Tiêm kích tàng hình J-35 mang tên lửa PL-17 đặt thách thức mới

GD&TĐ - Tiêm kích J-35 của Trung Quốc mang tên lửa PL-17 tầm 400 km trong khoang kín, tăng khả năng diệt mục tiêu trọng yếu mà vẫn giữ được tàng hình.

Tiêm kích tàng hình J-35 mang tên lửa PL-17 đặt thách thức mới

Trung Quốc vừa đạt bước tiến quan trọng trong hiện đại hóa không quân khi tích hợp thành công tên lửa không đối không tầm xa PL-17 vào khoang vũ khí bên trong của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-35.

Theo các nguồn tin quốc phòng Trung Quốc được South China Morning Post dẫn lại, đây là bước phát triển đột phá giúp J-35 thực hiện nhiệm vụ tấn công sâu mà vẫn duy trì khả năng tàng hình, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng với các đối thủ.

Tên lửa PL-17: Mũi nhọn đánh vào “mắt thần” của đối phương

PL-17 là một trong những tên lửa không đối không tiên tiến nhất của Trung Quốc, với chiều dài 5,73 mét và tầm bắn ước đạt 300–400 km (chưa được Bắc Kinh xác nhận).

Tên lửa này được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao như máy bay cảnh báo sớm (AWACS), máy bay tiếp dầu và nền tảng tác chiến điện tử – vốn là trụ cột trong năng lực chỉ huy và điều phối của không quân hiện đại.

Việc tích hợp PL-17 vào khoang bên trong giúp J-35 duy trì thiết kế tàng hình khi khai hỏa, tránh bị radar đối phương phát hiện sớm.

Một số nguồn tin cho biết J-35 có thể mang đến 4 tên lửa PL-17 với cánh gập, hoặc 2 quả nếu dùng loại cánh cố định – một thành tựu kỹ thuật đáng chú ý do trước đây PL-17 từng bị cho là quá lớn để chứa trong khoang kín.

PL-17 được trang bị đầu dò radar chủ động, dẫn đường quán tính, có thể nhận chỉ thị mục tiêu giữa hành trình nhờ liên kết dữ liệu từ các máy bay hoặc hệ thống khác, giúp J-35 không cần kích hoạt radar và giữ được vị trí ẩn.

J-35: "Át chủ bài" mới của Trung Quốc trong chiến lược A2/AD

A2/AD (Anti-Access/Area Denial – tạm dịch là “chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực) là một chiến lược quân sự nhằm ngăn chặn hoặc làm chậm đáng kể khả năng tiếp cận và hoạt động tự do của đối phương trong một khu vực cụ thể.

Tiêm kích J-35 do Tập đoàn máy bay Thẩm Dương phát triển, có nguồn gốc từ nguyên mẫu FC-31. Máy bay có thiết kế tàng hình với các đường viền gấp khúc, tấm ốp răng cưa và lớp vật liệu hấp thụ sóng radar.

Trang bị động cơ phản lực đôi WS-19, J-35 có thể bay siêu thanh không cần đốt hậu (supercruise), tăng tầm hoạt động và hiệu quả nhiên liệu. Hệ thống điện tử gồm radar mảng pha quét chủ động (AESA), hệ thống quang điện tử và cảm biến hồng ngoại toàn hướng cho phép phát hiện và tác chiến trong môi trường đe dọa cao.

Khoang vũ khí chính dài khoảng 7,3 mét giúp J-35 mang các loại vũ khí tầm xa như PL-17 mà không ảnh hưởng đến khả năng tàng hình – một điểm vượt trội so với các tiêm kích cũ vốn phải treo tên lửa ngoài thân.

Các chuyên gia nhận định, việc J-35 có thể tiêu diệt AWACS, máy bay tiếp dầu từ xa mà không bị phát hiện và làm tê liệt năng lực điều phối và tiếp vận của đối phương, tạo điều kiện cho các đòn tấn công kế tiếp từ máy bay J-20 hay tàu chiến mang tên lửa siêu vượt âm.

tiem-kich-tang-hinh-j-35-mang-ten-lua-pl-17-dat-thach-thuc-moi-cho-doi-thu2.jpg

So sánh với F-35 Mỹ và hệ quả chiến lược

Dù có hình dáng tương đồng với tiêm kích F-35 của Mỹ, J-35 được cho là tập trung nhiều hơn vào khả năng chiếm ưu thế trên không và tấn công tầm xa, thay vì đa nhiệm như F-35.

Trong khi F-35 mang được 4 tên lửa AIM-120 AMRAAM (tầm khoảng 180 km), J-35 có thể mang PL-17 với tầm gấp đôi, tạo ra lợi thế trong không chiến ngoài tầm nhìn (BVR).

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn đặt câu hỏi về mức độ tàng hình và độ tin cậy thực tế của J-35 do thiếu dữ liệu công khai và kinh nghiệm chiến đấu.

Ông Peter Apps – chuyên gia quốc phòng viết trên Reuters – nhận xét: “Với bí mật luôn bao quanh các công nghệ quân sự Trung Quốc, chúng ta chưa thể chắc chắn về hiệu năng thực sự của J-35”.

Ngoài ra, J-35 cũng được cho là một phần trong chiến lược A2/AD của Trung Quốc nhằm ngăn cản hoặc làm chậm sự can thiệp của Mỹ và đồng minh tại các điểm nóng.

Theo Defence Security Asia, J-35 có thể được triển khai trên tàu sân bay Type 003 Fujian mới nhất của Trung Quốc.

Một số nguồn tin cũng cho rằng Pakistan sẽ là khách hàng xuất khẩu đầu tiên, dự kiến nhận máy bay J-35A đầu năm 2026.

Cạnh tranh công nghệ và câu hỏi còn bỏ ngỏ

Trong khi Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất và triển khai nhanh chóng (Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có khoảng 200 chiếc J-20 năm 2024), Mỹ vẫn đang phát triển thế hệ máy bay tiếp theo NGAD, nhưng đối mặt với thách thức ngân sách và tiến độ.

Dù đạt bước tiến lớn về kỹ thuật, năng lực thực chiến của J-35 vẫn chưa được kiểm chứng. Trung Quốc từng gặp khó trong sản xuất động cơ phản lực nội địa, phải dựa vào động cơ Nga trên nguyên mẫu FC-31.

Dòng WS-19 hiện nay tuy cải thiện đáng kể, nhưng vẫn là ẩn số về độ bền và hiệu suất khi tác chiến dài ngày.

Như ông Apps lưu ý, Mỹ vẫn có lợi thế về kinh nghiệm chiến đấu, liên minh toàn cầu và công nghệ kiểm chứng. Tuy nhiên, sự vươn lên nhanh chóng của Trung Quốc đặt ra bài toán cấp bách về duy trì ưu thế trên không.

Theo BM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ