Liên tiếp xảy ra các vụ thảm sát: Do việc quản lý người nghiện bị buông lỏng?

Lại một vụ thảm án kinh hoàng làm 5 người chết, 1 người bị thương nặng, có liên quan đến ma túy xảy ra cuối tuần qua.

Đối tượng Chín tại cơ quan điều tra
Đối tượng Chín tại cơ quan điều tra

Tại cơ quan công an, đối tượng Hoàng Văn Chín ở xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, kẻ đã thảm sát vợ và 4 người khác đã khai nhận, nhiều lần dùng ma túy đá, mấy tháng qua liên tục bị mất ngủ, tâm lý bất ổn và luôn cảm thấy hoang mang, khó chịu.

Vì sao thời gian qua liên tục xảy ra những vụ thảm án làm rúng động dư luận liên quan đến đối tượng sử dụng ma túy? Cần làm gì khi phần lớn người nghiện đang ở cộng đồng và không thể có đủ cơ sở vật chất để đưa tất cả đi cai nghiện bắt buộc?          

Sau vụ thảm án khiến dư luận bàng hoàng, Công an tỉnh Thái Nguyên đã xác định được Hoàng Văn Chín ở xã Sơn Phú, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) là đối tượng thảm sát làm 5 người chết, 1 người bị thương nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra tội giết người.

Lật giở lại những vụ việc tương tự mới thấy tình trạng người nghiện ma túy đoạt mạng nhiều người ngày càng có mật độ dày đặc và đáng báo động hơn bao giờ hết.

Chỉ trong năm nay, đối tượng nghiện ma túy Nguyễn Hoàng Nam ở Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh dùng dao chém chết bố, mẹ đẻ, bà nội và một người thân khác. Cán bộ ngân hàng Trương Mạnh Tuấn ở Nghi Lộc, Nghệ An sát hại bố đẻ sau khi sử dụng ma túy tổng hợp. Trong cơn ngáo đá, đối tượng Trương Tín ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh dùng dao sát hại dã man bà ngoại, mẹ đẻ và dì ruột. Nhiều lái xe dương tính với ma túy điều khiển ô tô đâm chết người, trong đó, 8 người chết, 8 người bị thương khi đang đi đưa tang trên quốc lộ 5, huyện Kim Thành, Hải Dương...

Anh Lê Kim Tuân, 29 tuổi ở Yên Sơn, Tuyên Quang từng sử dụng ma túy đá cho biết: "Lúc sử dụng ma túy đá, khi ngủ cũng ôm dao bên người vì lúc nào cũng có cảm giác như có ai đó đang muốn giết mình. Không kiểm soát, không ý thức được hành vi là lúc sử dụng ma túy đá, thì những lúc đó hoang tưởng, ảo giác, mình cứ nghĩ đó là thật".

Người nghiện ma túy thường không kiểm soát được hành vi. Bình thường, trong cơn ngáo đá họ đã có những hành vi nguy hiểm cho chính bản thân như dùng tự cắt thịt, làm mình chảy máu, trèo lên cột điện, hay đứng chênh vênh trên những ngôi nhà cao tầng... Do đó, không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra khi họ có mâu thuẫn, xung đột với những người xung quanh.

Trong khi đó, trung bình cả nước chỉ có khoảng 10% trong số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được đưa vào các cơ sở cai nghiện tập trung. Điều đó có nghĩa là khoảng 90% số người nghiện có hồ sơ quản lý và toàn bộ số người nghiện chưa thể thống kê được đang sinh sống chung với cộng đồng.

Ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy cho rằng, công tác quản lý người nghiện ma túy đang bị buông lỏng.

"Việc quản lý người nghiện ở địa phương rất lỏng lẻo. Tôi đã gặp nhiều địa phương, cơ quan, ban ngành, mặc dù có kế hoạch nhưng hàng năm không được cấp kinh phí, dẫn tới việc vận hành hay theo dõi giám sát hoặc hỗ trợ bị hạn chế rất nhiều. Có thể nói tình trạng đá bóng từ cơ quan nọ sang cơ quan kia", ông Tuấn cho hay.

Ước tính số người nghiện ma túy tổng hợp, ma túy đá chiếm trên 70% tổng số người nghiện hiện nay và đang có chiều hướng gia tăng. Khi sử dụng, thời gian tồn tại của những loại ma túy mới này trong máu hoặc nước tiểu tối đa chỉ 72 giờ nên không dễ phát hiện người nghiện để quản lý. Vả lại, càng không thể có đủ cơ sở vật chất và kinh phí để đưa tất cả những người nghiện ma túy đi cai tại các trung tâm bắt buộc.

Theo bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, những người sử dụng ma túy luôn có lý do trước khi tìm đến chất gây nghiện này. Do vậy, tại các nước phát triển đã chia ra những mức độ can thiệp khác nhau.

Nhóm có nguy cơ lớn nhất là thanh thiếu niên đua đòi, dễ bị lôi kéo hoặc tìm đến ma túy như một phương thức lẩn tránh khỏi tác động của stress trong gia đình, trong môi trường học tập, trong tình yêu và trong công việc. Cần tập trung dự phòng tiên phát đối với nhóm này. Còn với những người đã sử dụng ma túy, cần có biện pháp can thiệp về tâm lý và điều trị để họ không tiếp tục sử dụng, không chạm ngưỡng loạn thần, ngáo đá.

Bà Khuất Thị Hải Oanh cho biết: “Chúng ta có những hiểu biết về khoa học rất rõ ràng rồi. Nghiện ma túy là bệnh của não bộ. Các cơ quan Liên hợp quốc đưa ra nhận định này người ta dựa vào bằng chứng rất xác thực. Đã là bệnh thì phải chữa. Việc trừng phạt không giúp cho người ta khỏi bệnh. Chúng ta nên học tập cách ứng xử với người nghiện ở nước ngoài”.

Để giảm số người nghiện và những vụ thảm án như vừa xảy ra ở Thái Nguyên cần tìm ra biện pháp quản lý, giúp đỡ, tiến hành điều trị cai cho người nghiện ngay tại cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay không ít nơi, chính quyền, ngành chức năng còn thờ ơ, “buông lỏng”, thậm chí rơi vào tình trạng lúng túng, bất lực.

Bởi lẽ việc quản lý người nghiện đang được giao cho 6 bộ ngành, cùng chính quyền địa phương 4 cấp. Thế nhưng trong các quy định hiện hành lại không phân rõ trách nhiệm, nên khi người nghiện gây ra những vụ thảm án thì các cấp, các ngành chỉ chạy theo để xử lý từng sự vụ.

Cùng với việc ngăn chặn ma túy xâm nhập thì đây là vấn đề đầu tiên cần phải thay đổi nếu muốn giải quyết được gốc gác của vấn đề người nghiện ma túy hiện nay.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ