Thị trường nào đang 'hút' lao động Việt?

GD&TĐ - Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 có tới hơn 72.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Con số này đã đạt 65,72% kế hoạch năm 2023.

Việt Nam chú trọng xuất khẩu lao động ở các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao. Ảnh minh họa
Việt Nam chú trọng xuất khẩu lao động ở các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao. Ảnh minh họa

Thị trường lao động ngoài nước dần phục hồi

Số liệu thống kê mới nhất của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 lao động. Con số này gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, dù chững lại trong giai đoạn đại dịch Covid-19, thị trường lao động ngoài nước đã gần như phục hồi sau đại dịch. Các thị trường lao động ngoài nước từng bước được mở cửa và trở lại bình thường, một số thị trường tiếp nhận lao động truyền thống và trọng điểm đều có dấu hiệu khởi sắc.

Năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 142.000 người, đạt 158,64% kế hoạch được giao (90.000 lao động). Trong năm 2023, kế hoạch được Bộ LĐ-TB&XH đặt ra là đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định. Do đó, qua số liệu trên cho thấy số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt 65,72% kế hoạch năm 2023.

Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất, với 34.508 người. Sau đó là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 31.538 lao động, Hàn Quốc 1.608 lao động, Trung Quốc 902 lao động, Singapore 727 lao động, Hungary 712 lao động…

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường rất lớn. Nhu cầu lao động nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại Nhật Bản, Đài Loan hay Hàn Quốc tăng cao.

Lao động Việt Nam được đánh giá cần cù, chịu khó, chăm chỉ và tiếp thu công việc nhanh. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài ưa thích, mong muốn tiếp nhận. Ngoài Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc), Đông Âu, Trung Đông, Việt Nam sẽ mở rộng đưa người lao động đi làm việc ở Đức, Úc...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Vì sao Nhật Bản lại “hút” lao động Việt Nam?

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, 3 thị trường lao động lớn là Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc đều có những tín hiệu tích cực trong 6 tháng đầu năm 2023. Đứng đầu thu hút lượng lao động xuất khẩu là thị trường Nhật Bản.

Các chuyên gia cho rằng, Nhật Bản là thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam vì các lao động sau 3 năm thực tập sinh sẽ có nhiều cơ hội chuyển sang lao động kĩ năng đặc định ở lại lâu dài. Nhiều hiệp hội ngành nghề Nhật Bản cũng sang tìm hiểu, liên kết với các trường đào tạo nghề ở Việt Nam để giúp người lao động thuần thục tay nghề trước khi xuất cảnh.

Ông Hoshi Nagashige, đại diện Hiệp hội các Nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryokan và khách sạn Nhật Bản, cho biết, Nhật Bản đang ở trong giai đoạn dân số già. Hiện nay 80% số lượng cơ sở lưu trú, dịch vụ khách sạn ở Nhật Bản đang thiếu lao động. Nhật Bản đang tìm cách cải thiện bằng cách thu hút người lao động nước ngoài tới. Đặc biệt, Nhật Bản rất chú trọng tới việc đào tạo cho người lao động hiểu được văn hóa đất nước này để họ có thể thích nghi làm việc lâu dài.

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản thực hiện các cải tiến chính sách để người lao động nước ngoài có tay nghề cao có thể lưu trú lâu dài.

Do đó, việc Nhật Bản quyết định mở rộng thêm 9 ngành nghề, bao gồm chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc. Việc này đã nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên 12 ngành, nghề.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, đây là cơ hội để tăng số lượng, tăng quyền lợi, mở ra cơ hội cư trú lâu dài đối với lao động Việt Nam.

Nâng cao chất lượng nguồn lao động

Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là một giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng cường thu nhập cũng như tạo điều kiện để thanh niên có nhu cầu có thể tiếp cận những công việc, công nghệ mới…

Để đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, sẽ tiếp tục đàm phán, lựa chọn những địa bàn, khu vực, vùng miền và những đối tác có hiệu quả mới hợp tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Trong nước cũng cần lao động nên nếu không có thu nhập cao, không có môi trường tốt thì chúng ta không đưa lao động đi”.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, để tiếp tục đạt mục tiêu hơn về số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ sẽ hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận, bản ghi nhớ về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cùng đó, tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao.

Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài. Qua đó kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ cần đặc biệt được chú trọng. Làm tốt được việc này, Việt Nam sẽ có được nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.