Khi thư sinh làm thương nhân
Trương Ứng Minh sinh năm 1993, tốt nghiệp cử nhân lịch sử thế giới tại Trường ĐH KHXH&NV TPHCM năm 2015. Hiện tại anh đã hoàn thành xong chương trình thạc sĩ cùng chuyên ngành và học tiếp cử nhân Luật học. Anh từng tham gia nhiều dự án nghiên cứu về lịch sử và khoa học xã hội do các Viện nghiên cứu tại TPHCM chủ trì.
Với lý lịch khoa học tương đối “nặng ký” so với những người trẻ cùng tuổi, ai cũng nghĩ chàng sinh viên nhân văn này là người sinh ra để theo đuổi sự nghiệp hàn lâm kinh viện. Tuy nhiên, ngay sau khi mới ra trường, Ứng Minh đã dấn thân vào thương trường rất sớm. Cột mốc khởi nghiệp đầu tiên của anh được đánh dấu bằng sự kiện mở một cửa hàng online, lấy tên gọi “Cổ nghệ thương phẩm”.
Theo lý giải của Minh, “cổ nghệ” là từ Hán Việt để chỉ những sản phẩm có hơi hướng hoài cổ, phục vụ cho thú chơi tao nhã của giới văn nhân nghệ sĩ. Ví dụ như văn phòng tứ bảo (bút, nghiên, mực, giấy), triện, bộ đồ dùng để pha trà…
“Do chúng tôi là những người yêu thích lịch sử, văn hóa cổ như thư pháp, thư họa, đồng thời cũng có sở thích sưu tầm những đồ dùng về thư pháp (bút lông, con dấu bằng đá, bằng đồng) hoặc các loại đồ vật trang trí mang phong cách cổ xưa (ngọc bội, sách thẻ tre…), nên ý tưởng kinh doanh các món đồ này đã ra đời” – anh Minh giải thích.
Từ tháng 8 năm 2015, Trương Ứng Minh tiến hành hợp tác với Nguyễn Đình Triển, một sinh viên y dược mới ra trường. Họ bắt đầu săn tìm nguồn hàng ở Trung Quốc, lên website nước ngoài như taobao, alibaba đặt hàng, rồi nhờ công ty trung gian chuyển hàng từ Trung Quốc về. Thời gian đầu, do vốn ít, hai bạn trẻ phải cân nhắc rất nhiều về quyết định kinh doanh. Riêng bản thân Minh, anh dựa vào kiến thức chuyên ngành và hiểu biết về thị trường để nhận định giá trị sản phẩm và phán đoán nhu cầu của những người học thích chữ Hán, mê thư pháp, muốn trải nghiệm cảm giác “chơi” đồ cổ.
Sản phẩm văn phòng tứ bảo |
Am hiểu cổ nghệ từng li
Chậm rãi mài mực, chấm nghiên, viết chữ, Trương Ứng Minh sử dụng bút lông chẳng khác gì một nho sinh thời trung đại. Anh vừa cười vừa nói: “Trước khi chúng tôi mở cổ nghệ thì thị trường chỉ có người thích chơi, chứ chưa ai biết phân chia các loại văn phòng tứ bảo theo đặc điểm hay công dụng”.
Bút lông có hai loại cứng và mềm. Bút lông cứng làm từ lông sói, gấu, chồn. Bút lông mềm chủ yếu làm từ lông dê. Hiện tại, cổ nghệ bán với giá dao động từ 15-100 nghìn đồng/cây, kèm theo các phụ kiện khác. Riêng giấy xuyến để viết chữ cũng có ba loại. Giấy thục chỉ dày, khó thấm. Giấy sinh chỉ khá mỏng, ăn mực, dễ lem. Và giấy bán sinh bán thục được nhiều người ưa chuộng. Cổ nghệ có nhận đơn hàng bán lẻ xấp 10 tờ khổ to, giá 100 nghìn đồng và cây giấy dài 100m, giá 750 nghìn đồng. Đối với mực tàu, Minh phải thử từng thỏi, thỏi nào không gây mùi hôi mới bán cho khách.
“Văn phòng tứ bảo rất dễ kinh doanh, song triện thì rất khó” – anh Minh khẳng định. Vì Việt Nam không có làng nghề thủ công chế tác triện nên nhà sản xuất Trung Quốc phải nhập đá nguyên từ Việt Nam về chế tác, rồi bán sản phẩm ngược trở lại. Triện thường được thiết kế theo nhu cầu của khách hàng, có hai loại là triện bằng đá trơn và triện có điêu khắc hình tì hưu, rồng, lân, giá bán dao động từ 300 nghìn đến hơn 1 triệu đồng tùy kích cỡ và độ tinh xảo.
Khách hàng yêu cầu rất cao về mẫu mã và chất lượng triện. Theo Ứng Minh thống kê, đơn hàng văn phòng tứ bảo chiếm tỷ lệ cao, nhưng đóng góp đáng kể vào doanh thu hàng năm lại là sản phẩm triện. Hiện cổ nghệ đang hướng sản phẩm triện đến đối tượng khách hàng tiềm năng là doanh nghiệp tư nhân.
Gian khó để lập nghiệp
Sản phẩm triện
Ứng Minh cũng cho biết doanh thu hiện tại của Cổ nghệ thương phẩm là 500 triệu đồng/năm.
Mặc dù bước đầu kinh doanh gặt hái rất nhiều thuận lợi nhưng Minh cũng lường trước những khó khăn và khiếm khuyết của ngành cổ nghệ hiện nay để phòng ngừa rủi ro cho sự nghiệp của mình.
Theo anh Minh, có rất nhiều người ăn theo ngành cổ nghệ, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ lẻ tẻ, vì lợi nhuận trước mắt, họ không muốn liên kết thành một hệ sinh thái kinh doanh, mà lại cạnh tranh lẫn nhau, trong khi sản phẩm này có thể là đầu vào của sản phẩm kia và ngược lại. Việc giành giật thị trường cổ nghệ còn nhỏ bé khiến cho họ “sớm nở tối tàn”. Đó là chưa kể nhiều người nhập được máy làm đá về và họ bắt đầu bán phá giá.
Để vượt qua khó khăn, anh Minh cho rằng: “Mình chỉ có thể cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, ưu đãi nhiều hơn, chăm sóc khách hàng tận tâm hơn. Quan trọng là duy trì được lượng khách hàng thân thiết và chạy quảng cáo thật tốt”.