Tác động của trí tuệ nhân tạo
Đánh giá về tác động của AI đến thị trường lao động Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù đây là công cụ hữu hiệu giúp nâng cao năng suất của con người, nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ để thay thế hoàn toàn lực lượng lao động. Tuy nhiên, năng suất làm việc cao của trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến việc các tổ chức thuê ít người hơn để sản xuất ra cùng một sản lượng, gây ra một số tổn thất trên thị trường việc làm.
Đáng chú ý, những công việc sáng tạo nội dung và mang tính chất lặp đi lặp lại trong văn phòng có nhiều khả năng bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo tạo sinh, trong đó phải kể đến nghề phân tích thị trường, viết tài liệu kỹ thuật và phát triển website, vốn từng được coi là những nghề ổn định với người có trình độ đại học.
Theo chuyên gia Nguyễn Thế Long, một nền kinh tế mới nổi vẫn phụ thuộc đáng kể vào lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp như Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi trí tuệ nhân tạo (37,8% lực lượng lao động thuộc ngành dịch vụ so với 79,2% tại Hoa Kỳ). Do đó, tác động ngắn hạn của trí tuệ nhân tạo tới thị trường việc làm Việt Nam sẽ tương đối thấp so với các quốc gia phát triển.
“Nhưng điều này không có nghĩa là thị trường việc làm an toàn trước công nghệ đột phá và một số lĩnh vực dịch vụ nhất định, chẳng hạn như du lịch, sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng trong vài năm tới. Vậy nên, khi trí tuệ nhân tạo tiên tiến kết hợp với công nghệ robot mới nhất, thị trường việc làm trong các lĩnh vực khác có thể bị rúng động”, ông Long phân tích.
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như: Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN. Như vậy, những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ chịu tác động lớn và đối mặt với nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và AI.
Đối mặt bằng kỹ năng mới
Dù Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng trong các nghiên cứu của mình, ILO cũng chỉ ra nhiều cơ hội. Trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng lại có những công việc mới ra đời. Tất nhiên, những công việc này đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Lê Minh Sơn, chuyên gia phát triển phần mềm, hiện đại hóa và tự động hóa là xu hướng tất yếu của thời đại. Người lao động cần nhìn nhận đây là xu hướng mang lại cơ hội hơn là đe dọa. Tự động hóa không thể thay thế con người trong việc ra quyết định cũng như linh hoạt trong nhận thức. Vì vậy, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cần phải có kỹ năng mà máy móc không thể có, như khả năng lãnh đạo, làm chủ doanh nghiệp. Máy móc sẽ thay thế những kỹ năng đơn giản và lặp đi lặp lại. Để tồn tại và phát triển trong nền công nghiệp 4.0, lực lượng lao động trong nước phải tự trau dồi và nâng cao các kỹ năng.
“Cuộc cách mạng 4.0 tập trung chủ yếu số hóa, công nghệ robot và tự động hóa - xu hướng máy móc thay dần sức lao động của con người, dẫn tới sự thay đổi cơ cấu lao động có việc làm trong 3 ngành kinh tế chính của nước ta. Nếu việc tổ chức đào tạo tốt thì Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng được cơ hội”, ông Sơn nhấn mạnh.
AI tự thân không tốt cũng không xấu mà tác động của nó phụ thuộc vào cách công nghệ được quản lý và điều tiết. Và câu chuyện là cần làm sao để tranh thủ các lợi ích từ trí tuệ nhân tạo để phục vụ cuộc sống. Sẽ cần một thời gian nữa để nghiên cứu và hiểu rõ các tác động của AI đến đời sống của con người. Nhưng có thể khẳng định chính con người mới là nhân tố đứng sau, có tác động quyết định đến quá trình chuyển đổi công nghệ và đóng vai trò hướng dẫn quá trình chuyển đổi công nghệ này hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn.