Đặc biệt trong kế hoạch tuyển dụng giáo viên có nhiều giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật.
Nhiều trường nợ môn nghệ thuật
Năm học 2022 - 2023, cùng với học sinh cả nước, lần đầu tiên học sinh lớp 10 Hà Nội học theo Chương trình, sách giáo khoa mới. Ngoài các môn học bắt buộc, các em được chọn 4/9 môn gồm Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, môn Vật lý có nhiều học sinh chọn nhất với tỷ lệ 68,2%, tiếp đến là môn Tin học 62,8%; môn Địa lý chiếm 56,3%; môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 55,4%. Tuy nhiên, môn Mỹ thuật và Âm nhạc có ít học sinh chọn nhất, với tỷ lệ lần lượt là 1,8% và 4,3%.
Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) - cho biết trường không có giáo viên nhóm môn nghệ thuật vừa chưa có cơ sở vật chất phòng âm nhạc, mỹ thuật. Do đó, năm học vừa qua, trường chưa thể triển khai dạy 2 môn này. Nếu ít học sinh đăng ký học môn nghệ thuật, không đủ để thành lập lớp thì có giáo viên cũng khó tổ chức dạy học.
Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng) chưa thể triển khai dạy nhóm môn nghệ thuật. Theo cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Hồng Ngọ, nhà trường đã tính đến việc thuê giáo viên hợp đồng hoặc nhờ giáo viên trường khác đến dạy nhưng đến thời điểm cuối cùng cũng không thể triển khai vì quá ít học sinh lựa chọn.
Lãnh đạo nhiều trường THPT khác cũng cho biết nhóm môn nghệ thuật có Âm nhạc, Mỹ thuật mới chỉ được dạy ở bậc tiểu học và THCS, nay đưa vào bậc THPT là bài toán khó. Đây là môn đặc thù, đòi hỏi phải có trình độ, năng khiếu nên không thể đưa giáo viên môn khác sang dạy. Do vậy, thành phố cần sớm bổ sung chỉ tiêu giáo viên để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Thực tế năm học vừa qua, một số học sinh đã đăng ký học nhóm môn nghệ thuật. Những em này chủ yếu có ý định theo khối V (Toán, Lý, Vẽ), khối H (Văn, Vẽ hình họa, Vẽ trang trí) để sau này thi tuyển các trường liên quan đến mỹ thuật, thiết kế.
Hay khối M (Toán, Ngữ văn và Năng khiếu), khối N (Ngữ văn và Năng khiếu) để đăng ký các trường có ngành âm nhạc, nhạc cụ, biểu diễn hoặc sư phạm mầm non... Tuy nhiên, nhiều trường không đưa môn nghệ thuật vào danh mục môn học thì học sinh có nhu cầu học sẽ thiệt thòi. Nhiều em đã bày tỏ mong muốn được học các môn này trong năm học tới.
Em Nguyễn Minh Châu - Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) khi biết môn Mỹ thuật được đưa vào danh sách môn học giảng dạy ở lớp 10 từ năm học này tỏ ra hào hứng muốn chọn. Theo Châu, học môn này có thể giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ học chính khóa, giúp các em vừa tiếp cận kiến thức nghệ thuật vừa có cơ sở lựa chọn nghề nghiệp liên quan trong tương lai. Em dự định sau này có thể đăng ký xét tuyển Đại học Kiến trúc Hà Nội nên nếu được học môn Mỹ thuật sẽ không phải đi học vẽ ở các lớp bên ngoài trường.
Ảnh minh họa ITN. |
Đáp ứng nguyện vọng học tập
Thầy Phan Lạc Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì) - cho rằng, năm đầu tiên lựa chọn môn học, không phải học sinh nào cũng chọn được môn phù hợp. Trường có điểm “đầu vào” thấp, nhiều học sinh gia cảnh khó khăn, vì vậy, việc lựa chọn môn học của các em chưa được quan tâm đúng mức, thường theo cảm tính hoặc chưa cân nhắc kỹ.
Việc 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật ít học sinh chọn lựa cũng có nhiều nguyên nhân. Đây là hai môn học mới trong chương trình, nhưng chưa được tuyển giáo viên, trong khi đó cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đặc thù của trường chưa thể đáp ứng. Tuy nhiên, nhà trường sẽ nỗ lực tối đa để triển khai môn học này trong năm học tới.
Năm học 2023 - 2024, cùng với lớp 10, Chương trình GDPT 2018 sẽ được áp dụng ở lớp 11. Lường trước khó khăn sẽ tăng lên khi chương trình mới được mở rộng, các trường THPT trên địa bàn Hà Nội cho rằng, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền tới học sinh, phụ huynh về yêu cầu của chương trình mới để hạn chế tối đa việc chọn nhầm môn học.
Cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) - chia sẻ, ngoài việc bố trí nhiều vòng tư vấn trực tiếp với học sinh và phụ huynh, nhà trường sẽ tăng cường tư vấn trực tuyến, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên bảng tin, cổng thông tin điện tử… Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng.
Nhà trường dành khoảng 15 ngày để học sinh và gia đình cân nhắc, quyết định trước khi xếp lớp. Trước thực tế nhiều học sinh chọn học âm nhạc, mỹ thuật nhưng chưa thể đáp ứng, bà Yến cho biết đã chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất và có phương án bố trí giáo viên. Nhà trường đề xuất thành phố sớm tổ chức tuyển dụng giáo viên 2 môn học này để bảo đảm sự ổn định và đáp ứng nhiều hơn nguyện vọng của học sinh.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết, để chuẩn bị tốt cho năm học mới, bên cạnh việc rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ học sinh, phụ huynh chọn môn học phù hợp với năng lực, định hướng nghề nghiệp. Nhà trường cần sớm định hình mô hình lớp học trong năm tới, xác định rõ nhu cầu về cơ sở vật chất, giáo viên để chủ động chuẩn bị, cố gắng đáp ứng cao nhất nguyện vọng học tập của học sinh.
Đầu tháng 6/2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông báo việc tuyển dụng 608 chỉ tiêu giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở GD&ĐT, trong đó có 84 chỉ tiêu giáo viên Âm nhạc, 53 chỉ tiêu giáo viên Mỹ thuật. Với số lượng tuyển dụng này, mỗi trường THPT đều có ít nhất 1 giáo viên Âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật; phần nào bổ khuyết cho các trường để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chương trình mới.
Năm học 2022 - 2023, Hà Nội có 14 trường THPT tổ chức tổ hợp có môn Mỹ thuật và 16 trường tổ chức tổ hợp có môn Âm nhạc. Do chưa có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc cấp THPT nên để khắc phục, các trường đã chủ động hợp đồng giáo viên. Đây được xem như giải pháp tình thế hợp lý để đáp ứng nhu cầu trước mắt của cả phía nhà trường và học sinh.