Linh hoạt dạy học môn tích hợp thích ứng với điều kiện thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các trường THCS ở Vĩnh Phúc đã linh hoạt tổ chức dạy học môn tích hợp Chương trình GDPT 2018 phù hợp tình hình thực tiễn.

Các nhà trường tại Vĩnh Phúc đã linh hoạt tổ chức dạy học môn tích hợp theo điều kiện thực tế.
Các nhà trường tại Vĩnh Phúc đã linh hoạt tổ chức dạy học môn tích hợp theo điều kiện thực tế.

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 3 triển khai dạy học tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bậc THCS, đây cũng là năm đầu tiên triển khai dạy học tích hợp ở lớp 8.

Linh hoạt theo điều kiện thực tế

Nhà giáo Phùng Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Hội Hợp, TP Vĩnh Yên cho biết, năm học 2023 - 2024 là năm thứ ba nhà trường triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo quy định.

Đối với lớp 6, lớp 7, sau tập huấn, các thầy cô giáo có thể tự tìm hiểu kiến thức và dạy học sinh đối với môn tích hợp. Thế nhưng, đến lớp 8 thì khó mà đáp ứng được yêu cầu do kiến thức các phân môn tách bạch khá rạch ròi, các chủ đề riêng là kiến thức chủ đạo, kiến thức chung rất ít, rất nhỏ nên nhà trường phải tổ chức nhiều hình thức dạy học khác nhau.

Cụ thể như tại môn Khoa học tự nhiên gồm 3 phân môn gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học được thiết kế theo chủ đề thuộc các phân môn đan xen nhau. Trong khi một số giáo viên chưa được bồi dưỡng chứng chỉ dạy học tích hợp nên việc giảng dạy các môn học này phải tổ chức nhiều phương thức khác nhau.

Để giải quyết vấn đề trên, Trường THCS Hội Hợp đã tổ chức dạy học theo hình thức song song các môn: Vật lí (1 tiết/tuần), Hóa học (1 tiết/tuần) và Sinh học (2 tiết/tuần). Đối với các khối lớp, giáo viên đảm nhận dạy các phân môn theo chuyên môn mình được đào tạo. Những chủ đề mang tính tích hợp, nội dung kiến thức của môn học nào nhiều hơn sẽ do giáo viên môn đó đảm nhận.

Với môn Lịch sử và Địa lí nhờ chia thành 2 phần nên việc giảng dạy thuận lợi hơn. Giáo viên môn Lịch sử dạy phần lịch sử, giáo viên môn Địa lí dạy phần địa lí. Đến khi kiểm tra, đánh giá sẽ cùng nhau hợp tác để ra đề.

Giờ học của cô và trò trường THCS Hội Hợp, TP. Vĩnh Yên.
Giờ học của cô và trò trường THCS Hội Hợp, TP. Vĩnh Yên.

Tại Trường THCS Liên Châu (huyện Yên Lạc), nhà trường cũng bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất. Số tiết dạy của môn học không nhất thiết đều ở tất cả các tuần. Việc sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho cho từng học kì, bảo đảm số tiết/tuần theo quy định dành cho mỗi giáo viên.

Đối với lớp 8, do khối lượng kiến thức đi vào chuyên sâu thì một giáo viên khó có thể đảm nhận hết các phân môn nên dù là môn “tích hợp” nhưng Trường THCS Liên Châu vẫn phân công “riêng lẻ” theo từng phân môn.

“Ví dụ như đối với môn Khoa học xã hội lớp 8 là Lịch sử và Địa lí có 2 phân môn là Lịch sử và Địa lí, nhà trường phân công 1 giáo viên chuyên môn Lịch sử và 1 giáo viên chuyên môn Địa lí cùng đảm nhiệm môn học này. Các môn học được sắp xếp đúng theo thời lượng và đúng chuyên môn của giáo viên giảng dạy”, thầy Nguyễn Hữu Thiện – Hiệu trưởng Trường THCS Liên Châu khẳng định.

Phát huy vai trò Tổ chuyên môn

Nhằm tăng cường hiệu quả từ tổ nhóm trong việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, Trường THCS Liên Châu đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, nhà trường có 2 tổ chuyên môn (Tổ KHTN và tổ KHXH); Hiệu trưởng có chuyên môn dạy Lịch sử trực tiếp phụ trách và họp cùng chỉ đạo tổ KHXH; Phó Hiệu trưởng chuyên môn dạy Toán họp cùng và phụ trách tổ KHTN. Các tổ chuyên môn định kỳ họp và sinh hoạt tổ chuyên môn 2 lần/tháng.

Trong sinh hoạt chuyên môn, giáo viên tập trung nghiên cứu, phân tích các vấn đề liên quan đến người học. Tổ chuyên môn yêu cầu các giáo viên thảo luận, giải quyết các câu hỏi: Học sinh học bài này gặp khó khăn gì? Kết quả học sinh đạt được qua bài học có cải thiện không? Học sinh có tích cực, tự giác học tập xây dựng bài học không? Nội dung bài học có phù hợp không? Cách sắp xếp, tổ chức dạy học đã phù hợp với sự phát triển năng lực của học sinh chưa?…

Tiết học của cô và trò trường THCS Liên Châu, huyện Yên Lạc.

Tiết học của cô và trò trường THCS Liên Châu, huyện Yên Lạc.

Nhà giáo Nguyễn Hữu Thiện cho rằng: Chương trình GDPT 2018 là chương trình "mở" chỉ quy định số tiết/năm học, các giáo viên bộ môn đều tham gia xây dựng phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học. Điều chỉnh kế hoạch kịp thời khi thấy bất hợp lý trong quá trình giảng dạy”.

Vì vậy, trong sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, Trường THCS Liên Châu chú trọng định hướng tổ chuyên môn, giáo viên dạy học theo phương pháp làm sao để học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất. Thực hiện phương pháp dạy học tích cực, tích cực hóa hoạt động học tập;

Chú trọng tổ chức hoạt động học nhằm hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh; thực hiện phương châm “học qua làm”. Nâng cao vai trò của giáo viên là phải chuyển mạnh từ vị trí là "người dạy" sang vị trí là người "tổ chức, kiểm tra, định hướng" đối với các hoạt động học của học sinh.

Để tăng cường hiệu quả của tổ nhóm chuyên môn, Ban giám hiệu Trường THCS Hội Hợp cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do các cấp tổ chức trực tiếp và trực tuyến để giáo viên tự tin, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận.

Tổ chuyên môn tăng cường sinh hoạt, tập huấn hỗ trợ đồng nghiệp, thường xuyên trao đổi và tổ chức chuyên đề để kịp thời hỗ trợ cả về phương pháp lẫn nội dung dạy học.

Các nhà trường còn làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện đổi mới chương trình SGK tới toàn thể cán bộ, giáo viên trong ngành và với phụ huynh, xã hội. Tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cha mẹ học sinh và xã hội.

Cùng với đó, kịp thời biểu dương những tấm gương tập thể, cá nhân có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quá trình chuẩn bị cũng như triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Thiếu giáo viên dạy tích hợp

Bên cạnh những thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018… thì các trường THCS tại Vĩnh Phúc cũng còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể là tình trạng thiếu giáo viên được đào tạo dạy tích hợp môn Khoa học tự nhiên và môn học Khoa học xã hội.

Nói về vấn đề này, Hiệu trưởng hai nhà trường cho biết: Đội ngũ giáo viên được phân công dạy môn tích hợp nhưng hiện chỉ được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm. Môn tích hợp bố trí 2 đến 3 giáo viên dạy nhưng mỗi giáo viên lại ghi điểm độc lập, sau đó phân công 1 giáo viên chịu trách nhiệm nhập điểm. Khi kiểm tra định kỳ phải 2 đến 3 giáo viên cùng hội ý 2 đến 3 lĩnh vực và sau khi kiểm tra cùng chấm trên một bài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.