Lao động trẻ lao đao vì giảm lương, nợ lương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tìm công việc ổn định đã khó, nhiều lao động trẻ, trong đó có cả sinh viên phải lao đao vì “bẫy” giảm lương, nợ lương, cắt giảm nhân sự.

Nhân viên tố công ty giảm lương, chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

Vào tháng 8/2022, chị Đ.N.T.D (SN 1991, trú tại Quận 10, TPHCM) có ký hợp đồng lao động với Công ty V.G, thời hạn hợp đồng là 1 năm, với mức lương thỏa thuận là 18 triệu đồng/tháng, bao gồm các khoản phụ cấp theo quy định. V.G là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế kiến trúc và chị D. đảm nhận vai trò nhân viên marketing.

Tháng 11/2022, lấy lý do công ty đang gặp khó khăn, ông V.T.T - CEO công ty đã tổ chức cuộc họp thông báo giảm 30% lương mà không có sự đồng thuận từ nhân viên. Không đồng tình trước việc đơn vị sử dụng lao động làm trái thỏa thuận, chị D. nhiều lần kiến nghị lên quản lý và yêu cầu có câu trả lời thỏa đáng.

Công ty V.G thông báo sẽ chỉ giảm 10% lương chị D., còn các nhân viên khác vẫn giữ nguyên mức giảm 30%. Tuy nhiên, đến tháng 2/2023, mặc dù thông báo chỉ giảm 10% nhưng do thiếu hụt doanh thu, ông N.N.H. - Trưởng bộ phận Nhân sự tiếp tục cắt giảm 20% lương chị D. và các nhân viên khác dù hạn thanh toán đã cận kề.

Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 27/2/2023, công ty bất ngờ gửi quyết định chấm dứt hợp đồng và yêu cầu chị D. nghỉ việc từ 1/3/2023, với lý do “nguyện vọng cá nhân”.

Cho rằng thời hạn thôi việc mà công ty đưa ra không đúng với quy định, chị nhiều lần gửi email kiến nghị, yêu cầu xem xét để có thêm thời gian kiếm việc làm mới nhưng không được giải quyết. Đồng thời, chị cũng cho biết, chưa từng có nguyện vọng hoặc gửi đơn xin thôi việc lên Bộ phận Nhân sự.

“Tôi chưa từng viết đơn xin nghỉ việc hoặc kiến nghị lên công ty. Công ty bịa đặt lý do nhằm ép tôi phải nghỉ làm và đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định để không phải trợ cấp”, chị D. bức xúc.

Hiện, chị D. vẫn đang lao đao tìm công việc mới và mỗi ngày liên hệ V.G. yêu cầu giải quyết cho ra lẽ.

Hình ảnh, thông tin cá nhân, CMND của chị P. bị công khai trên Facebook với nhiều lời lẽ lăng mạ, xúc phạm.

Hình ảnh, thông tin cá nhân, CMND của chị P. bị công khai trên Facebook với nhiều lời lẽ lăng mạ, xúc phạm.

Khủng hoảng tinh thần vì chủ doanh nghiệp công khai xúc phạm

Tháng 12/2020, khi đang theo học tại Trường Đại học FPT (Hà Nội), chị L.T.T.P. (SN 2000, trú tại Hà Tĩnh) được giới thiệu làm việc cho N.V.T. - Giám đốc Cty M.H.T và Công ty ĐT-TM-MC.

Công việc là viết nội dung freelancer (tự do) cho các mảng về mỹ phẩm, bất động sản theo yêu cầu để đăng lên các website có cùng chủ đề. Với mức giá thỏa thuận 23.000 đồng/bài viết, chị P. vẫn được ông T. trả lương đầy đủ dù thường xuyên bị chậm trễ.

Tháng 9 và 10/2022, lý do khó khăn về mặt tài chính, ông T. nhiều lần kéo dài thanh toán, số tiền chỉ khoảng hơn 8 triệu đồng. Cũng theo chị P., không riêng gì trường hợp bản thân mà trước đó rất nhiều cộng tác viên cũng bị chậm lương thậm chí là nợ lương đến mức phải ngưng việc.

Điều đáng nói là trong thời điểm này, chị P. phát hiện ông T. vẫn tiếp tục tuyển dụng thêm người mới với mức lương cao hơn, đồng thời xóa tài khoản làm việc của mình, cho thấy dấu hiệu chèo kéo thêm nhiều sinh viên mới.

Bất lực trước hành động này, chị P. đăng tải toàn bộ sự việc lên các nhóm chuyên về sáng tạo nội dung để cầu cứu. Không những không được hồi đáp, trên trang cá nhân của mình, ông T. còn đăng bài viết với nhiều ngôn ngữ sỉ nhục, lăng mạ (“ăn cháo đá bát”, “con chó phản chủ”, “thắp hương cho ông bà tổ tiên”), đồng thời đính kèm trái phép hình ảnh CMND của chị.

Chưa dừng lại ở đó, số điện thoại chị P. còn bị công khai trên nhiều nền tảng tuyển dụng, đòi nợ, vay tiền khiến chị “tiền mất, tật mang”, sống trong tình trạng khủng hoảng kéo dài.

Làm sao để tránh rủi ro

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Toàn (TPHCM), hiện nay, freelancer là công việc khá phổ biến và được nhiều người ưa chuộng. Doanh nghiệp cũng có xu hướng thuê các nhân sự dạng này để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, dù tiện lợi và góp phần đem lại nhiều nguồn thu nhập, đây vẫn là công việc “tự do” tiềm ẩn nhiều rủi ro như thu nhập không đều, công việc thiếu ổn định, dễ bị quỵt tiền lương nên sinh viên cần hết sức cảnh giác.

Chia sẻ quan điểm về tình trạng nhiều sinh viên ra trường bị doanh nghiệp chậm lương, nợ lương, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, nhận định: “Khi đã tốt nghiệp đi làm thì quan hệ giữa sinh viên với doanh nghiệp được chi phối bởi những quy định của Bộ luật Lao động. Do đó, những thỏa thuận giữa đôi bên, đặc biệt liên quan đến quyền lợi và lương bổng đều có quy định chặt chẽ, không phải muốn thay đổi là thay đổi được. Thật ra, một số doanh nghiệp gặp khó khăn thì có thể thương thuyết nợ lương, hết thời hạn hợp đồng có thể thỏa thuận mức lương mới trước khi ký hợp đồng tiếp theo”.

Cũng theo TS Lê Trường Tùng, để hạn chế tình trạng trên, doanh nghiệp có thể lựa chọn giải pháp điều chỉnh vị trí công việc phù hợp hoặc cho người lao động thôi việc nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật tùy đặc thù từng ngành. Hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, vấn đề sinh viên làm thêm hoặc ra trường làm việc bị chậm lương, nợ lương vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, chỉ có một số ngành lao động cấp thấp chịu ảnh hưởng và có những thay đổi lớn. Riêng những sinh viên ra trường với trình độ đại học trở lên, công việc thường vẫn ổn định hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ