Chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật hiện nay đang dạy những gì mình có, chưa dạy học theo nhu cầu và thật sự đáp ứng yêu cầu của nhà trường phổ thông.
Nội dung chương trình đào tạo giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật giữa các cơ sở giáo dục không thống nhất, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục chênh lệch rất rõ, vì vậy, năng lực nghệ thuật của các giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật rất không đồng đều.
Báo cáo có sự tham góp của 3 vụ, cục của Bộ GD&ĐT: Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” (tổ chức ngày 21/8 tại Hà Nội vừa qua) đã đề xuất giải pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc và giáo viên Mỹ thuật ở các trường phổ thông thực hiện Chương trình GDPT mới, trong đó có giải pháp về xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật.
Theo đó, các cơ sở đào tạo giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật cần căn cứ chương trình chi tiết môn Âm nhạc và Mỹ thuật trong chương trình GDPT (2018) để điều chỉnh chương trình đào tạo hiện tại của cơ sở mình. Đồng thời, quản lý, thực hiện tốt quá trình đào tạo (từ tuyển sinh đầu vào đến chuẩn trình độ đào tạo đầu ra), bảo đảm đáp ứng yêu cầu đối với môn học Âm nhạc và Mỹ thuật ở trường phổ thông.
Mặt khác, tăng cường các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật phổ thông. Để đáp ứng chương trình GDPT 2018, cần bồi dưỡng cho cả hai đối tượng: Giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông thực hiện chương trình GDPT 2018. Trong đó, tập trung vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc, Mỹ huật đáp ứng Chương trình GDPT mới ở cả 3 cấp học.
Đối với chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đáp ứng Chương trình GDPT mới, các cơ sở đào tạo giáo viên cần: Điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở trình độ đại học sư phạm chính quy. Điều chỉnh, bổ sung nội dung các chương trình liên thông từ trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm hoặc tương đương lên trình độ đại học sư phạm.
Với chương trình bồi dưỡng kiến thức (đào tạo lại) chuẩn năng lực nghề nghiệp của giáo viên phổ thông, cần xây dựng các modun bồi dưỡng theo khung năng lực nghệ thuật của giáo viên phổ thông. Chương trình bồi dưỡng giáo viên cho những người học các chuyên ngành nghệ thuật không thuộc khối ngành sư phạm như: Thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, hội họa, thanh nhạc, piano, lý luận âm nhạc, nhạc cụ… cần xây dựng các modun bổ sung kiến thức về nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy học âm nhạc/mỹ thuật ở trường phổ thông cho đối tượng này. Ngoài ra, cần xây dựng chương trình bồi dưỡng cho giáo viên tiểu học dạy môn thêm môn Âm nhạc và Mỹ thuật theo sát nội dung chương trình môn học Âm nhạc/Mỹ thuật mới.