Cơ sở giáo dục chủ động, tự tin thực hiện chương trình SGK mới

GD&TĐ - Sau một năm thực hiện Chương trình, SGK mới đối với lớp 1, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã gặt hái được nhiều thành công. Năm học 2021-2022, nhà trường phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) tự tin học chương trình, SGK mới.
Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) tự tin học chương trình, SGK mới.

Vượt qua dịch bệnh, gặt hái thành công

Cô Đồng Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình, SGK mới đối với lớp 1. Sau khi kết thúc năm học, giáo viên trong tổ chuyên môn khối 1, giáo viên trong trường và trường bạn đánh giá các em học sinh tự tin, tự chủ hơn trong giao tiếp. Chất lượng học tập của học sinh thay đổi tích cực, nhất là ở môn tiếng Việt với kỹ năng đọc, viết của học sinh được vững vàng hơn, việc tính toán của học sinh cũng chắc chắn hơn.

Bên cạnh đó, phẩm chất và năng lực của học sinh cũng được hình thành và phát triển tốt hơn. Qua đó, tạo cơ hội, điều kiện giúp các em phát triển thông qua nhiều hoạt động học tập, giáo dục, trải nghiệm mang tính chất kết nối, liên hệ với thực tiễn, đời sống.

Sau một năm Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thực hiện, chương trình, SGK lớp 1 cơ bản đã thành công và được phụ huynh đánh giá cao.
Sau một năm Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thực hiện, chương trình, SGK lớp 1 cơ bản đã thành công và được phụ huynh đánh giá cao.

Theo cô Hải, đến thời điểm này, nhà trường thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 cơ bản đã thành công và được phụ huynh đánh giá cao về chất lượng học tập của con em mình.

Tuy nhiên, để đạt được thành công nhà trường cũng đã trải qua không ít khó khăn. Theo đó, năm học 2020-2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên học sinh phải nghỉ học thời gian dài, các em mẫu giáo 5 tuổi lên Tiểu học chưa thuộc chữ cái, chữ số. Bên cạnh đó, tâm lý phụ huynh lo lắng về chương trình đổi mới.

Nhưng theo cô Hải, được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, Phòng GD&ĐT thành phố Pleiku, nhà trường đã tích cực tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh. Đồng thời, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy được tham gia tập huấn, Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường cùng tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức họp, sinh hoạt, đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp, hiệu quả hơn.

Qua đó, nhà trường xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục lớp 1 đúng, đủ theo chương trình, số tiết mỗi môn học do Bộ GD&ĐT ban hành và phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường. Giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Để chương trình, SGK lớp 2 cũng được triển khai hiệu quả, hiệu trưởng cho hay, nhà trường tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc chủ trương đổi mới Chương trình GDPT đến từng cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục và sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện chương trình theo kế hoạch.

Hoàn thành mục tiêu kép

Học sinh được đo thân nhiệt, sát khuẩn trước khi vào lớp trong năm học 2020-2021.
Học sinh được đo thân nhiệt, sát khuẩn trước khi vào lớp trong năm học 2020-2021.

Cô Đồng Thị Thanh Hải cho hay, trong năm học 2021-2022, nhà trường tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và sử dụng bộ SGK Cánh Diều. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục thực hiện kế hoạch dạy học theo hướng mở và thời khóa biểu phù hợp.

Ngoài ra, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chú trọng đổi mới mục tiêu, nội dung và hình thức sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn theo hoạt động nghiên cứu bài học. Đồng thời trao đổi, thảo luận, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn cho nhà trường, giáo viên, cũng như phát huy, nhân rộng các hình thức dạy học hiệu quả.

Theo cô Hải, việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của giáo viên cũng hết sức quan trọng. “Việc tự học, tự tìm tòi, khám phá kiến thức” giúp giáo viên nhớ lâu hơn. Quá trình học có câu hỏi kiểm tra, đánh giá, buộc giáo viên phải nỗ lực học thật, nghiên cứu thật, mới đạt kết quả tốt.

Ngoài ra, giữa giáo viên và phụ huynh phải có sự trao đổi, tương tác qua lại để nhà trường, giáo viên cung cấp đầy đủ thông tin về cách thực hiện hiệu quả nội dung chương trình SGK đến phụ huynh và học sinh. Từ đó phụ huynh phối hợp, đồng hành tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh hoàn thành tốt chương trình học tập. Bên cạnh đó, giúp nhà trường, giáo viên nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc đối với phụ huynh và học sinh để có những điều chỉnh phù hợp để giảng dạy có hiệu quả, hoàn thành tốt chương trình năm học.

Cũng theo cô Hải, năm học 2021-2022, mục tiêu hướng đến của nhà trường là hoàn thành tốt mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa dạy học”. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ dạy - học. Qua đó, hỗ trợ kịp thời những khó khăn vướng mắc đối với giáo viên, phụ huynh, học sinh góp phần hoàn tốt mục tiêu năm học.

Theo đó, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn có giải pháp linh hoạt, hiệu quả để triển khai thực hiện dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình,... nhằm giúp học sinh không quên kiến thức, duy trì nề nếp học tập và thực hiện theo phương châm tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Ngoài ra, hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch dạy học và kiểm tra đánh giá định kỳ cho phù hợp với tình hình địa phương. Bên cạnh đó, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ tiếp cận với hình thức dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ