Sinh viên chất lượng cao khó tìm việc
Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH, ngành sư phạm tại Trường ĐH Hồng Đức được triển khai từ năm 2018. Có 4 ngành được mở, đào tạo gồm: Sư phạm toán, vật lý, ngữ văn và lịch sử.
Kết quả tuyển sinh trong giai đoạn 2018-2022 có tổng 239 sinh viên tại 4 ngành. Khóa 2018-2022, đã có 22 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 11 sinh viên xếp loại xuất sắc, 11 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
Tuy nhiên, hiện nay số sinh viên chất lượng cao đã tốt nghiệp nêu trên vẫn đang loay hoay đi tìm việc. Có người thì xin đi dạy hợp đồng, có người đang đi tìm việc khác.
Bạn H.V.Ngh. hiện đang dạy hợp đồng ở một trường THPT của huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, cho biết: Ban đầu, khi được tuyển sinh vào trường, Ngh. cũng như các SV khác được hứa hẹn là: “Nếu trúng tuyển sau này sẽ được ưu tiên sắp xếp việc làm”. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, Ngh. và các bạn cùng khóa với mình đều tự đi liên hệ tìm việc làm.
“Em cảm nhận mình là người may mắn, vì sau khi tốt nghiệp, được nhà trường nhận vào dạy hợp đồng, được các thầy, cô giáo bố trí nhà công vụ cho em ở. Cùng ra trường với em, có nhiều bạn không xin được đi dạy hợp đồng như em, mà phải đi làm nghề khác.
Vì thế, em xác định, trước mắt, cứ cố gắng dạy thật tốt và trau dồi kiến thức cho mình. Còn sau này, nếu có đơn vị nào tổ chức thi để tuyển dụng, thì sẽ tham gia dự thi như các trường hợp khác. Em cũng đang hy vọng, ngôi trường này sẽ có chỉ tiêu tuyển dụng, để em phấn đấu thi tuyển và gắn bó với nghề mà mình đã chọn”, H.V.Ngh. tâm sự.
Tuy nhiên, Ngh. cũng tâm sự rằng, trong 2 năm đầu sau khi đăng ký vào học ngành sư phạm chất lượng cao, Ngh. được nghe thông tin sau khi tốt nghiệp sẽ được bố trí việc làm. “Thế nhưng, từ năm 3 trở đi, do không biết quy chế hay sao mà nhà trường chỉ nói được ưu tiên tuyển dụng, chứ không phải là được ưu tiên sắp xếp việc làm”, Ngh. chia sẻ.
Thầy Tạ Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết, thầy giáo Ngh. có trình độ và nghiệp vụ sư phạm khá tốt. Hiện, thầy Ngh đang dạy môn Văn ở trường. Theo hợp đồng, mỗi tháng thầy Ngh. được nhà trường trả lương hơn 3,8 triệu đồng (sau khi trừ các khoản đóng góp bảo hiểm XH, BHYT...). Ngoài ra, thầy Ngh. tham gia dạy thêm vào các buổi chiều, nên hàng tháng có tổng mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng.
Không thể đặc cách trong tuyển dụng viên chức
Tháng 7/2022, Trường ĐH Hồng Đức có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành chức năng đề nghị xây dựng kế hoạch tuyển dụng sinh viên đã tốt nghiệp từ Đề án.
Tỉnh Thanh Hóa đã giao các sở, ngành, đơn vị có liên quan trên cơ sở đề nghị của Trường ĐH Hồng Đức, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, nhu cầu sử dụng giáo viên của tỉnh hiện nay, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.
Trước đó, ngày 2/4/2018, ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản về việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án “Đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, ngành sư phạm tại Trường ĐH Hồng Đức”.
Theo đó, để triển khai có hiệu quả Đề án, thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào học các ngành sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án nêu trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và các đơn vị có liên quan, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, kịp thời bổ sung nguồn giáo viên chất lượng cao cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Chỉ tiêu tuyển dụng là 20 chỉ tiêu/ngành/năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030. Việc tuyển dụng viên chức phải thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở GD&ĐT Thanh Hóa, việc tuyển dụng viên chức phải tuân thủ quy định tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP, ngày 5/12/2017 và Nghị định 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ.
Điều 2, Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ, quy định:
1. Sinh viên tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục ĐH ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc ĐH, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Đạt giải Ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học) và khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ) trong thời gian học ở cấp THPT.
b) Đạt giải Ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp THPT hoặc bậc ĐH.
c) Đạt giải Ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc ĐH được Bộ GD&ĐT công nhận.
Đối với sinh viên tốt nghiệp từ đề án chất lượng cao, thì đầu ra hầu hết không đúng đối tượng theo quy định, nên không thể đặc cách được. Tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo giao Sở GD&ĐT và các huyện, nếu có tuyển dụng, thì thông tin cho các sinh viên tốt nghiệp từ đề án trên biết, để tham gia tuyển dụng giống như sinh viên các trường khác.
Theo Sở GD&ĐT, đối với THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, so với biên chế tỉnh giao còn thiếu 280 giáo viên, còn theo định mức quy định của tỉnh còn thiếu 530 giáo viên.
Nỗi trăn trở của SV sư phạm
Là SV sư phạm Tiểu học năm thứ 2 của Trường ĐH Hồng Đức, em V.T.C. cho hay, khi thi đậu vào trường, các em được hưởng theo chế độ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP.
Theo đó, mỗi tháng V.T.C. được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
“Năm ngoái, em và các bạn cùng khóa được nhận tổng số tiền hơn 32 triệu đồng. Trước khi nhận tiền phụ cấp, chúng em phải ký giấy cam kết và nộp về nhà trường. Theo nội dung trong bản cam kết, thì sau khi học xong, tốt nghiệp ra trường, nếu trong vòng 2 năm mà không xin được việc làm trong ngành giáo dục, thì em phải bồi hoàn lại số tiền mà nhà nước đã hỗ trợ.
Còn nếu các em xin được việc làm trong ngành giáo dục, thì các em phải công tác tối thiểu là 8 năm. Trường hợp, nếu em đã xin được việc làm trong ngành giáo dục mà không dạy đủ thời gian tối thiểu 8 năm, thì phải bồi hoàn theo quy định”, C. chia sẻ.
Cũng theo em V.T.C., mặc dù các em đang theo học ngành sư phạm, được nhà nước hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt hàng tháng rất thuận lợi, nhưng trong lòng cũng khá lo lắng. Bởi lẽ, sau này ra trường, liệu có xin được việc làm trong các trường học hay không.
“Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều sinh viên đang học sư phạm như em. Bởi vì, trước đó có nhiều anh, chị đã theo học ngành sư phạm chất lượng cao, nhưng khi tốt nghiệp, cũng không xin được việc làm trong các trường học. Nhiều anh, chị phải đi xin nghề khác để làm, đang khiến cho các em khá lo cho tương lai của mình sau khi tốt nghiệp”, C. tâm sự.