Lên bản gọi trò

GD&TĐ - Sau mỗi dịp nghỉ Tết, giáo viên ở huyện vùng cao Tân Uyên (Lai Châu) lại đôn đáo “ngược ngàn” để lên bản gọi trò.

Nhiều học sinh không đến trường sau Tết.
Nhiều học sinh không đến trường sau Tết.

Nếu không gọi thì có em sẽ nghỉ hẳn, ở nhà “dựng vợ, gả chồng”. Trách nhiệm của nhà giáo cứ thế lại nâng thêm một bậc...

Thầy không gọi, trò chẳng đi!

Ngày 8/2, học sinh trên địa bàn huyện Tân Uyên quay trở lại trường sau thời gian dài nghỉ Tết. Thế nhưng, trong ngày đầu tái giảng, tỷ lệ chuyên cần của học sinh trên địa bàn chỉ đạt trên 74%. Có đến hơn 4.000 học sinh nghỉ học.

Ông Vũ Trường Tới, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên, cho biết: “Qua rà soát, nhiều trường có số học sinh nghỉ cao. Phòng đã chỉ đạo các trường phối hợp với đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp”.

Năm học này, Trường THCS Hố Mít có 288 học sinh. Trong ngày đầu tái giảng, chỉ có 76 em đến trường. Thầy Trịnh Hải Ngàn, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Trước Tết, chúng tôi đã tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh về lịch học. Ngày gặp mặt đầu xuân, trường cũng cử giáo viên lên bản vận động. Tuy nhiên, đến sáng 9/2 chỉ có hơn 26% học sinh có mặt”.

Con đường đi vận động học sinh của thầy, cô giáo Trường THCS Nậm Sỏ (Tân Uyên).
Con đường đi vận động học sinh của thầy, cô giáo Trường THCS Nậm Sỏ (Tân Uyên).

Theo thầy Ngàn, nhiều em vẫn còn ham chơi sau Tết. Cùng với đó, kể từ khi Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực thi hành, việc học của 210 học sinh bán trú ở đây có sự xáo trộn. Vì thế, từ trước Tết, tỷ lệ chuyên cần thường xuyên duy trì ở khoảng 80%.

Tại Trường THCS Nậm Sỏ, chỉ có 266/781 học sinh đi học trở lại vào ngày đầu tiên. Đến ngày 10/2, cũng chỉ có 352 em đến lớp, đạt trên 45%. Tương tự, 3 trường trên địa bàn xã Tà Mít cũng có tỷ lệ học sinh đến trường ngày đầu tiên đạt khoảng 50%.

Thầy Hoàng Đình Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Tà Mít, chia sẻ: Số lượng học sinh của trường chưa đi học trở lại còn đông là do một số em theo bố mẹ về quê ăn Tết chưa lên. Cùng với đó, một số phụ huynh chưa hiểu biết rõ về dịch bệnh nên còn tâm lý e ngại khi cho con em đến trường.

Giáo viên Trường THCS Nậm Sỏ đến nhà vận động học sinh.
Giáo viên Trường THCS Nậm Sỏ đến nhà vận động học sinh.

Gian nan lên bản kiếm trò

Đến nhà vận động học sinh không còn là việc xa lạ đối với giáo viên vùng cao. Bởi lẽ nếu không làm sẽ có rất ít học sinh tự giác trở lại trường đúng thời gian quy định. Có nhiều em nghỉ thêm 1 tuần, thậm chí nửa tháng sau mới đi học trở lại. Cá biệt, từng có không ít em bỏ hẳn việc học nếu như thầy, cô giáo không kiên trì vận động.

Được giao phụ trách địa bàn bản Mít Nọi (xã Hố Mít), cô Mai Thị Hương Hảo, giáo viên Trường THCS Hố Mít, chia sẻ: “Bản có 45 học sinh, nhưng mấy hôm đầu chỉ có 10 em đi học. Sau khi chúng tôi đến vận động, gần 30 học sinh quay trở lại trường. Chúng tôi vẫn đi vận động tiếp, khi nào các em ra lớp đủ mới thôi!”.

Theo chia sẻ của cô Hảo, dân cư trong xã đa phần là đồng bào dân tộc Mông. Điều kiện kinh tế của bà con nơi đây còn khó khăn. Nhiều gia đình thiếu lao động chính. Các em có thể phụ giúp việc vặt trong gia đình nên sau kỳ nghỉ Tết, không ít em ở nhà hẳn để lên nương phụ giúp cha mẹ. Có trường hợp ở nhà rồi lập gia đình sớm. Vì thế, việc vận động học sinh đến trường thêm phần gian nan.

“Có những học sinh bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có 3, 4 anh em phải tự nuôi nhau. Một số gia đình đông con, rất nghèo, không có tiền để cho con em theo học. Rồi việc mất chế độ bán trú đã làm cho một số em không có cơ hội để đến trường” – cô Hảo nói.

Trước đây, 210/288 học sinh của Trường THCS Hố Mít thuộc diện bán trú. Khoảng cách từ nhà đến trường khoảng 7 - 8km. Đường vào một số bản của xã Hố Mít còn khó khăn nên nếu không có chế độ bán trú, các em phải tự túc nơi ăn, chốn ở hoặc tự đi – về mỗi ngày. Như vậy, việc học của các em lại thêm phần gian nan.

“Chúng tôi yêu cầu giáo viên phối hợp với đoàn thể, chính quyền địa phương vào vận động học sinh. Nhưng tỷ lệ học sinh đến trường học vẫn còn thấp. Hết tuần đầu tiên tái giảng mới chỉ có gần 65% học sinh đi học” – thầy Trịnh Hải Ngàn nói.

Lớp có 45 học sinh. Biết trước việc các em ngại đến trường nên sau Tết, thầy Nguyễn Tiến Quỳnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A3, Trường THCS Nậm Sỏ lên trường sớm hơn dự kiến để đi chúc Tết gia đình, nhân tiện vận động các em ra lớp. Tuy nhiên, mấy hôm sau mới chỉ có hơn 50% học sinh ra lớp.

Cũng theo thầy Quỳnh, bản Khau Hỏm cách trường khoảng 20km. Để trở về nhà, các em phải vượt qua nhiều quãng đèo, dốc quanh co, nguy hiểm. Vì thế, mỗi khi giáo viên “xuất hành” lên bản vận động đều mặc định: “Phải hết tuần sau em mới ra được”.

“Mỗi em một hoàn cảnh khác nhau và có những em đặc biệt khó khăn. Nếu không đến tận nơi, giáo viên chúng tôi sẽ không hiểu hết trò. Và nếu không kiên trì vận động, nhiều học sinh sẽ không quay trở lại trường” – thầy Quỳnh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…