ra, thí sinh cần xem điểm trúng tuyển đợt 1 của ngành mình dự định xét tuyển. Nếu điểm của thí sinh thấp hơn mức điểm đó thì không nộp hồ sơ xét tuyển. Khoảng cách an toàn là cao hơn 3 điểm so mức điểm chuẩn đợt 1.

Lưu ý các cơ sở đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, thời điểm này, thí sinh vẫn trong giai đoạn xác nhận nhập học trực tuyến. Do vậy, các trường cần quan tâm nhắc nhở, hướng dẫn thí sinh trúng tuyển thực hiện đúng quy trình và thời gian nhập học theo quy định.

Theo đó, trước 17 giờ ngày 8/9, thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Các cơ sở đào tạo có kế hoạch nhập học riêng và thông báo cho thí sinh qua email, số điện thoại hoặc giấy báo trúng tuyển. Thí sinh cần làm thủ tục nhập học theo hướng dẫn của trường trúng tuyển.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, cơ sở đào tạo không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ 00 ngày 8/9 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài). Sau thời gian này, thí sinh không xác nhận nhập học nếu không có lý do chính đáng, coi như không trúng tuyển.

Khi đó, thí sinh có thể tham gia xét tuyển bổ sung vào các trường đại học. Những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được đăng ký nguyện vọng xét tuyển tiếp theo, trừ các trường hợp được hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.

Từ ngày 9/9 đến tháng 12/2023, các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển sinh các đợt bổ sung (nếu còn chỉ tiêu) theo quy định. Cơ sở đào tạo phải báo cáo chính xác, đầy đủ kết quả tuyển sinh năm 2023 trên hệ thống trước ngày 31/12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.