Họ đã có mấy chục năm vợ chồng, có ba người con chung và cũng chưa bao giờ ký vào đơn ly hôn. Vậy mà nhìn nhau lần cuối thôi bà cũng không chịu, kể cả khi con cái van xin. Thế là đám tang của ông, người ta nói về chuyện lo cho ông an nghỉ thế nào thì ít, mà lại hỏi nhau về bà nhiều hơn.
Họ chưa bao giờ là biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi nhưng hơn hai chục năm đầu, hôn nhân của họ cũng không lấy gì nhàm chán đến nỗi phải lạnh lùng, phải hận với nhau như thế. Cứ nghĩ trải qua cùng nhau nhiều năm hôn nhân như thế, khi con đã lớn, khi họ đã sang bên kia dốc cuộc đời thì có thể đánh dấu mốc cho sự thành công của hôn nhân. Hóa ra có những cuộc hôn nhân bị “chết ở phút 89”, chết để rồi không có hẹn gặp lại kiếp sau, thậm chí mang cả nỗi hận về thiên thu.
Ở cái tuổi năm mươi, bà không còn ham muốn thể xác nữa, và cũng không thể, không muốn đáp ứng nhu cầu ấy của chồng. Nhưng người chồng gần sáu mươi vẫn hừng hực khát khao, vẫn mơ một giấc mộng đêm hè. Đã nhiều lần bà cảm thấy mình như bị cưỡng bức và trở nên cay cú, hậm hực. Bà cầu mong ông ra ngoài bóc bánh trả tiền, bà không giận, không ghen, miễn là để bà được giải thoát khỏi nghĩa vụ vợ chồng ấy.
Nỗi niềm lúc đầu được chôn giấu, bởi bà cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, không dám bày tỏ chuyện tế nhị ấy với người ngoài, càng không bao giờ nghĩ tới chuyện tìm cách hỗ trợ từ những chuyên gia tư vấn. Người chồng cũng chẳng như bao nhiêu người đàn ông khác, khi thấy vợ xuống dốc thì tìm thú vui ngoài gia đình, mà cứ cương quyết cho rằng là vợ thì không được chạy trốn chồng. Thế là một bên cứ trốn tránh, còn một bên thì cứ tìm tới đòi hỏi người kia phải thực hiện nghĩa vụ vợ chồng.
Cho tới khi không chịu được nữa, bà gào lên trong đêm, khi ở phòng bên kia, các con đang ngủ cũng phải bật dậy. Và đã nhiều lần, nghe tiếng mẹ kêu thì con trai của họ đã bật đèn sáng choang cả nhà như một cách “cứu mẹ”. Họ tự ngầm hiểu với nhau như thế và không đủ can đảm, cũng như sự tinh tế để chia sẻ thêm với nhau. Khi các con biết chuyện thì bà càng cảm thấy nhục nhã, còn ông lại càng cảm thấy mình bị “vu khống thành bệnh hoạn”.
Bà sợ hãi trốn tránh đến ở nhờ nhà em gái. Ông đến tận nơi tìm và la mắng em vợ rằng “Cứ làm như tôi là một thằng bệnh hoạn vậy. Chúng tôi là vợ chồng cơ mà”. Nhưng họ chẳng tìm tới bác sĩ, chuyên gia tư vấn. Họ cũng chẳng tự soi lại mình để cùng nhìn lại, để cùng thấu cảm cho người kia. Ai cũng mặc nhiên cho rằng, người kia phải hiểu mình, phải chấp nhận mình. Bà không bao giờ chấp nhận tìm tới biện pháp hỗ trợ, bởi bà cho rằng mình đã lớn tuổi, mình đã có thể “nghỉ hưu” trong vấn đề đó, điều đó chẳng có gì là hay ho mà phải cố gắng, đó chỉ là thú vui tầm thường…
Ông cho rằng, ông có lang chạ với người ngoài đâu mà ông phải xấu hổ, và ông còn mặc cảm tự ái vì bị bà tránh mặt, mà không cố cảm thông cho nỗi khổ của vợ. Vậy là có những điều đã từng rất thiêng liêng bỗng trở thành ghê tởm… khi họ đã bị lệch pha với nhau.
Đỉnh điểm của nỗi oán hận là một lần khi con cái không có ở nhà, đã không có ai bật đèn sáng giữa đêm, đã không có điều gì để ông phải dừng lại. Và bà thấy ghê tởm như mình bị cưỡng bức tàn bạo. Bà không chịu nổi sự hành hạ ấy.
Cuối cùng bà quyết sống ly thân. Hai căn nhà vẫn sát cạnh nhau. Bà vẫn lạnh lùng cay nghiệt khi ai đó nhắc tới ông. Còn ông vẫn thỉnh thoảng phơi chuyện đó cho thiên hạ nghe, ông nói rằng ông chẳng có gì sai cả, họ là vợ chồng. Có khi ông còn chửi đổng sang rằng, bà là người có vấn đề nên mới biến mọi chuyện trở nên trầm trọng như thế. Còn bà thì gào lên “tôi bị ông cưỡng bức nhiều lần còn chưa đủ sao”.
Đã hơn chục năm họ sống ly thân. Khi ông ốm nặng, con cái có sang thưa chuyện, nghĩ vì tình nghĩa xưa, mong bà sang thăm ông lúc cuối đời. Nhưng bà vẫn cương quyết không sang, bởi bà không bao giờ muốn nhìn mặt người đàn ông ấy nữa. Lúc nghe tin ông đã nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn lặng thinh. Ai cũng nghĩ rồi bà sẽ sang, dù không nhìn nhau lần cuối, cũng có thể thắp cho nhau nén hương. Vậy mà khi người ta rước quan tài ông ngang qua, bà vẫn lặng thinh trong nhà, vẫn chăm chú nhìn vào truyền hình.
Tại sao hai người trong hôn nhân có thể trở nên xa lạ và thù hận với nhau đến thế, mà lại chỉ từ việc lệch pha tình dục. Tại sao lại đau xót đến thế? Đã từng là vợ chồng, có ai không từng có cảm xúc lệch pha nhau. Nhưng chắc chắn không chỉ vì lệch pha thể chất mà người ta phải xa lạ với nhau như thế.
Giá như cả ông và bà biết điều tiết lại cách ứng xử, chia sẻ với nhau nhiều hơn, cởi mở hơn thì có lẽ hôn nhân của họ không phải kết thúc trong nỗi ghê sợ như thế! Có những điều rất nên chia sẻ, rất nên nói ra, rất nên tìm kiếm tư vấn và hỗ trợ thì người ta lại cho là không cần thiết, không cần cố gắng, hoặc cho là tế nhị không nên nói.
Có những điều lẽ ra cần bỏ qua, không nên nói lại thì người ta lại nhắc lại quá nhiều lần và lại chấp chước quá lâu! Có rất nhiều người vượt qua lệch pha thể xác, bởi họ không lệch pha về tâm hồn.