Câu chuyện này cũng gióng lên hồi chuông báo động về nạn tranh giả và vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm mỹ thuật của nước nhà và danh dự cho các họa sĩ khi gặp sự cố tranh giả, tranh mạo danh.
Nỗi buồn tranh giả
Thực tế cho thấy, câu chuyện tranh giả là điều nhức nhối nhiều năm nay trong giới mỹ thuật Việt Nam. Có lẽ vụ việc 17 bức tranh giả, tranh mạo danh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tại TPHCM vừa qua là giọt nước làm tràn ly về thực trạng tranh giả, tranh chép tràn lan hiện nay của mỹ thuật nước nhà.
Theo họa sĩ Nguyễn Lan Hương, Trường ĐH Hòa Bình (Hà Nội), đây là câu chuyện buồn của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Từ khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới, hoạt động mỹ thuật Việt Nam phát triển nhanh chóng. Bên cạnh những mặt tích cực thì một số hệ lụy như vấn đề bản quyền tác giả và vấn nạn tranh giả trong những năm gần đây đã trở thành vấn đề nhức nhối trong giới mỹ thuật. Cho đến bây giờ thì thị trường tranh giả Việt Nam vẫn ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước.
Cùng quan điểm, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Từ câu chuyện 15/17 bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” được cho là tranh giả, cho thấy nạn tranh giả và vấn đề bảo vệ bản quyền mỹ thuật hết sức lỏng lẻo. Thực trạng đáng buồn này ảnh hưởng đến thanh danh của các nghệ sĩ đích thực, gây mất uy tín của thị trường mỹ thuật Việt Nam”.
Cần siết chặt quản lý
Ở Việt Nam, dù đã có những văn bản pháp lý ràng buộc như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Nghị định 113 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật… nhưng tính hiệu quả và tính khả thi chưa cao. Thực trạng tranh giả, tranh chép vẫn tràn lan, mất kiểm soát, ảnh hưởng không nhỏ đến không gian sáng tạo của người nghệ sĩ chân chính và uy tín của mỹ thuật nước nhà.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, một hậu quả có thể thấy rõ là “những năm gần đây thị trường tranh Việt đóng băng vì người nước ngoài không còn tin tưởng vào các giá trị thật của các tác phẩm được họ phát hiện, lưu giữ vì độ giả quá lớn. Cho tới nay vẫn chưa giải quyết được thị trường tranh giả này. Điều này cản trở rất nhiều cho tâm lý sáng tạo mới của thế hệ họa sĩ trẻ đương đại Việt Nam”.
Giữa thị trường tranh thật, tranh giả lẫn lộn, đã đến lúc các cơ quan quản lý phải thực sự vào cuộc, đi đến cùng sự việc để trả lời câu hỏi, phải chăng có một đường dây làm tranh giả đang phát triển rất mạnh và vẫn an toàn trong mấy thập kỷ qua tại Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Lan Hương mong rằng, ngành chức năng phải vào cuộc mạnh hơn, quyết liệt hơn để có kết luận rõ ràng, tạo niềm tin cho các nhà sưu tập chân chính chứ không thể bỏ qua một đường dây làm giả về nghệ thuật, càng không thể để tranh giả ung dung tồn tại công khai như thế.
Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) từ rất lâu đã khuyến nghị, mong ngóng các tác giả đến đăng ký bản quyền, bảo đảm tính hợp pháp cho “đứa con tinh thần” của họ, nhưng rất hiếm họa sĩ đến đăng ký. Từ những vụ việc này, các hoạ sĩ cần ý thức hơn nữa về tầm quan trọng của giải pháp bảo vệ hữu hiệu cho đứa con tinh thần của mình.