Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, nếu một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới được ký kết, cần phải kể đến cả kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ, Nga và Trung Quốc, cũng như việc phát triển các vũ khí chiến lược mới nhất của Nga. Ngoài ra, Moscow nên đưa cả vũ khí hạt nhân phi chiến lược vào Hiệp ước.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các hệ thống tên lửa mới “Sarmat” và “Vanguard” của Nga cần phải tuân theo Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START).
Ông Esper cho rằng không chỉ Mỹ và Nga mà cả Trung Quốc cần tham gia ký kết một thỏa thuận mới về việc kiểm soát vũ khí.
Trung Quốc đã phản ứng với đề xuất của Mỹ về khả năng tham gia một thỏa thuận giải trừ hạt nhân trong tương lai. Theo đó, Bắc Kinh khẳng định sẽ không ký kết những hiệp ước như vậy.
Trung Quốc cho rằng không có lý do hay điều kiện nào để tham gia vào một cuộc thảo luận ba bên liên quan đến vũ khí hạt nhân với Mỹ và Nga.
Hiệp ước START-3, được ký vào năm 2010, hiện vẫn là hiệp ước hạn chế vũ khí duy nhất giữa Nga và Mỹ. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào năm 2021. Trước đó, có thông tin rằng sau khi rút khỏi Hiệp ước INF, Mỹ có thể sẽ rút khỏi START-3 mà không ký kết một hiệp ước mới.