Jacqueline Kennedy (Jackie) ngoài việc được biết đến là vợ của Tổng thống thứ 35 Hoa Kỳ John F. Kennedy bà còn là biểu tượng của nữ quyền, một người vợ tài năng và bản lĩnh. Bà được rất nhiều phụ nữ không chỉ riêng nước Mỹ mà trên thế giới ngưỡng mộ.
Bởi Jackie đã là chứng nhân cho một thời kỳ đầy biến cố của lịch sử Mỹ thập niên 1960, thời kỳ "vùng lên" của chị em với lòng tự tôn để thể hiện lý tưởng về nữ quyền theo một cách rất khác: tự do lựa chọn và can đảm làm điều mình muốn.
Thế nhưng, khác với những hành động mạnh mẽ, trong đời sống tình cảm với cựu Tổng thống Mỹ Kennedy, Jackie lại làm ngơ với rất nhiều cô nhân tình của chồng.
Bản thân Jackie đã chủ động chọn một chàng Thượng nghị sĩ đào hoa, rồi chính bà cũng bằng tất cả tình yêu và công sức đẩy chồng tới gần hơn với cái ghế Tổng thống.
Nhưng đến khi Jackie được trở thành Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, bà lại chẳng màng đến danh hiệu cao quý này. Bởi chuỗi ngày gồng mình cố gắng làm ngơ với tính trăng hoa của chồng mình đã làm bà quá mệt mỏi.
Khi người làm vợ đã nhún nhường nhưng kẻ thứ 3 "tấn công" trước
Christopher Andersen, người viết tiểu sử cho hay, Jackie nhận biết rõ tình trạng hôn nhân của mình, nhưng bà sẵn sàng chịu đựng, chỉ cần Jack không làm gì quá đáng với vợ.
Sự chịu đựng đối với một người danh giá như bà là hết sức cần thiết. Nhưng không phải người làm vợ nào cũng có suy nghĩ chịu hi sinh để bảo vệ danh tiếng của chồng như Jackie.
Vợ chồng cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.
Trong danh sách những người tình của Jack, đối tượng làm Jackie phiền lòng nhất có lẽ là cô đào xinh đẹp Marilyn Monroe.
Không còn muốn ở trong bóng tối mãi, cô nàng này quyết định lên tiếng để đòi lấy một danh phận. Theo lời Andersen: "Marilyn như một khẩu súng thần công có thể phát nổ bất cứ lúc nào, gây ra một vụ bê bối làm mất danh tiếng của Kennedy cũng như phá hủy hôn nhân của Jackie".
Sự chịu đựng của người vợ bắt đầu bùng phát khi tình địch đích thân gọi điện thoại "khiêu chiến". Có lẽ, với cùng là thân phận phụ nữ với nhau, Marilyn đã chọn cách "tâm tình" để người "chị cả" như Jackie có thể hiểu hết nỗi lòng.
Monroe nói rằng Jack đã hứa sẽ cưới cô, thậm chí theo lời của cô diễn viên xinh đẹp này, Kennedy sẽ cùng tình yêu thật sự của đời mình rời xa nơi đây, sống yên bình ở một ngôi nhà khác.
Việc ngoại tình của chồng thì đã quá rõ ràng và cũng không phải là điều gì bất ngờ kinh khủng để Jackie hoảng hốt. Bà dùng "cái đầu lạnh" được đúc kết từ tháng ngày sóng gió với biết bao thâm trầm để đáp lại cô nhân tình của chồng rằng: "Cô sẽ cưới Jack, điều đó thật tuyệt và cô sẽ chuyển đến Nhà Trắng, đảm nhận trách nhiệm của Đệ nhất phu nhân. Còn tôi sẵn sàng nhường hết để cô có tất cả".
Một câu nói tưởng chừng như buông xuôi nhưng lại ẩn chứa một ý nghĩa vô cùng sâu xa. Với tâm thế của một Đệ nhất phu nhân, Jackie bình thản đối đáp như thể Marilyn chỉ là một hạt bụi nhỏ bé vô nghĩa.
Những thứ mà cô đào thông báo có vẻ như sẽ gây sốc cho người nghe ấy thì lại được Jackie đón nhận rất điềm nhiên. Ôi còn gì nực cười hơn khi bạn nói với người ta một chuyện kinh khủng mà người ta lại còn biết rõ hơn cả bạn!
Thất bại của kẻ thứ 3 có lẽ là đây. Không hiểu hết được vai trò và trách nhiệm của một người vợ là Đệ nhất phu nhân, háo hức muốn soán ngôi chính thất như một đứa trẻ ngây thơ, ngờ nghệch.
Jackie sẽ hoan hô, sẽ vỗ tay chúc mừng vì kì thực bà cũng đã mệt quá rồi, giờ có người làm thay há chẳng phải tốt quá sao! Việc tôi nhường thì tôi chẳng tiếc, nhưng cô có đủ bản lĩnh để giữ trong tay không mới là vấn đề. Và tin chắc rằng, đối đáp tình địch kiểu biết người, biết ta như Jackie không phải ai cũng làm được đâu nhé!
Vẫn trọn vẹn với chồng dù trái tim đã in hằn những vết thương
Dù vị cố Tổng thống Mỹ không thoát khỏi cám dỗ của những cô nàng quyến rũ vây quanh nhưng không thể phủ nhận 1 điều, Jack và Jackie đã có một tình yêu tuyệt vời.
Cho đến ngày ông bị ám sát, hình ảnh một người vợ từng bị chồng làm tổn thương vẫn vẹn tròn 4 chữ: Tình nghĩa vợ chồng.
Trong cuốn "Năm tháng cuối cùng của Jack với Jackie" được tái hiện bởi Christopher Anderson, chính cái ngày định mệnh ấy, sau một tiếng nổ lớn, khi toàn thân Kennedy bê bết máu thì Jackie đã ôm chặt ông vào lòng.
Mọi thứ đã quá muộn để cứu vãn, trong ánh mắt bối rối, ánh mắt cho đến sau này vẫn ám ảnh Jackie, Jack đã thốt lên những lời cuối cùng thật lòng mình nhất: "Anh yêu em".
Cặp đôi đã có những tháng ngày thật sự hạnh phúc.
Tại bệnh viện, khi Ladybird Johnson hỏi Jackie rằng bà có muốn thay bộ đồ Chanel màu hồng ướt đẫm máu không, Jackie đã từ chối. Bà giải thích: "Tôi muốn tất cả thế giới xem bọn chúng đã làm gì với chồng tôi".
Sau tất cả thì tình yêu thương chồng đã chiến thắng mọi thứ. Và cho đến lúc Jack cận kề cái chết, Jackie mới biết mình chưa bao giờ sai khi chọn người đàn ông này.
Hôn nhân là vậy, có tình yêu ngọt ngào nhưng không tránh khỏi những tổn thương, sai lầm, tha thứ rồi bao dung, nó như một vòng tuần hoàn bất biến. Dù bên ngoài có đánh giá câu chuyện của họ thế nào thì bản thân những người trong cuộc luôn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với những gì mình đang có, thế là đủ rồi.
Gói gọn trong người đàn bà ấy là một loạt các trạng thái đối nghịch: "Hạnh phúc lẫn khổ đau, say mê và lạc lối, hờn ghen rồi tha thứ, bảo thủ lẫn cởi mở, gương mẫu và nổi loạn, mềm yếu mà cứng rắn, khiêm nhường nhưng quyết liệt (dịch giả Nguyễn Bùi Quốc Dũng)".
Và chính sự giao thoa không tưởng giữa những sắc thái đối lập đã giữ quý bà Kennedy ở lại rất lâu trong tâm trí của hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới.