Liên minh taxi Việt: Hợp nhất để cạnh tranh

GD&TĐ - Với 12.000 xe, có mặt tại hơn 40 tỉnh thành, “Liên minh taxi Việt” vừa ra mắt tại Hà Nội. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Liên minh taxi Việt là cơ hội để taxi truyền thống cạnh tranh với taxi công nghệ. Để có thể chinh phục người dùng, các hãng taxi phải tạo ra chất lượng dịch vụ tốt hơn, áp dụng kinh tế chia sẻ và công nghệ số.

Trước đó, tháng 10/2018, ba hãng taxi lớn nhất Hà Nội là Ba Sao, Thành Công, Sao Hà Nội đã hợp nhất thành “G7 taxi” để cạnh tranh với taxi công nghệ
Trước đó, tháng 10/2018, ba hãng taxi lớn nhất Hà Nội là Ba Sao, Thành Công, Sao Hà Nội đã hợp nhất thành “G7 taxi” để cạnh tranh với taxi công nghệ

Không tăng giá giờ cao điểm

Đầu tháng 10/2018, 3 hãng taxi lớn nhất Hà Nội là Ba Sao, Thành Công, Sao Hà Nội đã hợp nhất và lấy thương hiệu chung là “G7 taxi”. Sau khi hợp nhất, G7 taxi có số lượng xe nhiều nhất Hà Nội với 3.000 chiếc. G7 taxi chung một hệ thống điều hành, phần mềm dịch vụ, quản lý (App) và có trách nhiệm đầu tư phát triển thương hiệu, thị trường, thu phí quản lý thương hiệu. Giám đốc hãng taxi Ba Sao Vũ Quốc Huy cho biết, từ những tiện ích trên, với 700 xe, mỗi ngày trung bình hãng nhận hơn 5.000 cuộc gọi, kết nối của khách, tăng 20 đến 30% so với trước. Do giảm được chi phí quản lý, điều hành nên giá cước rẻ hơn thị trường. G7 taxi cũng giữ ổn định giá cước này với mọi khung giờ và không tăng giá vào giờ cao điểm hay khi mưa, bão…

Số lượng đơn vị vận tải taxi tham gia Liên minh taxi Việt đến nay là 17 đơn vị với khoảng 12.000 đầu xe, lớn nhất cả nước. Kế hoạch trong các năm tới, liên minh tiếp tục phát triển số lượng thành viên ra tất cả các tỉnh thành. Tại khu vực Hà Nội, liên minh ban đầu có 6 thành viên gồm các hãng taxi Thanh Nga, Vạn Xuân, Thăng Long, Sao Mai, Long Biên, Quê Lụa. Dự kiến trong tháng 12, liên minh khu vực Hà Nội sẽ kết nạp thêm các hãng taxi Open99, VIC… nâng số lượng phương tiện lên hơn 4.000 đầu xe. Tất cả các hãng gia nhập Liên minh taxi Việt đều được cam kết 2 nội dung hoạt động cơ bản: Khách hàng sẽ được kết nối đến với lái xe trong vòng từ 1 đến 2 phút và không tăng giá cước trong giờ cao điểm.

 

Có thể thấy, trước khi có thương hiệu G7 taxi, hầu hết các hãng taxi Việt đều đã xây dựng phần mềm gọi xe thông minh để cạnh tranh với taxi công nghệ. Tuy nhiên, do dịch vụ, cách thức hoạt động, đặc biệt là giá cước không đổi mới nên hầu hết các phần mềm này rơi vào tình trạng chết yểu. Sự ra đời của Liên minh taxi Việt đang phản ánh xu thế liên kết để phát triển giữa các hãng taxi truyền thống trong nước, sau một thời gian dài loay hoay tìm cách sinh tồn trước sự cạnh tranh khốc liệt của Uber, Grab.

Chủ tịch Liên minh taxi Việt Nguyễn Tấn Mùi cho biết, liên minh chính là sự liên kết, hợp tác giữa các hãng taxi truyền thống nhằm tạo ra một thị trường vận tải hành khách mới có sự cạnh tranh công bằng hơn. Mục tiêu hoạt động, liên minh cũng được cam kết là mang lại dịch vụ tốt nhất cho hành khách. “Với phương châm hoạt động trên, giữa tháng 4/2018 đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 12 đơn vị vận tải taxi và thống nhất lấy tên là Liên minh taxi Việt. Sau lễ ký kết hợp tác, Liên minh taxi Việt được VCCI ra quyết định thành lập và kết nạp là một tổ chức thành viên của VCCI. Tính đến thời điểm đầu tháng 11/2018, Liên minh taxi Việt đã có mặt tại 40 tỉnh, thành trong đó có Hà Nội và TPHCM”, ông Mùi nói.

Hiện có tới 17 đơn vị vận tải taxi tham gia “Liên minh taxi Việt”
  • Hiện có tới 17 đơn vị vận tải taxi tham gia “Liên minh taxi Việt”

Ứng dụng công nghệ Việt

Đề cập đến hình thức gọi xe, ông Nguyễn Tấn Mùi cho hay, cùng với cách gọi taxi truyền thống (gọi qua tổng đài hoặc bắt xe trực tiếp trên đường), tất cả các xe tham gia Liên minh taxi Việt đều cải đặt ứng dụng (App) gọi xe công nghệ có tên là EMDDI. Phần mềm này do các chuyên gia, nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu và phát triển. Đây là nền tảng kết nối giữa các đơn vị vận tải và không tham gia điều hành kinh doanh như Grab.

Với công nghệ này, khách hàng sẽ được kết nối với lái xe trong thời gian từ 1 đến 2 phút. Cùng với các chức năng như gọi xe như ứng dụng nước ngoài, EMDDI còn có ưu điểm là tất cả các hãng taxi của Liên minh taxi Việt đều sử dụng chung một ứng dụng, nhưng trong ứng dụng này khi hành khách bật lên để gọi xe thì phầm mềm hiện tên từng hãng taxi thành viên để hành khách lựa chọn. Dự kiến trong năm 2019, liên minh đặt kế hoạch tăng độ phủ lên 63 tỉnh thành, đồng thời kết nạp thành viên để đạt số lượng trên 20.000 xe. Liên minh taxi Việt cũng dự kiến sẽ triển khai hoạt động thanh toán online trong thời gian tới.

Ứng dụng EMDDI để gọi xe của “Liên minh taxi Việt”

Để Liên minh taxi Việt trở thành thương hiệu taxi Việt và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ứng dụng nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đề nghị, ngoài những tiện ích về công nghệ, Liên minh taxi Việt nên linh động và minh bạch về giá cước taxi. “Các hãng taxi tham gia Liên minh taxi Việt cần có sự điều chỉnh giá cước kịp thời, khi giá xăng dầu lên xuống. Việc tham gia ứng dụng công nghệ giúp xe của các hãng có ứng dụng EMDDI có thể điều chỉnh giá cước theo thị trường, không nhất thiết phải chờ làm xong các thủ tục rườm rà như taxi truyền thống hiện nay”, ông Quyền nhấn mạnh.

Trước việc xâm nhập mạnh mẽ của các taxi công nghệ nước ngoài, việc các hãng taxi Việt hợp nhất để lớn mạnh hơn là một xu thế đúng đắn. Đây là các giải pháp giúp cho các hãng taxi Việt giảm bớt chi phí, bộ máy cồng kềnh. Từ đó có điều kiện đầu tư cho phương tiện, chất lượng dịch vụ và ứng công nghệ trong công tác điều hành, quản lý. Đây được coi là sự đổi mới của các hãng taxi truyền thống trước sự cạnh tranh khốc liệt của Grab và nhiều hãng xe ứng dụng sớm về công nghệ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.