Đây là cơ hội để người lao động được làm việc trong môi trường tốt, thu nhập cao, đáp ứng yêu cầu Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Thúc đẩy nhân lực chất lượng cao
Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2017, kế hoạch đặt ra là đưa được 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng đến những thị trường chất lượng cao là yếu tố then chốt góp phần vào sự phát triển bền vững của hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, mục tiêu của đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, tìm hướng giải quyết việc làm cho số lao động đã qua đào tạo đang thất nghiệp hoặc chưa có việc làm ổn định. Đây là hướng đi mới, không chỉ đem lại cơ hội việc làm mà còn góp phần nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện nhiều nước trong và ngoài khu vực đang cần nguồn lao động chất lượng cao và có chính sách khuyến khích tiếp nhận. Tuy nhiên, đề án cũng đặt rõ mục tiêu thương thảo với các đối tác, dựa trên nhu cầu sẽ mở từng thị trường chứ không thể mở đồng loạt.
Cụ thể, đề án dự kiến sẽ định hướng đưa lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và Cộng hòa liên bang Đức. Lao động trong ngành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, sinh học, nông nghiệp sang làm việc tại Nhật Bản. Đối với lao động trong lĩnh vực cơ khí có thể sang làm việc tại Hàn Quốc và một số nước châu Âu, Trung Đông. Lao động trong ngành đầu bếp, công nghệ thông tin, điện tử đi lao động tại Hàn Quốc. Ngoài những thị trường trên, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang xúc tiến khai thác các thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel...
Làm rõ tính khả thi
Các chuyên gia ngành lao động nhận định, nếu đề án được triển khai sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lao động trẻ, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, để làm tăng tính khả thi của đề án, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được làm rõ.
Ông Phạm Viết Hương Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Những năm gần đây, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nhóm ngành điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang Hàn Quốc. Mặc dù số lượng lao động xuất khẩu vào các thị trường khó tính tăng đều qua các năm, nhưng lao động ở các nhóm ngành kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn còn rất hạn chế. Do đó, triển khai đề án, cần phải có những nghiên cứu chính xác, đầy đủ nhu cầu của thị trường lao động các nước. Đồng thời xem xét, đánh giá nguồn cung nhân lực của Việt Nam để có cơ sở dữ liệu thực hiện.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nhìn chung lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế về ngoại ngữ, kỹ năng, trình độ chuyên môn. Để nắm bắt được cơ hội từ đề án này, bản thân người lao động ngoài sức khỏe, cần phải có trình độ chuyên môn tương đương với yêu cầu khắt khe của những thị trường lao động tiềm năng. Vì vậy, đào tạo nâng cao chất lượng lao động luôn được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu.