Chiều 1/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Chân Mây, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc tiến hành thả một cá thể rùa quý hiếm nặng khoảng 14kg trở về môi trường biển.
Vào khuy 31-3, trong lúc đi đánh bắt hải sản ở vùng vịnh Chân Mây, huyện Phú Lộc, ngư dân Phan Thanh Giảng (ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh) phát hiện cá thể rùa này bị mắc kẹt ở bãi đá thuộc xã Lộc Vĩnh.
Thấy cá thể rùa trong tình trạng sức khỏe yếu nên anh Giảng đã tìm cách cứu cá thể rùa này và báo sự việc đến Cơ quan chức năng.
Ngư dân ở các xã ven biển tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phát hiện nhiều rùa biển quý hiếm đi vào bờ nên đã cứu hộ. |
Nhận tin báo, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Chân Mây đã cử CBCS cùng cán bộ UBND xã Lộc Vĩnh đến kiểm tra, qua đó xác định cá thể rùa có trọng lượng 14kg, dài hơn 1m, mai có hình oval đối xứng.
Xác định đây là cá thể rùa biển thuộc họ Vích (tên khoa học Chelonia mydas) có tên trong Sách đỏ Việt Nam, cấp độ nguy cấp EN cần được bảo vệ nên cơ quan chức năng và ngư dân đã tiến hành thả về biển.
Một cá thể rùa biển có tên trong sách đỏ Việt Nam, cấp độ nguy cấp (EN) được người dân cứu hộ để thả về biển. |
Trước đó, vào ngày 30/3, Đồn Biên phòng Lăng Cô và chính quyền địa phương, ngư dân cũng đã thả một cá thể rùa biển nặng 8kg, dài 55cm, mai rộng 40cm thuộc họ Vích trở lại biển. Cá thể rùa này được ngư dân Hoàng Văn Hướng (45 tuổi, ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) phát hiện mắc vào lưới đánh cá khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Lăng Cô vào lúc 7h sáng cùng ngày nên đã cứu hộ.
Tương tự, sáng 26/3, ông Huỳnh Ngọc Ngữ (ở thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) trong lúc đi kiểm tra hồ nuôi trồng thủy sản của gia đình cũng đã phát hiện cá thể rùa biển thuộc họ Vích có thân dài 60cm, mai rộng 45cm hình oval, vân gạch, trọng lượng 18 kg bơi trong hồ. Ngay sau đó, ông Ngữ đã phối hợp với chính quyền địa phương thả cá thể này về biển.
Ngư dân và lực lượng chức năng cùng phối hợp thả rùa biển quý hiếm trở lại biển khơi. |
Theo lãnh đạo Chi cục thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế, các cá thể rùa biển đi lạc vào bờ biển hoặc ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân đều có tên trong sách đỏ Việt Nam, cấp độ nguy cấp (EN) cần được bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt.
Do đang bước vào mùa rùa biển đẻ trứng nên rùa thường dạt vào bờ biển tìm bãi đẻ, sau đó vì sức khỏe yếu nên đã bị mắc cạn, mắc lưới ngư dân hoặc bị mắc kẹt trong bãi đá. Vì thế, khi phát hiện rùa biển, người dân cần thông báo đến chính quyền địa phương để có biện pháp cứu hộ kịp thời.