Phú Thọ: Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh từ hoạt động trải nghiệm

GD&TĐ - Hoạt động trải nghiệm góp phần giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng, lý tưởng sống cho các em học sinh. Qua đó, học sinh thêm chăm ngoan, lễ phép, kính thầy yêu bạn, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước…

Thầy giáo, cựu chiến binh Lê Đắc Tuấn đang giới thiệu với học sinh về cột mốc chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Thầy giáo, cựu chiến binh Lê Đắc Tuấn đang giới thiệu với học sinh về cột mốc chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Hiệu quả từ "địa chỉ đỏ"

Cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sau giờ học chính khóa các thầy cô giáo cùng toàn thể học sinh của Trường THCS Phú Lạc (Cẩm Khê, Phú Thọ) có tiết hoạt động ngoại khóa ngay tại cột mốc về chủ quyền biển, đảo Việt Nam được xây dựng trong khuôn viên nhà trường.

Chương trình với nhiều hoạt động bổ ích với chủ đề: Ngoại khóa tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam và phát động ủng hộ chương trình “Xuân biên giới, Tết hải đảo năm 2022” đã thể hiện tình yêu của đất liền dành cho biển, đảo Việt Nam…

Cô Lê Thị Thanh Xuân (Trường THCS Phú Lạc) cho biết, các hoạt động ngoại khóa trong trường học không chỉ giúp các em tăng cường sức khỏe, giải tỏa mệt mỏi sau những giờ học căng thẳng mà còn có ý nghĩa hỗ trợ cho giáo dục chính khóa.

Qua đó, góp phần phát triển, hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng sáng tạo của học sinh. Đây cũng là cơ hội để các em phát triển các kĩ năng cần thiết vận dụng vào cuộc sống.

Tại chương trình, những kiến thức vô cùng bổ ích về chủ quyền biển, đảo Việt Nam được thể hiện sống động qua phần thuyết minh đầy truyền cảm của cô giáo Nguyễn Thị Minh Thu - giáo viên dạy bộ môn Địa lí.

Bên cạnh đó là nội dung nói chuyện cô đọng nhưng đầy ấn tượng của thầy Lê Đắc Tuấn - giáo viên dạy bộ môn Âm nhạc - cũng là một cựu chiến binh về truyền thống của quân đội ta nói chung và quân chủng hải quân nói riêng.

Không chỉ như vậy, trong buổi hoạt động ngoại khóa, nhiều bức tranh, “cánh thư vượt sóng”, những món quà giản dị nơi quê hương thôn dã đã được thầy và trò trường THCS Phú Lạc gửi đến các chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng, ngọn gió với những lời nhắn nhủ “Không xa đâu Trường Sa ơi”…

Nhiều món quà vật chất mang đậm tình yêu thương và hương vị đặc sản quê hương Cẩm Khê đã được thầy cô và các em học sinh của các cơ sở giáo dục chuẩn bị, đóng gói gửi ra đảo xa như nón lá Sai Nga; Chè đá hen xã Đồng Lương, mì sợi làng Cát Trù, hạt rau giống...  Các phần quà có trị giá gần 150 triệu đồng.

Còn tại Trường THCS Đồng Lương (Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ) - quê hương của nhà thơ Bút Tre - cô Bùi Thị Bích Lan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các tiết học địa phương đã tạo điều kiện để  các em đến tham quan, trải nghiệm, nghe các cô giáo giới thiệu về nhà thơ, được bồi đắp thêm niềm đam mê, niềm yêu văn học của mỗi học trò.

Học sinh Trường THCS Đồng Lương trải nghiệm thực tế.
Học sinh Trường THCS Đồng Lương trải nghiệm thực tế.

"Hoạt động giáo dục trải nghiệm góp phần không nhỏ vào việc giáo dục đạo đức, kỹ năng, lý tưởng sống cho các em học sinh giúp các em chăm ngoan, lễ phép, kính thầy yêu bạn, đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau"", cô Lan nói.

Kết quả cho thấy trong các năm học vừa qua: 98% học sinh xếp loại đạo đức Tốt, Khá trong đó trên 85% xếp loại đạo đức Tốt; 100% các lớp xếp loại Tốt; trên 95% học sinh đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ; Liên đội được Hội đồng hội huyện Cẩm Khê tặng giấy khen, Liên đội vững mạnh cấp huyện.

Đa dạng hóa hình thức giáo dục

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Nguyễn Thị Lan Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Xá (Cẩm Khê) cho biết, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, Trường Tiểu học Ngô Xá đã có những thay đổi tích cực trong công tác quản lí, giáo dục học sinh.

Theo cô Lan Anh, trong giảng dạy, giáo viên quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cũng như phát huy năng lực sở trường cho học sinh kịp thời. Ngoài ra, các em được giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cần thiết thông qua việc đa dạng hóa hình thức tổ chức giáo dục tập thể, hoạt động ngoại khóa.

Nhiều hoạt động ý nghĩa từ chương trình Xuân ấm áp - Tết yêu thương mà ngành Giáo dục Cẩm Khê phát động.
Nhiều  hoạt động ý nghĩa từ chương trình Xuân ấm áp - Tết yêu thương mà ngành Giáo dục Cẩm Khê phát động.

“Năm học vừa qua, một số sân chơi trí tuệ qua mạng Internet đã khẳng định sự tiến bộ của nhà trường với 68 giải cấp huyện, 26 giải cấp tỉnh và 1 giải cấp quốc gia. Các hoạt động trải nghiệm “Vui Trung thu nhớ Bác”, “Em yêu biển đảo quê hương”, “Gói bánh chưng xanh – Xuân gắn kết – Tết yêu thương” và nhiều hoạt động tích hợp giáo dục khác đã giúp các em học sinh tự tin hơn, chia sẻ tốt hơn và chủ động hơn trong học tập và hoạt động…”, cô Lan Anh thông tin.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Xá cũng nhấn mạnh, năm học 2021-2022 và các năm học tiếp theo, nhà trường tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, tích cực sẻ chia của cán bộ, viên chức nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, phát huy tối đa năng lực, sở trường và quan tâm giáo dục các kỹ năng còn hạn chế của  học sinh để xây dựng nhà trường đạt được mục tiêu lớn hơn, ngày càng đáp ứng cao mong mỏi của người dân, học sinh nơi đây.

Giáo dục Cẩm Khê tặng quà cho học sinh khó khăn dịp Tết.
Giáo dục Cẩm Khê tặng quà cho học sinh khó khăn  dịp Tết.

Dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 ngành Giáo dục Cẩm Khê cũng tăng cường công tác giáo dục phát huy truyền thống "tương thân, tương ái" qua hoạt động trải nghiệm "Xuân ấm áp- Tết yêu thương".

Bà Đặng Thị Hồng Tâm – Phó trưởng Phòng GD&ĐT Cẩm Khê cho biết, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thi đua có ý nghĩa.

Đặc biệt, tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trong toàn huyện Cẩm Khê đã đồng loạt phát động Chương trình "Xuân ấm áp, Tết yêu thương", nhằm kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh chung tay ủng hộ quà tết cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo bà Tâm, sau khoảng thời gian phát động từ 4/1 đến ngày 24/1, tại 87 trường Mầm non, Tiểu học, THCS trong toàn huyện đã vận động, khuyên góp được 1.257 suất quà với tổng trị giá là gần 300 triệu đồng trao cho 1.257 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Đây là một việc làm thường niên khi mỗi dịp Tết đến Xuân về, mang tính nhân văn sâu sắc, kết nối yêu thương, gìn giữ nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc và sẽ tiếp tục được lan tỏa và nhân rộng…”, bà Tâm nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ