Linh hoạt tổ chức lớp xóa mù chữ tạo thuận lợi cho bà con vùng đồng bào DTTS

GD&TĐ - Để lớp học xoá mù chữ phát huy hiệu quả cao, Trường Tiểu học Bình Trung đã có nhiều giải pháp linh hoạt trong dạy và học.

Linh hoạt tổ chức lớp xóa mù chữ tạo thuận lợi cho bà con vùng đồng bào DTTS.
Linh hoạt tổ chức lớp xóa mù chữ tạo thuận lợi cho bà con vùng đồng bào DTTS.

Phối hợp với Trung tâm học tập Cộng đồng mở lớp xoá mù chữ

Bình Trung là xã đặc biệt khó khăn thuộc phía nam huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cách trung tâm huyện hơn 30 cây số. Xã có 15 thôn, bản với 807 hộ/3.458 nhân khẩu và có 6 dân tộc cùng chung sống, gồm: Kinh, Tày, Dao, Mông, Nùng, Sán Chí, mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán riêng. Trường Tiểu học Bình Trung có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ (điểm gần nhất cách trung tâm 7km, điểm xa nhất 14 km) giao thông chủ yếu là đường đất nên việc đi lại rất vất vả khi mùa mưa đến.

Năm 2019 và 2020, trường đã mở được 02 lớp tại thôn Vằng Doọc và Thôn Bản Ca với 28 học viên. Năm 2022 Trường Tiểu học Bình Trung phối hợp với Trung Tâm học tập cộng đồng xã mở được 01 lớp xóa mù chữ tại thôn Khuổi đẩy với 26 học viên. Lớp học này đã kết thúc với 100% học viên hoàn thành khóa học.

Tháng 9 năm 2023 nhà trường tiếp tục phối hợp với Trung tâm học tập Cộng đồng mở thêm được 03 lớp (01 lớp tại thôn Bản Pèo, 02 lớp tại thôn Vằng Doọc, các học viên đều là người dân tộc Mông.

Lớp học xoá mù chữ được tổ chức giảng dạy vào khung giờ từ 19 giờ đến 21 giờ hàng ngày và cả ngày Thứ bảy. Về lịch học nhà trường linh hoạt cho học viên có thể học lúc nào, ở đâu đều được vì đa số học viên là lao động chính trong các gia đình nên việc đến lớp rất khó khăn.

Học viên tham gia lớp học xoá mù chữ tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn.

Học viên tham gia lớp học xoá mù chữ tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn.

Nhận được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân

Quá trình triển khai lớp học có nhiều thuận lợi do được sự đồng lòng và ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là tinh thần hiếu học của các học viên. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể trong việc vận động học viên, bố trí cơ sở vật chất, lớp học. Cán bộ giáo viên nhiệt tình, tâm huyết và luôn có ý thức khắc phục khó khăn và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn nhất định như: Đa số học viên là lao động chính trong gia đình vì vậy khó khăn trong việc thu xếp thời gian học tập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học thiếu thốn: lớp học được bố trí tại nhà văn hóa thôn, không có đủ các thiết bị đồ dùng tối thiểu cho việc dạy và học. Giáo viên không có đủ thời gian để chuẩn bị các bài dạy: ban ngày vẫn soạn bài và lên lớp theo kế hoạch của nhà trường, đồng thời thực hiện nuôi dưỡng chăm sóc học sinh bán trú. Thứ bảy chủ nhật không được nghỉ để chăm sóc con cái, gia đình (vì các cô đều là giáo viên nhà ở xa).

Thầy giáo Đặng Xuân Khu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Trung, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn cho biết: Để khắc phục những khó khăn, các thầy cô giáo đã có những giải pháp linh hoạt trong tổ chức dạy và học, các thầy cô luôn ân cần nhẹ nhàng, không đặt nặng về kiến thức chuyên môn. Giảng dạy các nội dung gần gũi, bình dị, gắn liền với thực tế cuộc sống của học viên: như hướng dẫn sử dụng điện thoại, hướng dẫn xem phim, tin tức, hướng dẫn sử dụng đúng cách và hiệu quả mạng xã hội…

Bên cạnh đó, nhà trường không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh qua đó truyền cảm hứng để nhân dân có ý thức khắc phục khó khăn để nâng cao dân trí, chất lượng cuộc sống và niềm tin vào giáo dục. Nhân dân tin tưởng vào các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, nhà trường luôn thực hiện đầy đủ, minh bạch các chế độ chính sách cho học sinh (chế độ bán trú theo Nghị định 116, chế độ hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81, các nguồn vận động tài trợ…) luôn được chi đúng và chi đủ cho đúng đối tượng và đúng mục đích. Chi trực tiếp cho người học và nhu cầu của việc học. Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp trong hệ thống chính trị tại địa phương, phát huy vai trò của các đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân trong việc tuyên truyền vận động học viên tham gia lớp học xoá mù chữ. Nhờ đó, đến nay, các lớp học xoá mù chữ được triển khai, thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí cho bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ