Bắt nhịp việc học sau Tết: Vào mùa “thầy đi tìm trò”

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại một số địa phương, đặc biệt khu vực miền núi thường xảy ra tình trạng học sinh (HS) nghỉ, bỏ học do vui chơi lễ hội hoặc tham gia lao động, phụ giúp gia đình kiếm sống.

Sau Tết giáo viên miền núi thường vất vả duy trì sĩ số. Ảnh minh họa/INT
Sau Tết giáo viên miền núi thường vất vả duy trì sĩ số. Ảnh minh họa/INT

Mặc dù, các trường đã đẩy mạnh hàng loạt giải pháp bảo đảm sĩ số, ổn định trường lớp, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng trên. 

Nỗi lo sau Tết

Thầy Phạm Công Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa – Quảng Trị) chia sẻ: Tình trạng HS nghỉ học sau Tết dài ngày diễn ra nhiều năm qua và trường chưa có cách giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân bởi đây là thời điểm địa phương bước vào mùa thu hoạch cây đót. Mỗi ngày nghỉ học, HS vào rừng có thể kiếm từ 30 - 40kg đót tươi và bán giá 4.000 đồng/kg. Như vậy, HS sẽ có thu nhập 120.000 – 160.000 đồng/ngày; 20 - 30 ngày nghỉ học thu hoạch đót, HS kiếm được vài triệu. 

“Đây là mức thu nhập hấp dẫn với HS dân tộc (85% HS của trường là người Vân Kiều) để giúp đỡ gia đình. Thậm chí, có HS muốn đi học nhưng gia đình cũng cho nghỉ học tạm thời để kiếm sống. Nhiều năm qua, tỉ lệ HS trở lại trường sau Tết chỉ được 60%. Có HS nghỉ liền mạch cả tháng, có em đi học vài ba buổi lại nghỉ…” – thầy Phạm Công Hiền cho biết. 

Theo thầy Nguyễn Xuân Toàn – Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà – Lào Cai), HS dân tộc chiếm 82,3% toàn trường (trong đó HS dân tộc Mông chiếm 44%). Sau Tết tại Bắc Hà, có nhiều lễ hội truyền thống như: Xuống đồng, Gầu Tào…  tác động đến tâm lý và tỉ lệ chuyên cần của HS trong việc trở lại trường. Còn không ít HS nghỉ học 2 - 3 ngày hoặc sáng đi học chiều nghỉ để vui chơi, tham dự lễ hội.

Một số huyện vùng cao của Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Đắk Lắk, Quảng Trị… việc duy trì sĩ số HS sau Tết ở khối THCS, THPT khá vất vả bởi các em ở lứa tuổi đã có thể phụ giúp gia đình lao động, địa phương bước vào thời điểm làm đồng, trồng cây vụ xuân... 

Thậm chí, nhiều bố mẹ đưa con đi làm ăn xa cả tháng mới quay lại địa phương để HS tiếp tục học. Một số em học lực yếu, lưu ban dẫn đến chán nản, ngại đi học, ở nhà phụ giúp gia đình lao động, sản xuất.

HS trường PTDTBT TH Tả Ván (Quản Bạ - Hà Giang) trong điệu múa sạp. Ảnh: Đức Trí
HS trường PTDTBT TH Tả Ván (Quản Bạ - Hà Giang) trong điệu múa sạp. Ảnh: Đức Trí

Không để trò nghỉ học vì khó khăn

Thầy Phạm Công Hiền bày tỏ: Đời sống của bà con dân tộc nghèo khó, nên có “cơ hội” kiếm tiền, HS thường bị cuốn theo. Đây là thực tế khó thay đổi dù nhà trường đã tiến hành các giải pháp để nâng cao tỉ lệ chuyên cần HS sau nghỉ Tết. Chất lượng giáo dục cũng vì thế bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên theo thầy Hiền, việc quan trọng mà nhà trường hướng tới là cố gắng duy trì sĩ số. Không thể vì HS nghỉ, bỏ học sau Tết mà cho thôi học. Như vậy một mặt HS dân tộc bị thiệt thòi trong giáo dục, mặt khác nhiều HS sẵn sàng thôi học nếu không được tạo điều kiện quay lại trường lớp... 

Thầy Dương Văn Đông – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh - Hà Giang) cho biết: Sau Tết, việc huy động 100% HS trở lại trường lớp ở mỗi cấp bậc học có khó khăn riêng. Với HS mầm non, tiểu học… các em bị xáo trộn nền nếp khi nghỉ học dài ngày và có tâm lý ngại học, thích ở nhà. HS dân tộc lứa tuổi THCS, THPT lại có thể bỏ học phụ giúp gia đình tăng gia sản xuất vụ mùa. Mặt khác, các em cũng bị tác động từ bạn bè, tư tưởng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, thậm chí không trừ trường hợp sau Tết vẫn còn hiện tượng HS bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm. 

Theo cô Bùi Thị Minh Khuyên, GV Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Pa Ủ (huyện Mường Tè – Lai Châu), 100% HS là người dân tộc La Hủ, nhiều em nhà xa trường, điều kiện đi lại, liên lạc khó khăn; phong tục tập quán bản địa ăn sâu, bám rễ tác động tới việc học tập của HS dân tộc là khó tránh. Quan trọng là nhà trường phải chủ động đưa ra giải pháp kéo HS trở lại trường lớp. 

Những năm trước đây, tỉ lệ HS trở lại trường lớp chỉ đạt mức 80 - 90%. Nhưng hiện nay, khi thầy cô vào tận bản đón HS ra lớp chỉ có em không may ốm, bệnh chưa ra lớp, còn lại đều đi học đầy đủ. Năm trước, tỉ lệ HS Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Pa Ủ đến trường sau Tết đạt tới 90 - 95% và tăng đạt 100% những ngày sau đó. “Nếu không có giải pháp quyết liệt, sự tận tụy của GV  chắc chắn khó thay đổi được thực trạng nghỉ, bỏ học sau Tết của HS dân tộc”– cô Khuyên nói.

Kinh nghiệm hơn 20 năm dạy học và quản lý tại trường học vùng cao huyện Yên Minh, thầy Dương Văn Đông cho rằng: Việc HS chưa ra lớp đầy đủ sau nghỉ Tết dài ngày, phần vì học kém ngại đến trường, mải chơi hoặc phải giúp bố mẹ đi làm nương. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do phụ huynh chưa thật sự quan tâm, động viên việc học hành của con. Vì thế HS vốn đã ngại học, thiếu tự giác lại càng không muốn trở lại trường học. Khi nào GV đến tận nơi gọi thì đi học rất miễn cưỡng. Không gọi thì không đi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.