Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 của Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ lần thứ 6 lại muốn xóa sổ hoàn toàn “xe hợp đồng điện tử”, buộc Grab phải gửi thư “kêu cứu” tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cuộc chiến giữa taxi công nghệ và truyền thống sẽ ra sao?
Không quản được thì cấm?
Còn nhớ, sau khi đề xuất được Thủ tướng chấp thuận, tháng 1/2016 Bộ Giao thông Vận tải chính thức cho Grab taxi hoạt động thử nghiệm ở Việt Nam. Grab taxi trở thành luồng gió mới tiên phong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách đối với xe dưới 9 chỗ. Nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, với số lượng 175.000 xe, có mặt ở 30 tỉnh, thành, Grab đánh bật taxi truyền thống. Loại hình vận tải này đang trên đà phát triển, nhưng bất ngờ Bộ Giao thông Vận tải lại có ý định “xóa sổ” loại hình vận chuyển này.
Ngay sau khi có Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, Giám đốc Công ty TNHH Grab Lim Yen Hock đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và cho rằng, những quy định này đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính; đồng thời, phủ nhận sạch trơn hiệu quả từ mô hình vận tải của taxi công nghệ mà bấy lâu nay doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi. Đặc biệt, nếu “xóa sổ” taxi công nghệ, đồng nghĩa với việc taxi quay lưng với khoa học công nghệ, với kỷ nguyên 4.0.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần quản lý cả 5 loại hình hoạt động vận tải hiện nay bằng công nghệ chứ không chỉ với xe hợp đồng và xe du lịch.
Nhà giáo ưu tú, GS Từ Sỹ Sùa (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng: “Lẽ ra, Bộ Giao thông Vận tải phải ra được quy chế hoạt động cho Grab trước, sau đó mới cho thí điểm và phải nhìn nhận loại hình dịch vụ này như thế nào, là taxi hay xe hợp đồng. Qua thí điểm, lượng xe taxi công nghệ tăng lên ồ ạt, bằng số lượng taxi hiện có, khiến cho mật độ giao thông tăng”.
“Theo quan điểm của tôi, quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống sẽ quá chặt, trong đó có một số nội dung làm cho doanh nghiệp vận tải vất vả về thời gian và chi phí, như kiểm định đồng hồ mỗi năm một lần… Lái xe phải qua khóa huấn luyện nghiệp vụ, văn hóa ứng xử. Trong khi đó, lái xe taxi công nghệ không cần. Về mặt thời gian, chất lượng phương tiện, tôi cho là ổn. Tuy nhiên, cái nào liên quan đến tính mạng con người, chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn cho hành khách thì phải quản lý chặt. Còn nhận diện thương hiệu taxi công nghệ nên là logo, chứ không phải mào, đồng hồ tính tiền cơ học như taxi truyền thống là không cần thiết, bởi ngay khi đặt xe, khách đã biết số tiền phải trả là bao nhiêu rồi”, GS Sùa nhấn mạnh thêm.
|
Đảm bảo hài hòa lợi ích
Anh Vũ Duy Hưng, lái xe Grab chia sẻ: “Có lẽ trong quá trình phát triển, do không lường hết được sự thay đổi rất nhanh của cách mạng 4.0 nên đã dẫn đến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa taxi công nghệ và truyền thống. Bộ Giao thông Vận tải đưa ra Dự thảo “xóa sổ” Grab là không đúng với quy luật cạnh tranh. Cùng với Grab, G7 taxi ra đời là một sự thích ứng, phát triển và cạnh tranh lành mạnh trong cơ chế thị trường. Ba hãng taxi truyền thống đã hợp lại, tự làm mới mình bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, đã tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho lái xe”.
“Tôi cho rằng, chúng ta quản lý phải đảm bảo 4 lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp, khách hàng và người lao động – lái xe. Mục tiêu là phục vụ khách hàng tốt hơn. Cơ chế thị trường khách hàng là thượng đế, cho nên, taxi công nghệ và truyền thống phải cùng cạnh tranh trong một môi trường lành mạnh. Nhà nước đóng vai trò tạo lập môi trường chung ấy. Không có lý do gì, taxi công nghệ phát triển như vậy mà taxi truyền thống không phát triển theo, nếu không, hoạt động vận tải sẽ không có sự cạnh tranh. Trong thời đại 4.0, bắt buộc taxi truyền thống phải đổi mới mình để thích ứng với sự thay đổi của xã hội, phải ứng dụng khoa học công nghệ trên mọi lĩnh vực đời sống”, theo GS Từ Sỹ Sùa.
Đứng ở góc độ người dân, hưởng thụ từ dịch vụ taxi, anh Trương Hải, hướng dẫn viên Hanoitourism cho biết: “Thường xuyên sử dụng Grab, tôi cũng còn chút băn khoăn, đó là vấn đề giá của taxi công nghệ. Nhà nước quản lý giá taxi truyền thống thông qua đồng hồ tính tiền, đăng ký giá. Hãng thay đổi giá trên 5%, phải đăng ký thuế. Nhưng taxi công nghệ, giá của nó đắt gấp 3-4 lần giá bình thường, nếu đi vào giờ cao điểm. Việc linh hoạt giá giữa cung với cầu, hệ số giá thay đổi quá lớn, làm cho khách hàng bất ngờ, chán, quay lưng với taxi công nghệ.
Cùng một đoạn đường, có hôm chiều đi chỉ hết 155.000 đồng -160.000 đồng, nhưng chiều về cao điểm giá lên đến 350.000 đồng. Khuyến mại cũng phải có nguyên tắc chứ không phải thả nổi như Grab hiện nay. Nhưng chúng tôi cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước phải tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, công khai, công bằng. Cách doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải phát triển theo hướng bền vững, không được chụp giật, không được dùng tiểu xảo, không được dựa vào anh này quản lý chặt, mình chưa bị quản lý chặt thì tranh thủ lách luật”.
Đưa taxi công nghệ vào quản lý như taxi truyền thống liệu có phải là một giải pháp hoàn hảo hay không, khi con người đang ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ vào mọi lĩnh vực đời sống? Grab taxi và Hiệp hội Taxi Hà Nội đang cần câu trả lời minh bạch và môi trường kinh doanh cạnh trạnh lành mạnh, công bằng.