Nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở Cà Mau

GD&TĐ - Phân tích về nguyên nhân khó khăn, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: 

Cô trò trong giờ học Chương trình GDPT mới tại Trường TH 1 Năm Căn (huyện Năm Căn, Cà Mau). Ảnh: Q. Ngữ
Cô trò trong giờ học Chương trình GDPT mới tại Trường TH 1 Năm Căn (huyện Năm Căn, Cà Mau). Ảnh: Q. Ngữ

Xuất phát điểm giáo dục ĐBSCL thấp, điều đó chúng ta đều biết. Nhưng, ngoài yếu tố có tính lịch sử, vấn đề căn cốt của vùng là chưa làm tốt công tác đánh giá cơ cấu, phân bổ nguồn nhân lực để có quy hoạch, điều chỉnh đáp ứng kịp thời cho phát triển kinh tế và sự tiến bộ của xã hội.

Trong khi đó, “điểm nghẽn” của giáo dục là việc phân bổ nguồn lực đầu tư hạn chế, thiếu đồng bộ, giải pháp chưa đủ mạnh. Đối với nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách thì thiếu định hướng, thiếu thông tin, đưa ra khuyến cáo không kịp thời... Mặc dù chúng ta rất cố gắng, nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai, nhưng xem ra tác dụng và hiệu quả chưa được như mong muốn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, vấn đề đầu tiên phải khắc phục là tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở những môn còn thiếu trầm trọng ở cấp tiểu học như Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Tin học, Âm nhạc... Ở cấp Trung học là môn Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Quốc phòng - An ninh và các môn tổ hợp đáp ứng Chương trình GDPT mới. Cấp học mầm non cũng rất thiếu.

Bên cạnh đó, ông Luân nhấn mạnh, từng địa phương cần có chính sách đặt hàng, gắn liền với rà soát nhu cầu trước mắt và tầm nhìn cho năm, mười năm tới. Chính sách đặt hàng nếu chúng ta làm tốt chắc chắn sẽ thu hút được học sinh giỏi đi theo nghề sư phạm…

Thứ hai là quan tâm đến nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở các địa phương trong vùng. Nguồn nhân lực này đang thiếu trầm trọng cả về số lượng và người đảm đương được công việc. Điều này không chỉ ở khu vực công mà ngay cả khu vực tư cũng rất thiếu. Việc gì cũng vậy, điều kiện tiên quyết vẫn là con người. Nhân lực số nhất định phải được các nhà hoạch định tính toán và có giải pháp mạnh mẽ để cả vùng không vấp phải những sai lầm tương tự và không bị thua ngay trên “sân nhà”.

Nhìn lại quá trình 10 năm triển khai Chương trình hành động số 05 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29 Trung ương, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Quy mô và mạng lưới trường, lớp tiếp tục ổn định và phát triển; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo. Đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp dạy học. Công tác quản lý giáo dục được quan tâm cải tiến, đổi mới về phương pháp thực hiện, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục ở các trường. Chất lượng giáo dục tỉnh có bước chuyển biến đáng kể, nhiều năm liền dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL về phổ điểm bình quân thi tốt nghiệp THPT; kết quả thi học sinh giỏi quốc gia tăng cả về số lượng và chất lượng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ