Liên tục xuất hiện tranh Việt giả trên sàn đấu giá quốc tế

GD&TĐ - Tranh của các danh họa Việt Nam bị làm giả và xuất hiện trong thông báo của loạt nhà đấu giá quốc tế, như: Tajan, Sotheby’s, Linda Trouve…

Tác phẩm “Nhà tranh gốc mít” của Nguyễn Văn Tỵ bị làm giả và sắp bán tại nhà đấu giá Sotheby’s.
Tác phẩm “Nhà tranh gốc mít” của Nguyễn Văn Tỵ bị làm giả và sắp bán tại nhà đấu giá Sotheby’s.

Năm 2021 có lẽ là thời điểm nóng nhất trên thị trường đấu giá mỹ thuật thế giới với hàng loạt nghi án liên quan đến tranh của các họa sĩ Việt Nam bị làm giả.

Trong khi vụ “Trà đàm” của danh họa Mai Trung Thứ xuất hiện 3 bức giống nhau như đúc chưa đến hồi kết, thì lại đến loạt tranh của Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ.

Loạt tranh giả “lộ sáng”

Mới đây, Báo GD&TĐ đã thông tin về việc cùng lúc xuất hiện 3 bức tranh có tên “Trà đàm” (1971) của danh họa Mai Trung Thứ, khiến nửa triệu đô có nguy cơ hoá giấy vụn. Giám tuyển nghệ thuật Ace Lê đã đưa ra thông tin hình ảnh và phân tích xác minh về 3 bức tranh này.

Bức “Trà đàm” thứ nhất nhà đấu giá Aguttes xếp vào lô 3, phiên sắp tới tại Paris diễn ra ngày 30/9/2021. Bức thứ 2 từng được nhà đấu giá Sotheby’s phiên HongKong diễn ra ngày 5/10/2020 có giá gõ búa là 500.000 USD. Bức thứ 3 đã đổi chủ thứ cấp nhiều lần nhưng chưa từng lên sàn đấu giá.

Thời gian gần đây, tranh của họa sĩ Việt thế hệ Đông Dương liên tục bị làm giả. Điều đáng ngạc nhiên là những bức tranh giả lại có giá cao, khiến cho thị trường mỹ thuật nhiều phen “dậy sóng”. Giới phân tích nhận định, nếu như không có phương án ngăn chặn thì thị trường mỹ thuật dễ nhiễu loạn, tranh của các danh họa Việt sẽ bị e dè và mất đi giá trị.

Trong khi 3 bức “Trà đàm” của Mai Trung Thứ chưa có hồi kết, thì tại một số nhà đấu giá quốc tế danh tiếng lại liên tục xuất hiện nghi án tranh Việt giả.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp mới đây phát hiện trên Web nhà đấu giá Lynda Trouve (Pháp) 6 bức của danh họa Bùi Xuân Phái và một bức của Lê Phổ. Các bức tranh này sẽ được đem đấu giá tại phiên đấu sắp tới vào ngày 16/10/2021. “Bạn người Pháp của tôi gửi lời nhắn rằng: “Thật thô tục và kinh khủng, những người này không có đạo đức, thật là tệ cho nghệ thuật Việt Nam”, họa sĩ Lê Huy Tiếp cho hay.

Trong khi 7 bức tranh của Bùi Xuân Phái và Lê Phổ vừa “lộ sáng”, thì họa sĩ Trịnh Lữ lại phát hiện thêm bức tranh của cha mình – họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc cũng bị giả mạo để đấu giá trong phiên sắp tới của nhà Linda Trouve: “Tôi xin khẳng định ngay rằng đây là giả mạo. Chỉ có thể nói rằng trong gia đình chúng tôi chưa thấy bức lụa nào của cụ bao giờ”.

Bức tranh lụa được cho là của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc được ký tên bằng chữ nho. Tuy nhiên, chỉ cần đánh giá bằng thị giác sơ khởi cũng có thể kết luận đó là giả mạo. Ngoài các yếu tố liên quan đến bút pháp, chất liệu thì chữ ký chính là điểm dễ nhận biết phân định thật - giả.

Đang trong bảo tàng cũng bị làm giả

Bức tranh “Lồng chim” của Mai Trung Thứ bị làm giả đến tệ hại.

Bức tranh “Lồng chim” của Mai Trung Thứ bị làm giả đến tệ hại.

Trước vấn nạn tranh của họa sĩ Việt bị làm giả tràn lan và xuất hiện bày bán trên thị trường quốc tế. Giới nghệ thuật mong muốn Hội Mỹ thuật Việt Nam phải có tiếng nói và động thái ngăn chặn. Việc này không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của các họa sĩ mà còn là vấn đề quốc thể.

Ngày 26/9, họa sĩ Nguyễn Bình Minh – con gái cố họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ khẳng định bình phong mà nhà đấu giá Sotheby’s đưa ra là giả.

Theo thông tin, vào ngày 10/10 tới đây Sotheby’s HongKong mở phiên bày bán nhiều tác phẩm Đông Dương. Trong đó có bình phong “Nhà tranh gốc mít” (1957) của Nguyễn Văn Tỵ, 90x118.5cm. Giá dự toán 90.000 – 130.000 USD.

Trong phần ghi chú, nhà đấu giá có đề “Bức này tương đương với bức “Nhà tranh gốc mít” (1958) đang bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội (nguyên văn tiếng Anh: “This work is comparable to L’image traditionnelle d’une maison de paysan (1958) by Nguyen Van Ty at the Musee des Beaux-Arts in Hanoi”).

Bức sơn mài “Nhà tranh gốc mít” ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội có cỡ 67x105cm (1958), đã được triển lãm năm 1960. Với tác phẩm này, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.

Điều kỳ lạ là chỉ thoáng qua cũng thấy tác phẩm nhà Sotheby’s đưa ra là giả. Về chất liệu cùng là sơn mài, nhưng bức trong bảo tàng thì hoàn toàn là sơn ta truyền thống, bức nhà Sotheby’s lại thấy ngay bảng màu có sắc màu của sơn Nhật.

Và điều quan trọng nhất là sự cảm nhận về cái đẹp của hai tác giả này cũng ở hai cấp độ rất khác nhau.

Trước điều kỳ lạ khó hiểu này, giám tuyển nghệ thuật Ace Lê cho hay: “Lại một lần nữa, xin nhờ đến tiếng nói của cộng đồng cùng thảo luận về vấn đề này. Cá nhân tôi, không hiểu nhà Sotheby’s có ý gì khi dùng cụm từ “tương đương với”.

Trong khi giới nghệ thuật không thể hiểu vì sao nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s lại mập mờ “đánh tráo khái niệm” để bán tranh giả của họa sĩ Việt Nam, thì một nghi án tranh giả khác lại xuất hiện.

Bức tranh “Lồng chim” của danh họa Mai Trung Thứ sắp đấu bên nhà đấu giá Tajan (Pháp) vào ngày 13/10 tới đây. Đây là tác phẩm hội họa nổi tiếng của Mai Trung Thứ, nhưng qua tác phẩm nhái thì nét vẽ trở nên cẩu thả.

Họa sĩ Mai Trung Thứ rất để ý đến các tiểu tiết nhỏ, trong lồng chim có chén nước nhưng bức của nhà Tajan không có. Tuy nhiên, chén nước chưa phải chi tiết quan trọng, mà là con chim. Mai Trung Thứ vẽ con chim nhỏ nhưng rất có hồn, còn con chim trong tranh của nhà Tajan thì đầy ngớ ngẩn.

Thân hình cô gái lại là điểm so sánh dễ thấy, Mai Trung Thứ vẽ cô gái gợi cảm, đường nét sống động, tạo hình thân dưới cân đối, phần ngực vẽ cả nhũ hoa, chén cầm trên tay có hạt bên trong. Bức của nhà Tajan vẽ cô gái người thẳng đuột, vẹo mông, teo chân. Về mặt tạo hình rất thiếu tinh tế, tóc và bàn tay cô gái được đánh giá không có tính thẩm mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.