Thiếu nguồn tuyển
Trong chương trình GDPT hiện hành, Tin học là môn tự chọn nên việc tổ chức môn học gặp nhiều khó khăn, bởi thiếu phòng chức năng, trang thiết bị, máy tính và giáo viên.
Theo ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) – tỷ lệ học sinh học Tin học tăng khá nhanh trong 2 năm gần đây. Kết thúc năm học 2018 - 2019, số học sinh từ lớp 3 - 5 được học Tin học xấp xỉ khoảng 70%. Số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong năm học 2019 - 2020, năm bản lề chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới.
Nhận định đội ngũ là một trong những khó khăn khi triển khai dạy học Tin học, ông Thái Văn Tài cho biết: Với đặc trưng riêng nên việc tuyển dụng giáo viên Tin học khó khăn hơn. Ví dụ, ở khu vực trung tâm, do cơ hội việc làm phong phú, đa dạng, mức thu nhập tốt, nên sinh viên ngành Công nghệ thông tin, cử nhân sư phạm Tin học thường chọn việc làm khác trước khi quyết định chọn công tác trong ngành Giáo dục, trừ những người thực sự tâm huyết, yêu nghề dạy học. Với vùng sâu, vùng xa, khó khăn lại ở việc thiếu nguồn sinh viên tại chỗ để vào học các ngành về công nghệ thông tin. Vì vậy tại các nơi này chủ yếu phải dựa vào nguồn tuyển sinh viên từ các vùng thuận lợi. Đây là rào cản khiến việc tuyển dụng giáo viên Tin học trở nên khó khăn.
Bà Trịnh Hoài Thu – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho biết: Số lượng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật đang dạy học ở cấp THCS cơ bản là đủ; theo đó, ít nhất mỗi trường cũng có 1 giáo viên dạy Âm nhạc và 1 giáo viên dạy Mĩ thuật. Đối với cấp THPT, nội dung chương trình chưa có các môn học nghệ thuật; do đó, hiện nay chưa có giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp học này.
Riêng với cấp tiểu học, số lượng giáo viên chuyên biệt môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật đang thiếu cục bộ. Thống kê sơ bộ, nếu mỗi trường tiểu học có 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mĩ thuật thì cả nước còn thiếu khoảng 2.000 giáo viên Âm nhạc và trên 2.000 giáo viên Mĩ thuật.
Giờ học Âm nhạc. Ảnh minh họa/ INT |
Tuyển dụng theo đặc thù địa phương
Riêng vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp, ông Thái Văn Tài lưu ý: Với các trường liên cấp (tiểu học, THCS), nếu thiếu giáo viên, trước mắt có thể sử dụng giáo viên môn Tin học cấp THCS để dạy tiểu học; tuy nhiên cần quan tâm bồi dưỡng, tập huấn phương pháp dạy học ở tiểu học cho đội ngũ này. Cùng với đó, các điểm trường cũng cần được bố trí các phòng chức năng để học sinh được học đầy đủ các môn học bắt buộc theo Chương trình GDPT mới. Trường hợp không thể bố trí phòng học chức năng theo điểm trường thì có phương án để những học sinh từ lớp 3 – lớp bắt đầu học Tin học – sang học tại trường chính.
Đối với vấn đề giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp THPT, theo chương trình đào tạo, sinh viên ngành sư phạm Âm nhạc, sư phạm Mĩ thuật tốt nghiệp đại học ra trường đạt chuẩn đầu ra, có bằng đại học sư phạm Âm nhạc/sư phạm Mĩ thuật, đều có khả năng và trình độ chuyên môn để dạy học ở các trường phổ thông của cả 3 cấp học sau khi học bổ sung kiến thức phương pháp dạy học Âm nhạc/Mĩ thuật ở trường THPT.
Tuy nhiên, do thực trạng tuyển sinh đầu vào hiện nay của sinh viên sư phạm thấp, năng khiếu đặc thù của sinh viên hạn chế, vì vậy, để giáo viên Âm nhạc/ Mĩ thuật có thể dạy học cấp THPT theo chương trình GDPT 2018, đáp ứng được nhu cầu học sinh THPT khi các em chọn học môn Âm nhạc/Mĩ thuật, các trường sư phạm/ cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên Âm nhạc/Mĩ thuật cần nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào, không chạy theo số lượng.