Chủ động, tự tin thực hiện Chương trình, SGK mới

GD&TĐ - Một năm thực hiện Chương trình, SGK lớp 1 mới được đánh giá thành công bước đầu nhờ nỗ lực toàn diện từ các cấp quản lý, đội ngũ, sự phối hợp của phu huynh học sinh. Đây là tiền đề cho năm học mới nhiều khởi sắc.

Ảnh minh hoạ/INT
Ảnh minh hoạ/INT

Tự hào thành quả bước đầu

Năm học 2020 – 2021 đã chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19. Tuy nhiên, toàn ngành đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, trong đó phải kể đến những cố gắng lớn để trải qua năm học đầu tiên thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 1.

Cô Đồng Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP Pleiku (Gia Lai) chia sẻ: Học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 so với những năm trước được giáo viên trong tổ chuyên môn khối 1, giáo viên trong trường và trường bạn đánh giá tự tin, tự chủ hơn trong giao tiếp. Chất lượng học tập của học sinh thay đổi tích cực, nhất là ở môn Tiếng Việt, kỹ năng đọc, viết của học sinh được vững vàng hơn (cả về tốc độ và đúng ngữ âm, chính tả), việc tính toán của học sinh cũng chắc chắn hơn.

Bên cạnh đó, phẩm chất và năng lực của học sinh cũng được hình thành và phát triển tốt hơn. Qua đó, tạo cơ hội, điều kiện giúp các em phát triển thông qua nhiều hoạt động học tập, giáo dục, trải nghiệm mang tính chất kết nối, liên hệ với thực tiễn, đời sống. Đến thời điểm này, nhà trường thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 cơ bản thành công và được phụ huynh đánh giá cao về chất lượng học tập của con em mình.

“Tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 cũng cho thấy tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình. Thậm chí, một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. HS mạnh dạn tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm qua tiết học, cơ bản đã đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ 1 và được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2...”.
TS Thái Văn Tài (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT)

Từ góc độ cơ quan quản lý cấp cao nhất, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD&ĐT đánh giá: Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, GV trong việc thực hiện Chương trình, SGK GDPT đối với cấp tiểu học, đặc biệt đối với lớp 1; Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường; đảm bảo tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ HS và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường…

Qua 1 năm thực hiện chương trình, SGK mới, nhiều kinh nghiệm quan trọng được đúc rút, làm tiền đề quan trọng triển khai chương trình trong năm học tiếp theo.

Ông Đào Anh Tuấn, Phó GĐ Sở GD&ĐT Yên Bái cho biết: Năm học vừa qua, ngành GD&ĐT đã tham mưu cho tỉnh xây dựng Đề án triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó có mục tiêu, lộ trình cụ thể, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tạo tiền đề dịch chuyển chất lượng dạy và học tiến theo sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Địa phương dành quan tâm đến các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, đặc biệt là điều kiện về đội ngũ. Các nhà giáo phải sẵn sàng đổi mới, hiểu về chương trình, sách giáo khoa mới, thực hiện đổi mới trong từng tiết học và hoạt động giáo dục. Muốn vậy, phải làm tốt công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên, liên tục với các hình thức phù hợp, hiệu quả.

“Năm học này, chúng tôi tiếp tục quan tâm bồi dưỡng giáo viên, kiện toàn tổ giáo viên cốt cán để hỗ trợ đồng nghiệp tại chỗ, tăng cường sinh hoạt chuyên môn để trao đổi, thảo luận, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho giáo viên” – Ông Đào Anh Tuấn nói.

Ảnh minh hoạ/INT
Ảnh minh hoạ/INT

Chủ động triển khai chương trình mới

Xác định năm học mới 2021 – 2022 sẽ có nhiều khó khăn do khách quan. Song, nhờ những kết quả và kinh nghiệm triển khai Chương trình mới ở năm học trước, các nhà trường chủ động, tự tin hơn trong thực hiện kế hoạch năm học.

Theo chia sẻ của cô Đồng Thị Thanh Hải, cán bộ, giáo viên nhà trường luôn có tâm thế sẵn sàng đón nhận các bộ SGK mới. Theo đó, giáo viên nghiên cứu kĩ các bộ sách và đã lựa chọn bộ SGK phù hợp nhất với từng đối tượng học sinh của trường mình. Ngoài ra, khi giảng dạy, giáo viên lồng ghép những nội dung theo định hướng Chương trình GDPT 2018 có chỗ nào chưa phù hợp với đối tượng học sinh thì tìm hướng khắc phục, linh hoạt, sáng tạo để mang lại hiệu thông qua mỗi tiết dạy.

Trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay, việc thực hiện Chương trình mới quả là rất khó khăn. Tuy nhiên đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường luôn cố gắng tìm tòi, nghiên cứu tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất để truyền tải hết kiến thức đến từng học sinh qua mọi hình thức dạy học có thể thực hiện được.

Ông Đào Anh Tuấn cho biết: Ngành GD&ĐT Yên Bái đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để giáo viên nắm chắc quan điểm, nội dung đổi mới, hỗ trợ trực tiếp các nhà giáo thông qua các hội thảo, qua việc xây dựng các video tiết dạy minh họa, qua sinh hoạt chuyên môn và tổ chức hoạt động của các giáo viên cốt cán, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Năm học này, chúng tôi vẫn tiếp tục có những chuẩn bị tốt cho triển khai thực hiện đối mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6, đặc biệt quan tâm công tác bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên trong xây dựng kế hoạch dạy học, khai thác các tài nguyên, học liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và tổ chức các hoạt động dạy học để giáo viên tự tin, vững vàng về nghiệp vụ trong thực hiện đổi mới.

“Theo tôi, kết quả đạt được đó là tinh thần đổi mới theo cách tiếp cận và hướng tới hình thành năng lực HS sau 1 năm triển khai. Đồng thời đã củng cố thêm sự đồng thuận, cố gắng của các cấp chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ. Đối với GV đã tự tin hơn trong việc thực hiện đổi mới giáo dục và ngày càng làm chủ chương trình, phương pháp; biết được quyền và trách nhiệm của mình trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018... Tin rằng những thành quả bước đầu sẽ giúp cho ngành GD&ĐT có thêm kinh nghiệm bổ sung vào các giải pháp chỉ đạo. Về phía các cơ sở giáo dục có sự đồng thuận lớn hơn từ nhiều lực lượng xã hội đối với nhà trường, GV để tiếp tục triển khai chương trình lớp 2, lớp 6 trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19”.
TS Thái Văn Tài

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.