Lên kế hoạch cho đời sinh viên

GD&TĐ - Đây là nội dung TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng (ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) - chia sẻ với các sinh viên năm nhất trong chương trình “Chào tân sinh viên 2016” tổ chức sáng 28/9.

Lên kế hoạch cho đời sinh viên

Nhấn mạnh chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường, hoạt động theo nguyên tắc cung cầu, lấy cạnh tranh làm lực đẩy, TS Lê Thẩm Dương thẳng thắn chia sẻ: Kinh tế thị trường là mua bán, đi xin việc là “bán mình”; do đó, trong 4 năm học, sinh viên phải tạo ra giá trị, “có cái để bán”. Để thực hiện được điều này, sinh viên phải lên kế hoạch cho bản thân mình.

Để lên kế hoạch, việc đầu tiên theo TS Lê Thẩm Dương là phải ấn định được mục tiêu. Mà để làm được điều này, sinh viên cần biết chính xác mình là ai qua việc đánh giá lại nguồn lực bản thân xem kiến thức, kĩ năng, thái độ của mình đến đâu? Phẩm chất cá nhân của mình như thế nào?

Sau khi đã ấn định mục tiêu, việc tiếp theo cần làm là liệt kê ra các công việc cụ thể. Mỗi sinh viên với nguồn lực khác nhau sẽ có những công việc khác nhau. Cần tùy nguồn lực để liệt kê công việc cho hợp lý.

Mở rộng vấn đề này, TS Lê Thẩm Dương đưa lời khuyên: Sinh viên năm nhất thường thờ ơ với các môn đại cương như Triết học, Tâm lý… Đó là điều vô cùng đáng tiếc. Triết học là để giải quyết những vấn đề chiến lược. Tâm lý để giải quyết vấn đề chiến thuật. Học tập trong năm nhất vô cùng quan trọng. Các bạn phải học quyết liệt ngay từ năm đầu.

Việc thứ 3 cần làm là sắp xếp các công việc vào thức nhóm, bố trí thời gian hợp lý để thực hiện.

Với những bước này, TS Lê Thẩm Dương đặc biệt chú trọng năng lực hành động “Nhà trường, cha mẹ, thầy cô đóng vai trò quan trọng, nhưng bản thân bạn mới là yếu tố quyết định. Tài năng là do để tâm, không phải do thông minh” - TS Lê Thẩm Dương đưa lời khuyên.

"Công tác định hướng cho sinh viên năm nhất đặc biệt quan trọng. Nếu sinh viên năm nhất được định hướng một cách chính xác và khoa học, được trang bị những kĩ năng cần thiết ngay từ khi mới nhập trường thì chắc chắn tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường phải làm trái nghề hoặc chưa tìm được việc làm sẽ giảm thiểu tối đa".
Nhà báo Nguyễn Huy Lộc - Tổng Biên tập báo Sinh viên Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ