Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở vùng khó Quảng Trị

GD&TĐ - Triển khai chương trình GDPT 2018, giáo dục ở miền núi Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn từ cơ sở vật chất, lẫn đội ngũ giáo viên.

Năm học 2022-2023, Giáo dục ở miền núi Hướng Hóa thiếu hàng trăm biên chế giáo viên.
Năm học 2022-2023, Giáo dục ở miền núi Hướng Hóa thiếu hàng trăm biên chế giáo viên.

Bài 1: Huyện miền núi thiếu hàng trăm giáo viên

Thiếu giáo viên, nhiều trường học tại khu vực miền núi Quảng Trị phải ghép lớp, hoặc điều giáo viên dạy nhiều điểm trường để đảm bảo chương trình.

Năm học 2022-2023 đã qua 2 tuần, nhưng tại huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), qua rà soát hiện còn thiếu hơn 150 giáo viên.

Tình trạng thiếu giáo viên gây khó khăn cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Đặc biệt, năm học này 2 môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học chính trong chương trình.

Một giáo viên "chạy sô" nhiều điểm trường

Trường Tiểu học Húc (xã Húc, huyện Hướng Hóa) có 7 điểm trường, với tổng số khoảng 555 em học sinh. Ngoài điểm trường ở khu vực trung tâm, còn có điểm trường ở các thôn: Húc Ván, Tà Rùng, Cu Dông, Tà Cu, Húc Thượng, Ho Le.

Các điểm trường đều nằm ở địa bàn miền núi, đường giao thông đi lại khó khăn. Trong khi khoảng cách giữa các điểm trường rất xa. Đặc biệt, điểm trường thôn Ho Le cách khu vực trung tâm hơn 10km, chỉ cần một trận mưa nhỏ cũng khiến đường vào trơn trượt, lầy lội khó đi.

Trường chỉ có một giáo viên dạy môn Tiếng Anh, cô giáo Trần Thị Hà My phải di chuyển quãng đường xa để dạy 5 điểm trường.
Trường chỉ có một giáo viên dạy môn Tiếng Anh, cô giáo Trần Thị Hà My phải di chuyển quãng đường xa để dạy 5 điểm trường.

Thầy giáo Đoàn Văn Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc cho biết, năm học này đưa 2 môn Tin học và Tiếng Anh vào dạy chính khóa đối với học sinh lớp 3. Tuy nhiên, việc triển khai dạy học ở các điểm xa trung tâm gặp nhiều khó khăn. Hiện nhà trường chỉ có một giáo viên Tin học lẫn Tiếng Anh, nhưng cần dạy 7 điểm trường nên việc đi lại của các thầy, cô giáo rất phức tạp.

Theo lãnh đạo nhà trường, trong khi chưa được bổ sung giáo viên, nhà trường phải thực hiện giải pháp trước mắt là ghép học sinh tại các điểm trường để đảm bảo công tác giảng dạy. Với môn Tiếng Anh, qua bàn bạc, nhà trường thống nhất ghép học sinh tại điểm trường này với điểm trường khác, rút gọn 2 điểm trường để triển khai dạy học. Môn Tin học cũng tương tự, nhà trường phải dồn học sinh từ 7 điểm giảm xuống 5 điểm để dạy học.

Năm học này, cô giáo Trần Thị Hà My (SN 1994, trú ở xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) tham gia dạy học ở Trường Tiểu học Húc theo diện hợp đồng, thay cho một giáo viên khác nghỉ chế độ thai sản.

Là giáo viên dạy môn Tiếng Anh, cô giáo Trần Thị Hà My phải đảm nhận nhiệm vụ dạy học tại nhiều điểm trường.

Tiết học Tiếng Anh tại điểm trường Húc Thượng, xã Húc.
Tiết học Tiếng Anh tại điểm trường Húc Thượng, xã Húc.

“Nhà trường chỉ có mình tôi là giáo viên môn Tiếng Anh nên phải dạy tất cả các điểm trường. Khó khăn nhất là việc di chuyển giữa các điểm trường, bởi khoảng cách giữa 5 điểm trường xa nhau, đường đi rất khó. Gian nan nhất là quãng đường đến thôn Ho Le. Những khi thời tiết khô ráo thì đi được xe máy, còn lúc trời mưa phải đi bộ hơn 3 giờ mới tới nơi. Bản thân đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo việc dạy học cho học sinh đúng chương trình”, cô Hà My nói.

Trường Tiểu học Thuận (xã Thuận, huyện Hướng Hóa) có 455 học sinh tại 4 điểm trường; gồm điểm trường trung tâm và 3 điểm trường tại các bản 1,2 và bản 4. Hiện nhà trường chỉ có 1 giáo viên Tin học và 1 giáo viên Tiếng Anh.

Cô giáo Nguyễn Thị Tân Diện (SN 1991, giáo viên dạy Tin học) cho biết, năm học 2022-2023, môn Tin học đưa vào chương trình bắt buộc, do chỉ có một giáo viên nên cô phải thu xếp thời gian di chuyển giữa các điểm trường để dạy học, với quãng đường khá xa.

“Năm học này đưa vào giảng dạy môn Tin học với học sinh lớp 3. Ban đầu, học sinh nhìn thấy máy tính nên rất hứng thú. Tuy nhiên, môn Tin học sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, với học sinh miền núi thì việc tiếp cận khó. Về chuyên môn, nhà trường đã bố trí linh hoạt các tiết học. Bên cạnh đó, giáo viên phân phối chương trình cụ thể, có những bài giảng và kế hoạch dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh”, cô Diện cho hay.

Cũng theo cô Diện, theo chương trình GDPT 2018, Tin học là môn học mới nên cần học sinh tiếp cận nhiều hơn, phụ huynh cũng cần hướng dẫn thêm cho con em mình.

Cần được bổ sung biên chế

Theo thầy giáo Đoàn Văn Anh, việc ghép các lớp/nhóm lớp để dạy học theo chương trình chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, cần được bổ sung giáo viên đứng lớp để thực hiện việc giảng dạy.

“Do thiếu giáo viên dạy môn Tin học và Tiếng Anh nên nhà trường phải động viên giáo viên đến 5 điểm trường để giảng dạy. Nhà trường đề nghị cấp trên quan tâm bổ sung thêm giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ để đáp ứng nhu cầu giáo dục phổ thông 2018 theo chương trình bắt buộc của Bộ GD&ĐT”, thầy Anh nói.

Ngành giáo dục Hướng Hóa đã đề nghị cấp trên quan tâm bổ sung giáo viên giảng dạy.
Ngành giáo dục Hướng Hóa đã đề nghị cấp trên quan tâm bổ sung giáo viên giảng dạy.

Tương tự, thầy giáo Nguyễn Hoành – phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận cho biết, hiện nhà trường còn thiếu 6 giáo viên. Trong đó, có 5 giáo viên dạy văn hóa và 1 giáo viên môn thể dục.

Ông Hoàng Văn Sơ – phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết: Bước vào năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên tại huyện Hướng Hóa rất trầm trọng. Qua rà soát, toàn huyện thiếu hơn 150 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, có gần 130 giáo viên, đây là con số rất lớn.

“Phòng GD&ĐT đang đề xuất UBND huyện Hướng Hóa và UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Nội vụ phối hợp Sở GD&ĐT sớm bổ sung đội ngũ giáo viên biên chế, đảm bảo việc dạy học đối với các trường. Về giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng trên, Phòng GD&ĐT giao cho các trường sắp xếp, bố trí mạng lưới trường lớp, đặc biệt các khu vực xa để đảm bảo số lượng giáo viên dạy học”, ông Sơ cho hay.

Theo ông Trần Đình Dũng – Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hướng Hóa, từ năm học 2021-2021, biên chế ngành giáo dục của huyện Hướng Hóa thiếu rất nhiều. Tuy nhiên, đến năm học 2022-2023, thì thiếu trầm trọng.

“Vừa rồi, Sở Nội vụ tiến hành rà soát biên chế tại các trường trên địa bàn. Thống kê sơ bộ, địa phương thiếu khoảng 165 biên chế giáo viên. Năm học mới đã qua 2 tuần nhưng chưa được bổ sung biên chế, dẫn đến một số trường phải ghép lớp, trong khi phòng học nhỏ nên khó khăn”, ông Dũng nói.

Theo lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Hướng Hóa, theo chương trình mới, yêu cầu phải dạy Tin học và Ngoại ngữ cho học sinh cấp tiểu học, nhưng giáo viên chưa bố trí, gây ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng.

“Phòng Nội vụ đã tham mưu UBND huyện Hướng Hóa, báo cáo Sở Nội vụ về tình hình thiếu biên chế. Qua đó, Sở Nội vụ khẳng định, sẽ ưu tiên bổ sung biên chế giáo dục đối với huyện Hướng Hóa”, ông Dũng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ