Nga đang hiện đại hóa tiêm kích MiG-31 bằng việc trang bị tên lửa không đối không KS-172 có tầm bắn vượt trội, theo trang Army Recognition ngày 20/5.
Đây được xem là bước tiến quan trọng giúp khôi phục vai trò chiến lược của dòng tiêm kích này trong bối cảnh không chiến hiện đại.
MiG-31, với biệt danh “Foxhound” (chó săn cáo/chồn) do NATO đặt, được phát triển từ những năm 1980 để thay thế MiG-25, nổi bật với tốc độ tối đa Mach 2.83 và trần bay hơn 20.000 mét.
Trang bị radar mảng pha Zaslon-M, MiG-31 có thể theo dõi cùng lúc 24 mục tiêu và tấn công 8 trong số đó.
Phiên bản mới nhất của MiG-31 – có thể là MiG-31BM hoặc MiG-31K – giờ đây được tích hợp tên lửa KS-172, một loại vũ khí có khả năng thay đổi cục diện chiến trường.
Theo chuyên gia quân sự Nga Konstantin Sivkov, KS-172 có tầm bắn hơn 400 km – vượt xa các loại tên lửa phương Tây như AIM-120D của Mỹ (khoảng 180 km) hay PL-15 của Trung Quốc (khoảng 300 km).
Ông Sivkov cũng cho biết thiết kế nhỏ gọn của KS-172 giúp tăng tính linh hoạt trong cấu hình vũ khí và có thể triển khai trên nhiều nền tảng khác.
Tên lửa KS-172 từng bị ngừng phát triển do khó khăn ngân sách và kỹ thuật, nhưng nay được hồi sinh như một phần trong chiến lược tăng cường năng lực phòng không tầm xa của Nga, nhấn mạnh vào thu nhỏ hóa vũ khí và cải tiến động cơ.
Việc MiG-31 được trang bị KS-172 đồng nghĩa với việc Nga có thể tấn công phủ đầu các mục tiêu giá trị cao như AWACS, máy bay tiếp dầu hoặc máy bay tàng hình từ khoảng cách ngoài tầm hoạt động hiệu quả của chúng.
Điều này gây khó khăn cho các chiến dịch không kích từ xa của NATO và Mỹ, đồng thời tăng cường thế trận chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Nga tại các khu vực như Bắc Cực, Đông Âu và Thái Bình Dương.