Lấp khoảng trống nhân lực vùng khó

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tình trạng thiếu giáo viên ngày càng trở thành “gánh nặng” đối với giáo dục vùng khó Lai Châu. 

Điểm bản của trường Tiểu học Tủa Sín Chải, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ (Lai Châu).
Điểm bản của trường Tiểu học Tủa Sín Chải, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ (Lai Châu).

Để lấp khoảng trống nhân lực, việc đưa ra các giải pháp“mềm dẻo” thu hút giáo viên bản địa hoặc đang công tác nơi khác về cống hiến vô cùng hữu ích.

Về xuôi “mang theo” chất lượng vùng khó

Đầu tháng 2/2023, nhóm phóng viên báo GD&TĐ về thăm Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu). Chuyến công tác này, nhóm đã không gặp được thầy giáo trẻ Nguyễn Tiến Phương (quê Hà Tĩnh) bởi đã chuyển về quê dạy học. Thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng nói: “Nhờ bài báo viết về tâm tư của thầy Phương trên báo GD&TĐ nên thầy ấy vừa được chuyển về quê…”.

Thầy Chuyền trầm tư: “Giáo viên chuyển vùng sau thời gian dài gắn bó với vùng cao là chính đáng. Kết thúc năm học trước, trường có 3 thầy cô chuyển đi. Cả 3 đều là giáo viên dạy giỏi, cốt cán của trường. Trong đó thầy Phương là giáo viên giỏi cấp tỉnh và thầy Nguyễn Văn Đại là nguồn Phó Hiệu trưởng nhà trường…”.

Thầy Phạm Văn Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà tiếp lời: “Họ đều là giáo viên lâu năm, có kinh nghiệm rèn học sinh giỏi. Năm trước, khi các thầy cô này chưa chuyển, trường đều có học sinh giỏi, năm nay trường không có nữa…”.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn cũng trong tình cảnh tương tự. Theo thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng, tính riêng năm 2022, đơn vị này có đến 4 giáo viên đã chuyển về quê. “Những giáo viên chuyển trường đều có kinh nghiệm, dạy giỏi, chuyên môn cao và có thành tích trong ôn thi học sinh giỏi… Chính vì thế, khi họ chuyển đi đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nhà trường…”, Bảo nói.

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn, trong 4 năm (từ 2019 – 2022) đã có 118 giáo viên chuyển vùng và thôi việc. Trong đó, có 88 giáo viên chuyển vùng công tác. Riêng năm 2022, có 24 giáo viên chuyển vùng và 9 giáo viên xin thôi việc.

Thầy Nguyễn Tiến Phương đã chuyển về quê sau 15 năm gắn bó với giáo dục vùng cao.

Thầy Nguyễn Tiến Phương đã chuyển về quê sau 15 năm gắn bó với giáo dục vùng cao.

Lý giải việc giáo viên chuyển và nghỉ quá nhiều, ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, nguyên nhân chính bởi phần lớn các thầy cô quê ở các tỉnh dưới xuôi. Họ lên cống hiến cho giáo dục vùng cao, sau khi được biên chế và đủ năm công tác lại xin chuyển. Một phần nguyên nhân khác bởi chế độ đãi ngộ giáo viên không cao, cộng thêm ảnh hưởng của Quyết định số 861, khiến nhiều giáo viên bị giảm lương, nguồn thu hụt đáng kể. Khi các tỉnh dưới xuôi xây dựng kế hoạch tiếp nhận giáo viên để bù lấp khoảng trống cũng là cơ hội để giáo viên vùng cao chuyển về.

“Giáo viên đủ điều kiện chuyển vùng về gần với gia đình chúng tôi vẫn tạo điều kiện. Tuy nhiên, họ chuyển đi trong hoàn cảnh thiếu giáo viên đã ảnh hưởng đến việc ổn định đội ngũ nhà trường. Cùng đó, chất lượng giáo dục cũng ảnh hưởng bởi số người chuyển đi đa số có kinh nghiệm. Khi tuyển giáo viên mới phải mất thời gian để họ làm quen với phong tục tập quán, hiểu tâm, sinh lý học sinh vùng cao thì mới giảng dạy hiệu quả”, ông Vũ Tiến Hóa cho biết thêm.

Ông Trần Quang Tráng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn cho biết: “Tình trạng giáo viên xin chuyển về quê cũng là khó khăn của giáo dục Nậm Nhùn. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu chuyển vùng của giáo viên, chúng tôi còn tuyên truyền, vận động để các thầy cô tiếp tục gắn bó với giáo dục vùng cao. Qua đó, duy trì số lượng và đảm bảo chất lượng giáo dục”.

Trường Mầm non Mường So, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Trường Mầm non Mường So, xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Gánh nặng chữ “thiếu”

Nhiều thầy cô chuyển công tác nên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn đang rơi vào hoàn cảnh thiếu giáo viên. Trường có 24 lớp với 576 học sinh, nhưng chỉ có 28 giáo viên, thiếu 8 giáo viên so với quy định. Không những thế, trường đang “trống” giáo viên Tin học và Ngoại ngữ.

“Đối với môn Tiếng Anh, trường được giáo viên trường THCS về dạy tăng cường. Môn Tin học, trường cử 1 giáo viên thành thạo tin học tạm thời giảng dạy. Các môn còn lại, trường khuyến khích giáo viên tăng giờ và thực hiện phụ đạo kiến thức học sinh vào buổi tối…”, thầy Lê Đình Chuyền chia sẻ.

Thầy Quàng Văn Hùng đang là giáo viên dạy Tiếng Anh Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Chà. Theo quy định, mỗi tuần thầy Hùng giảng dạy 17 tiết, nhưng hiện dạy 22 tiết ở trường THCS và thêm 8 tiết ở Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà. “Tôi giảng dạy 30 tiết/tuần, gần như không có thời gian nghỉ. Song, vì nhiệm vụ tôi cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo chương trình học của cả 2 trường với môn Tiếng Anh…”, thầy Hùng chia sẻ.

Theo kết quả rà soát đến 10/2022, toàn huyện Nậm Nhùn thiếu hơn 120 giáo viên. Đặc biệt thiếu giáo viên môn Tin học, 19 trường tiểu học và THCS chỉ có 5 giáo viên. Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Trong thời gian tới, tình trạng thiếu giáo viên sẽ tiếp tục xảy ra, nhất là các môn Tin học và Ngoại ngữ. Vừa qua, huyện tổ chức thi tuyển giáo viên, hai môn này đều không có hồ sơ dự tuyển”.

Tại huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới Mường Tè, “giữ chân” giáo viên cũng không đơn giản. 5 năm qua, địa phương có gần 140 giáo viên chuyển vùng, trong đó 20 người xin thôi việc với nhiều lý do. Năm học này, 30 giáo viên xin chuyển vùng và thôi việc. Đầu năm học 2022 – 2023, huyện thiếu 126 giáo viên so với biên chế, thiếu hơn 160 giáo viên theo định mức quy định. Dù địa phương đã cố gắng tuyển dụng, nhưng đầu năm học chỉ tuyển được 38 người. Còn thiếu 88 giáo viên mầm non và THCS.

Tính đến tháng 2/2023, ngành Giáo dục huyện Tân Uyên thiếu 150 biên chế (trong đó giáo viên thiếu 120 người). Trong hoàn cảnh nhân lực còn khoảng trống thì một số giáo viên chuyển vùng và thôi việc tại địa phương vẫn gia tăng. Riêng năm 2022, huyện Tân Uyên có đến 34 giáo viên chuyển công tác và 21 người thôi việc.

Tiết dạy của thầy Quàng Văn Hùng tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà.

Tiết dạy của thầy Quàng Văn Hùng tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên cho biết: “Việc thiếu giáo viên còn tính đến các tình huống như: Giáo viên nữ nghỉ chế độ thai sản, ốm đau và các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn toàn ngành. Cùng đó, nhiều trường hợp xin nghỉ không lương. Trong 1 năm, từ tháng 8/2021 – 8/2022 có đến 16 giáo viên huyện Tân Uyên xin nghỉ không hưởng lương do đang trong quá trình tìm việc mới phù hợp”.

Cơ hội cho giáo viên địa phương

Trước tình trạng thiếu giáo viên, nhiều người xin chuyển vùng, thôi việc, một số huyện của Lai Châu đã có giải pháp linh hoạt để bù lấp. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng người bản địa.

Sau 8 năm ra trường, thầy Hỏ Văn Hùng, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn đã hiện thực hóa ước mơ trở thành thầy giáo tại Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Chà. “Em tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc từ năm 2014, đã trải qua một số công việc nhưng em vẫn muốn gắn bó với nghề sư phạm. Khi huyện có chỉ tiêu tuyển giáo viên Lịch sử, em đã đăng ký và được tuyển”, thầy Hỏ Văn Hùng cho biết.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đến các trường sư phạm để tuyên truyền, mời sinh viên lên cống hiến trên Nậm Nhùn. Đồng thời, địa phương mong muốn sẽ có cơ chế nâng lương cho giáo viên nói chung và giáo viên ở vùng cao nói riêng. Như thế mới có thể “giữ chân” nhà giáo ở vùng cao Nậm Nhùn…” – Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn trao đổi.

Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn thông tin: “Về lâu dài, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, huyện đã chỉ đạo các trường trên địa bàn tiếp tục định hướng nghề nghiệp cho học sinh, trong đó có nghề sư phạm. Cùng đó, huyện đã tham mưu cử tuyển giáo viên Tiếng Anh và Tin học, tăng cường tuyên truyền để có đội ngũ giáo viên địa phương ổn định, gắn bó lâu dài với ngành Giáo dục…”.

Ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè lại cho biết: “Chúng tôi đã giao ngành Giáo dục phối hợp với nội vụ thực hiện hợp đồng giáo viên, bổ sung cho đơn vị thiếu. Cùng với đó, huyện đề xuất với tỉnh quan tâm mở lớp đào tạo theo địa chỉ cho con em tỉnh Lai Châu nói chung và Mường Tè nói riêng. Có như vậy, mới giải quyết được vấn đề nguồn tuyển giáo viên thời gian tới…”.

Cũng theo Phó Chủ tịch huyện Mường Tè, địa phương đã giao cho Phòng GD&ĐT xây dựng quy chế luân chuyển nội huyện để cố gắng giữ ổn định đội ngũ giáo viên, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT mới. Đối với bộ môn Tin học, Tiếng Anh, huyện đang có 9 em đi học theo chế độ cử tuyển.

Theo kế hoạch năm học 2023 – 2024, huyện Mường Tè sẽ tuyển 74 giáo viên. Trong đó, đối tượng tuyển dụng là người dân tộc thiểu số được cộng 5 điểm vào điểm xét tuyển vòng 2 (vòng thi môn nghiệp vụ chuyên ngành).

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện tuyển dụng giáo viên. Cùng đó sẽ hợp đồng giáo viên chưa có biên chế, thầy cô bậc THPT xuống giảng dạy bên cạnh bố trí 1 giáo viên dạy nhiều trường”.

Đánh giá về công việc này, NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu kỳ vọng: “Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh phân cấp quản lý, sử dụng, tuyển dụng viên chức. Như vậy, các huyện, thành phố có thể hoàn toàn chủ động trong tuyển giáo viên. Ngành cũng tiếp tục triển khai các chế độ chính sách; tùy theo điều kiện từng địa bàn mà có chính sách phụ, hỗ trợ giáo viên. Từ đó, giúp giáo viên yên tâm công tác…”.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Lai Châu, từ năm 2019 đến nay, tỉnh có gần 350 giáo viên xin nghỉ việc và chuyển vùng. Cùng đó, thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, hơn 170 giáo viên được nghỉ theo quy định. Năm học 2022 - 2023, địa phương thiếu hơn 1.300 giáo viên, trong khi đó, việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục khó khăn do thiếu nguồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ